Thu mua tận vườn
Chưa đầy một tuần sau khi TPHCM áp dụng giải pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, tình hình an sinh xã hội diễn biến có phần phức tạp. Phần lớn siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, chợ tạm… đều tạm đóng cửa. Thời điểm đó xuất hiện tình trạng hàng hóa “nơi thiếu, chỗ thừa”.
TPHCM khan hiếm rau, củ, quả…, ngay cả hành, ngò, ớt cũng trở thành mặt hàng xa xỉ. Giao thông bị ách tắc nên nhiều loại thực phẩm ở các tỉnh không thể chuyển về thành phố. Trong khi đó, trên các trang mạng Zalo, Facebook, Viber… xuất hiện nhiều nhà vườn thông tin rau, củ, quả đến kỳ thu hoạch, nhưng không thể đưa về TPHCM tiêu thụ. Trăn trở với thực tế này, ông Thành chợt nghĩ đến chiếc xe bán tải ông mua trả góp và đang tham gia phục vụ phòng chống dịch ở địa bàn.
Ông Thành cho biết: “Hơn 15 thành viên của Ban BVDP đã tham gia Đội phản ứng nhanh hỗ trợ, cấp cứu các ca F0. Khoảng cuối tháng 8-2021, chúng tôi bắt đầu hoạt động và ăn, ngủ luôn tại nhà điều hành Ban BVDP. Tôi gọi điện thoại cho vợ, bàn bạc với cô ấy và quyết định dùng số tiền để dành của gia đình, vay thêm bạn hữu, người thân để mua lương thực, thực phẩm cho bà con”. Trước đó, khoản tiền để dành này cũng đã được trích ra để mua máy trợ thở, bình oxy, mặt nạ, đồ bảo hộ… trang bị cho lực lượng BVDP và cung cấp cho người dân có nhu cầu.
Có tiền cùng xe và giấy đi đường, ông Thành liên hệ trực tiếp với các nhà vườn để bàn kế hoạch thu mua rau xanh. Thế là hàng chục tấn rau, củ, quả từ Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… được chuyển về TPHCM.
Ông Thành trải lòng: “Các chuyến đi đó đã giải tỏa được nhiều khó khăn của người dân trong khu vực tôi ở. Chúng tôi mua “mão” (mua toàn bộ) khu vườn, vì vậy giá cả rất hợp lý. Mệt thì rất mệt, nhưng hạnh phúc lắm khi người dân trong phường có rau, củ, quả tươi ngon!”.
Ai khó, có chúng tôi
Giữa lúc cao điểm dịch Covid-19 tại TPHCM, rất nhiều bệnh nhân cần oxy để chống chọi với bệnh tật. Hơn 30 bình oxy vẫn không đủ tiếp ứng, ông Thành ứng tiền mua thêm và cùng anh em BVDP vận dụng các mối quan hệ để trang bị thêm máy đo huyết áp, đo nồng độ oxy, thuốc đặc trị...
“Gần 300 triệu đồng đã được dùng để mua thuốc men, các thiết bị khác chưa tính đến. Bà con tin tưởng cậy nhờ, nên khi nhận được yêu cầu hỗ trợ là chúng tôi đến ngay”, ông Thành tâm sự.
Người dân ở phường Nguyễn Thái Bình và các khu vực lân cận không còn xa lạ với hoạt động của lực lượng BVDP đặc biệt này. Ông X., ở chung cư Nguyễn Thái Bình, kể: “Khi tôi bị sốt và cảm thấy khó thở, người nhà đã gọi cho Đường dây nóng. Chỉ vài phút sau, các anh có mặt, đem theo bình oxy và thiết bị y tế. Tôi tin mình đã được cứu giúp kịp thời!”.
Anh Phạm Quốc Hưng, 23 tuổi, thành viên Nhóm hỗ trợ F0, nói thêm: “Chúng tôi đã được huấn luyện sơ cấp cứu ban đầu và cách sử dụng các máy móc, thiết bị. Do vậy, khi thấy ông X. có biểu hiện sốt cao, khó thở, chỉ số oxy trong máu dưới ngưỡng an toàn…, tôi liền điện thoại trao đổi với các bác sĩ và chuyển ngay ông X. đến Tổ quân y cơ động”.
Việc cứu người đã khó, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ yêu cầu của người dân cũng không dễ dàng. Ông Võ Gia, nhà ở đường Nguyễn Công Trứ, cho hay: “Gia đình tôi có 2 người bị F0 phải đi cách ly tập trung. Thực phẩm, lương thực cạn dần. Tôi nhắn tin nhờ mấy chú BVDP mua giùm. Lúc đó, mua sắm hàng hóa khó khăn lắm. Vậy mà đúng 10 phút sau, mấy chú đã đến tận nhà tiếp tế gạo, rau, củ, quả, trứng gà, dầu ăn… Còn thịt, xúc xích, sữa hộp cho em bé thì mấy chú đi tìm mua và chuyển cho tôi ngay trong ngày”.
Vẫn với phương châm “Ai cần thì chúng tôi đáp ứng”, trong những ngày “bình thường mới” này, ông Thành vẫn lặng lẽ chuyển hàng cứu trợ đến với người dân bị lây nhiễm và gặp khó khăn trong cuộc sống. Chỉ một điều đến nay còn đang dang dở, ông Thành vẫn chưa thống kê xong những khoản nợ bạn bè thân hữu để giải quyết chuyện cấp thiết cho bà con trong mùa dịch! |