“Con nợ” bất đắc dĩ
Cuối tháng 6-2021, chị Trang Huyền (TP Thủ Đức) bán căn nhà ở phường Phước Long B (TP Thủ Đức) với giá 5,7 tỷ đồng để mua miếng đất 55m2 gần khu vực đó với giá khoảng 4,8 tỷ đồng để xây nhà ở. Những tưởng làm thủ tục bình thường, chị Huyền đặt cọc mua miếng đất và hẹn 3 - 4 tuần sẽ ra công chứng, sang tên và trả đủ tiền. Thế nhưng trong quá trình làm thủ tục sang tên thì TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, và đến nay, sau hơn 2 tháng, các thủ tục vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù bên mua nhà đã làm đầy đủ hồ sơ vay, nhưng ngân hàng phong tỏa số tiền vay (2 tỷ đồng) cho đến khi thủ tục sang tên hoàn tất mới giải ngân.
Do đã đến thời hạn trả tiền đất nên chị Huyền đành phải đi vay ngân hàng 1,4 tỷ đồng nếu không sẽ mất cọc. Tham khảo khắp nơi, cuối cùng chị Huyền cũng tìm được TPBank cho vay mua nhà, đất với hình thức giải ngân không phong tỏa. Tức ngân hàng sẽ giải ngân ngay cho bên bán sau khi hoàn thành các thủ tục vay, chỉ phong tỏa khoảng 10%, thay vì toàn bộ khoản vay cho đến khi làm thủ tục sang tên như ngân hàng khác.
“Thật ra trên thị trường có nhiều ngân hàng cho vay mua nhà, đất với lãi suất tốt hơn, nhưng tôi buộc phải chọn ngân hàng có hình thức giải ngân phù hợp và không áp dụng phí phạt trả trước (thông thường khoảng 1%-4% tổng mức vay - PV). Tôi chấp nhận vay với lãi suất 10,4% vì sau khi lấy đủ tiền nhà, tôi sẽ tất toán hồ sơ vay”, chị Huyền cho hay.
Chị Huyền bức xúc, các cơ quan nhà nước cho biết vẫn giải quyết thủ tục hành chính trong mùa dịch, nhưng trên thực tế, các văn phòng công chứng, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận huyện và cơ quan thuế đã ngưng nhận hồ sơ trực tiếp, chỉ tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, nhưng xử lý rất chậm. Chính vì vậy, chị Huyền trở thành “con nợ” bất đắc dĩ, trong khi lỗi không thuộc về phía chị.
Tương tự, anh Minh Hùng (quận 3) cũng cho biết, do lãi suất mua nhà hiện khá thấp nên anh quyết định vay 2,5 tỷ đồng tại Shinhan Bank với lãi suất cố định trong 5 năm ở mức 7,8%/năm để mua căn nhà 55m2 tại quận 3, giá khoảng 7 tỷ đồng. Anh Hùng đã nộp hồ sơ lên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 3 để làm thủ tục sang tên, nhưng đến nay gần 2 tháng, hồ sơ vẫn chưa giải quyết xong do các cơ quan đang thực hiện giãn cách theo quy định. Anh Hùng lo lắng, trong 3 tuần tới, nếu hồ sơ thủ tục sang tên không được xử lý xong để bên ngân hàng giải ngân tiền vay cho bên bán thì có khả năng anh không mua được căn nhà trên và bị hoàn trả tiền vì bên bán đã mua vé máy bay để xuất cảnh trong tháng 9-2021.
Ghi nhận thị trường cho thấy, hiện các ngân hàng thương mại có mức lãi suất cho vay mua nhà khá thấp so với năm trước, ở mức 5%-8,5%/năm, tùy hình thức thanh toán và thời gian vay. Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng thương mại cho biết trong hơn 2 tháng qua, nhất là khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, ngân hàng rất ít hợp đồng vay mới mà chủ yếu giải ngân cho các hợp đồng cho vay trước đó.
Nên ân hạn trả nợ qua mùa dịch
Từ giữa tháng 7, một số ngân hàng thương mại công bố giảm lãi suất cho vay mua nhà nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng gặp khó khăn do đại dịch. Lãnh đạo MBBank cũng cho biết, hiện có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng được giảm 0,5%-1,5%, tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có khách hàng cho vay mua nhà. Hiện TPBank cũng đang ân hạn trả tiền gốc vay mua nhà, đất cho khách hàng trong 6 tháng…
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có chính sách hỗ trợ cho người vay. Chị Hương Hà (huyện Bình Chánh) cho biết, chị đang vay mua nhà với lãi suất 7,9%/năm tại một ngân hàng thương mại nước ngoài. Thời gian qua, khu vực nhà chị liên tục bị phong tỏa do có nhiều ca F0, chị gọi lên hỏi ngân hàng xin gia hạn thời gian trả lãi, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và khách hàng vay mua nhà. Về đề xuất trên, các chuyên gia cho rằng, hiện lãi suất cho vay bất động sản đã thấp nhất trong vòng 10 năm qua và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, khi thị trường vẫn chưa minh bạch, giá bất động sản vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân thì việc giảm thêm lãi suất sẽ dẫn đến nhiều lệ lụy như vốn chảy mạnh vào đầu cơ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” bất động sản.
Cùng với đó, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước vẫn hạn chế tín dụng bất động sản, trừ nhu cầu mua nhà để ở, nên kiến nghị giảm thêm lãi suất cho bất động sản sẽ khó. Nhất là hiện nay, ngành ngân hàng đang tập trung tín dụng và giảm lãi suất cho lĩnh vực ưu tiên nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Mặc dù vậy, theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, trong bối cảnh nhiều người mua nhà bị ảnh hưởng thu nhập do đại dịch, đặc biệt là những trường hợp trả góp tiền nhà từ lương, các ngân hàng thương mại có thể xem xét giảm lãi suất cho người mua nhà lần đầu, hoặc có thể ân hạn trả nợ qua mùa dịch.