Chỉ có 9 người được vay mua nhà
Gần 3 năm sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, tiền cho vay mua NƠXH bắt đầu rót xuống. Khoảng giữa năm nay, nguồn vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trong giai đoạn 2018-2020 chỉ khoảng hơn 1.262 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu), riêng năm 2018 chỉ được giao 500 tỷ đồng. Theo quy định, với số vốn được giao 500 tỷ đồng thì Ngân hàng CSXH chỉ huy động thêm được 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH, tức là 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn 1.000 tỷ đồng đã được giao về các địa phương triển khai cho vay với lãi suất là 4,8%/năm. Với nguồn vốn này, TPHCM - đầu tàu kinh tế cả nước, nhu cầu nhà ở cực lớn - được phân bổ như thế nào?
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc Ngân hàng CSXH TPHCM, cho biết trong năm 2018 cơ quan này được phân bổ 50 tỷ đồng. Nguồn vốn này chỉ cho người mua nhà vay, chưa cho chủ dự án vay. Đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho 11 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp vay sửa chữa, còn lại 9 trường hợp vay mua NƠXH tại các dự án của Công ty Bất động sản Chương Dương, Công ty Bất động sản Sài Gòn và Công ty Bất động sản Nam Long.
Lý giải vì sao có quá ít trường hợp được vay và chỉ vay tại những dự án của các chủ đầu tư trên, ông Trần Văn Tiên cho biết: Do các dự án này không thế chấp tại các ngân hàng thương mại nên Ngân hàng CSXH TPHCM mới tiến hành giải ngân. Các trường hợp khách hàng làm hồ sơ mua NƠXH tại một số dự án khác, qua rà soát được biết chủ đầu tư đã vay tại các ngân hàng thương mại và chưa làm thủ tục giải chấp, nên không thể giải quyết cho vay. Từ nay đến hết năm 2018, ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân thêm cho 35 - 40 trường hợp mua NƠXH, trung bình mỗi trường hợp được vay khoảng 250 - 300 triệu đồng. Ông Trần Văn Tiên khẳng định, đây là chương trình cho vay NƠXH theo Nghị định 100 của Chính phủ, là chương trình vay dài hơi kéo từ năm này qua năm khác chứ không giới hạn số tiền, thời gian vay, như các gói hỗ trợ về nhà ở khác. Do đó, các trường hợp đang làm hồ sơ vay, khi xong thủ tục và đủ điều kiện thì ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân, người dân vay mua NƠXH không phải lo việc bị bỏ hồ sơ hoặc không kịp thời gian để được vay.
Cần có cơ chế đột phá
Thực ra, không chỉ có mỗi Ngân hàng CSXH là đơn vị duy nhất “có tiền” để cho người nghèo đô thị vay tiền mua NƠXH. Ngoài nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ định 4 ngân hàng thương mại (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank) cho vay đối với đối tượng được mua NƠXH ở mức lãi suất 5%/năm, thời hạn được vay là 15 năm. Mặc dù các ngân hàng này cho biết đã sẵn sàng cho vay, nhưng người dân vẫn chưa tiếp cận được vốn vay vì chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ ngành liên quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định thực hiện cho vay NƠXH nêu trên. Nhưng đến nay, nguồn tái cấp vốn cấp cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỷ đồng vẫn chưa được bố trí. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nguồn vốn này “tới tay người nghèo vay mua NƠXH chỉ khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua”. Lý do, Nghị quyết 1023 ngày 28-8-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có chương trình NƠXH trong danh mục các chương trình mục tiêu tại Điều 7, nên chưa có nguồn chi từ ngân sách nhà nước.
Không chỉ khó từ vốn ngân sách nhỏ giọt, mà cái khó cũng đến từ các thủ tục xét duyệt cho vay mua nhà. Đơn cử, tại TPHCM hiện có 41 dự án NƠXH đang triển khai xây dựng, thế nhưng cho tới thời điểm này, chỉ có người mua nhà tại 3 dự án NƠXH nói trên được vay vốn ưu đãi, vì chủ đầu tư không thế chấp dự án tại ngân hàng. “Đây là đòi hỏi đúng về mặt pháp luật, còn thực tế là không đúng. Bởi hiện tại, hầu như có rất ít chủ đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng không vay ngân hàng. Đây chính là điểm nghẽn rất lớn, khiến cho người mua NƠXH không thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi để mua nhà”, ông Lê Hoàng Châu khẳng định.
Với quy định hiện tại, doanh nghiệp (DN) bế tắc nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, người mua bị đủ thứ rào cản, xem như dòng chảy chương trình NƠXH chưa thông. Rõ ràng việc phát triển NƠXH chỉ trông chờ vào túi tiền ngân sách sẽ khó khăn nhiều bề, Chính phủ cần khai thông mạnh bằng cơ chế. “Luật Nhà ở quy định chủ đầu tư của tất cả dự án nhà ở thương mại phải có trách nhiệm dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NƠXH. Quy định pháp luật cũng nêu, dự án có quy mô từ 10ha trở lên phải xây dựng NƠXH ngay tại dự án, điều này có thể không phù hợp với nhiều dự án khác nhau. Nên cho phép tất cả các DN được lựa chọn hoặc xây dựng NƠXH tại dự án, hoặc thanh toán bằng tiền, kinh phí thu được phục vụ cho NƠXH. Với cách làm linh động như vậy, Nhà nước sẽ thu được nguồn lực dồi dào, có thể đáp ứng rất lớn nhu cầu phát triển NƠXH của các địa phương”, HoREA kiến nghị. Khi có cơ chế tháo được rào cản, ắt hẳn sẽ có vốn cung cấp cho DN đầu tư xây dựng NƠXH, đồng thời người mua cũng dễ dàng được tiếp cận vốn vay mua nhà, lúc đó mới giải quyết được phần nào giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp.
Một DN làm dự án NƠXH phân tích, cũng theo Nghị định 100, nguồn vốn vay ưu đãi sẽ bố trí cho chủ đầu tư phát triển dự án cũng như cho người mua NƠXH. Tuy nhiên, nguồn vốn cho chủ đầu tư vay để xây dựng là chưa có, buộc chủ đầu tư phải thế chấp dự án vay từ ngân hàng thương mại để có vốn xây dựng, nhưng lại quy định dự án không thế chấp thì người mua NƠXH mới được vay, không khác nào thòng thêm “hàng rào kỹ thuật”, không muốn người dân vay Ngân hàng CSXH để mua nhà. |