Ngày 14-8, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong cả nước.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện tổng doanh thu của ngành nông nghiệp nước ta đạt trên 30 tỷ USD/năm, cung cấp sinh kế cho hơn 10 triệu hộ nông dân. Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm, trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng, địa phương.
Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo huy động gói tín dụng thương mại 100.000 tỷ đồng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay nhiều chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống, việc tiếp cận các hỗ trợ của người dân còn hạn chế. Còn theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc triển khai cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, do sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là một hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án, trong khi lại thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, nhất là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp. Các công trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (nhà kính, nhà lưới…) chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc thế chấp vay tiền ngân hàng.