Cậu dì chú bác xong phần cúng kiếng, bắt đầu lai rai chuyện nhà chuyện cửa, chuyện ruộng chuyện vườn, mừng cho thằng Út vừa đậu đại học, hay lo cho thằng Ba sắp ra trường có tìm được việc chưa. Cái tình cảm gia đình là thế, mỗi lời nói chẳng có từ ngữ yêu thương nào hết, nhưng lúc nào cũng đầy ắp sự quan tâm thiệt bụng, thiệt dạ.
Ông bà về với tổ tiên đã lâu, có khi tính ra cả trăm tuổi hơn, nhưng hết đời ông bà nội, bà ngoại, tới đời tía má, nhớ ngày là phải cúng mâm cơm, bởi tục lệ ông bà đâu thể quên đi được. Dù nhịp sống hiện đại, lối sống đương thời có nhiều thay đổi, mỗi vùng miền phong tục cũng khác nhau, nhưng cúi đầu tưởng nhớ tổ tiên thì có lẽ không bao giờ thay đổi, vì ai sinh ra cũng có cội có nguồn, như lời nội thường hay dạy con cháu “chim có tổ, người có tông”.
Từ trước đám giỗ cỡ nửa tháng, má tính từng ngày, gọi điện thoại nhắc nhở mấy đứa nhỏ đi học, đi làm ăn xa, nhớ ngày để sắp xếp công việc về quê ăn giỗ. Má nhắc là nhắc cái chừng để tụi nhỏ không quên ngày, chứ có việc cứ đi mần, đi học, tía má cũng chẳng khi nào rầy hay buồn phiền khi có đứa không về được. Tía má gọi nhắc, rồi lại xuề xòa “đám giỗ năm nay không được thì năm sau”, miễn đừng biền biệt quên quê hương mình là được.
Mỗi bận đám giỗ, vui nhất có lẽ là việc chuẩn bị tới ngày tiên thường (trước ngày giỗ 1 ngày). Tía lo chuyện bàn ghế, mời bà con trong xóm. Họ hàng thì không cần phải mời, bởi bổn phận con cháu là phải biết nhớ ngày cúng cơm ông bà. Má thì tay trong tay ngoài, lo mâm cơm cúng ông bà, bánh trái đãi khách, mà kỳ công khéo léo là món nào cũng do má, các dì, các chị đi chợ rồi nấu nướng, dẫu nhà cũng chẳng đến nỗi nào nhưng tuyệt nhiên không ai nghĩ đến chuyện đặt mâm cỗ hay ra chợ mua cho lẹ. Theo lời má dặn, một năm thì giỗ ông bà cũng chỉ một lần, mình nhín chút thời gian nấu bữa cơm, đó mới là lòng thành con cháu, khi nào gia đình neo người quá thì hãy nghĩ đến đặt người ta làm.
Có vào bếp ngày giỗ mới thấu những lẽ thường tình ở đời, đạo hiếu con người đôi khi biết lựa cái tô đẹp nhất, không sứt mẻ ở miệng để múc đồ ăn bày lên mâm cúng. Cũng gian bếp đám giỗ, má rồi các dì, người nấu lẩu vị thanh tao, người bí quyết ướp thịt đậm đà, người đều tay gói bánh ít hình tam giác đầy đặn… Mỗi người một chút, rồi dạy lại cho các chị, để sau này khi má ngồi nhai trầu, mấy dì có tuổi nhiều hơn, thì sắp nhỏ cũng vén khéo trong ngoài.
Mâm cỗ đám cưới cầu kỳ và phải đầy đặn hơn đám giỗ, bởi mời đám cưới khách đi phong bì, nhận tiền mừng thì đãi ăn phải coi cho đặng. Nhưng đám giỗ thì khác, mâm cỗ đủ lòng thành, ngay ngắn dâng cúng ông bà, món ăn lỡ có mặn, nhạt, khách cũng không nề hà, bởi khách đi đám giỗ cúng gì tùy tâm, nên gia chủ đãi bữa cơm ít nhiều cũng đều vui. Xóm giềng, họ hàng sát lại gần nhau hơn một chút cũng nhờ những lần đám giỗ. Nhà này mượn nhà kia mớ chén dĩa, xoong nồi làm đám giỗ, hay dì Ba, dì Năm xóm trên khéo tay, bà con hay nhờ nấu đám, để rồi trả công là chục bánh ít, mớ trái cây cũng cười tươi rói, hẹn hò nhau “bữa sau tui qua phụ đám giỗ nhà bà nha” như thể chị em ruột rà.