Đến với điền kinh nhằm kiếm thêm tiền nuôi người mẹ đang bị tai biến, cậu bé khuyết tật Cao Ngọc Hùng phụ quán phở ngày nào giờ đã được xướng tên mình lên bảng vàng Paralympic 2016.
Nước mắt chiến thắng
Giây phút cầm trên tay chiếc HCĐ nội dung ném lao tại Paralympic Rio 2016, chàng trai giàu nghị lực có nụ cười hút hồn Cao Ngọc Hùng đã không kìm nén được giọt nước mắt. Đối với anh, chiếc huy chương này không chỉ là món quà dành cho cậu con trai 1 tuổi đang chờ anh về làm thôi nôi, cũng không chỉ là chiếc huy chương “vợ chồng” khi mà vợ anh – VĐV điền kinh khuyết tật Nguyễn Thị Hải đã không được tham dự Paralympic để ở nhà chăm sóc cho hai con. Đó còn là chiếc huy chương của sự công bằng, điều mà anh đáng ra phải được từ cách đây 4 năm.
“Nếu nói việc giành được chiếc HCĐ tại Rio lần này là kỷ niệm hạnh phúc nhất trong sự nghiệp thể thao của tôi thì Paralympic London 2012 là nơi khiến tôi phải khóc tức tưởi. Lúc đó tôi đã cầm chắc chiếc HCĐ vì vượt khá xa người xếp phía sau, nhưng không hiểu sao Ban tổ chức lại cho ghép các hạng thương tật lại nên tôi bị đẩy xuống vị trí thứ 4 mà mất luôn danh hiệu”, Ngọc Hùng nhớ lại.
Nhắc đến Ngọc Hùng, người ta thường nhắc đến cặp vợ chồng có chuyện tình cảm động bậc nhất làng thể thao khuyết tật Việt Nam.
9 năm liền cùng chung đội tuyển, cùng tập luyện và đi thi đấu, Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải đến với nhau như một lẽ tự nhiên, một sự đồng cảm của hai con người khuyết tật cùng xa quê vào TPHCM lập nghiệp. Kết hôn từ năm 2014, đến nay cặp đôi này đã có cho mình 2 đứa con kháu khỉnh. Hạnh phúc là thế, cống hiến cho thể thao là thế nhưng niềm mơ ước về một mái ấm riêng vẫn canh cánh trong lòng chàng trai quê Quảng Bình này.
Gia đình luôn là điểm tựa cho thành công của VĐV Cao Ngọc Hùng Ảnh: T.L
“Hiện gia đình tôi đang sống cùng chị gái và anh rể nên cũng có nhiều bất tiện. Mơ ước cao sang đối với tôi là có một căn nhà nhỏ để gia đình an cư. Về kinh tế chúng tôi hiện giờ cũng chỉ tạm tạm nên cũng hy vọng sắp tới sẽ ổn định hơn”, anh chia sẻ.
Chàng trai hiếu thảo
Thể thao gắn với cuộc đời Cao Ngọc Hùng xuất phát từ mong muốn kiếm tiền phụ giúp người mẹ đang bị tai biến nặng và đứa em gái nhỏ dù lúc ấy, Hùng cũng đang tuổi ăn tuổi lớn.
“Lúc sáu tuổi tôi đã theo ba mẹ vào Sài Gòn kiếm sống vì nhà chúng tôi có quá đông anh em. Tôi chỉ học được đến lớp 9 là phải nghỉ vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, mẹ tôi thì bị tai biến nặng, tôi mong kiếm tiền phụ gia đình. Lúc tôi mới học cấp hai thì được các thầy ở Tân Bình chấm vào đội điền kinh người khuyết tật vì thấy tôi tuy khiếm khuyết nhưng hiếu động, thể trạng cũng tốt. Thú thật lúc đó ngày nào tôi cũng đi đá bóng nhưng chỉ được cho làm thủ môn thôi. Lúc đó tôi hoàn toàn không thích điền kinh nhưng muốn có thêm tiền phụ giúp gia đình nên tôi xin đi tập”, VĐV sinh 1990 tâm sự.
Kể từ ngày ấy, Hùng bắt đầu những tháng ngày thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để phụ quán phở, rồi đi tập điền kinh rồi lại quay về phụ quán phở. Bận kiếm tiền và tập luyện như vậy, Hùng vẫn dành thời gian học thêm vi tính.
Và rồi thành công không bạc đãi con người giàu nghị và chí hiếu này. Thành công liên tiếp đến với các giải đấu mà Hùng tham gia. Đặc biệt, anh gây sốc khi giành 3 chiếc HCV liên tiếp ở Giải khuyết tật trẻ châu Á – Thái Bình Dương 2003 với 3 nội dung ném lao, ném đĩa và đẩy tạ. Đến bây giờ, thể thao đã in sâu vào máu anh.
“Thể thao đã cho tôi khá nhiều thứ. Gia đình, vợ con và cuộc sống đỡ cơ cực hơn trước nhiều”, Hùng cho biết.
Ngoài thời gian tập luyện hay đi thi đấu, Hùng còn tình nguyện hướng dẫn chơi thể thao cho các trẻ em khuyết tật hay bị thiểu năng miễn phí tại các quận huyện khi được các thầy nhờ cậy.
THÁI KIÊN