Vay 3 tỷ đồng không cần thế chấp cho Đề án 1 triệu ha lúa tại ĐBSCL

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL với lãi suất ưu đãi giảm 1% và hạn mức vay không cần tài sản đảm bảo lên đến 3 tỷ đồng.

lua-gao-9672jpg-2087.jpg
Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL

Ngày 15-10, tại cuộc họp giao ban của Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp thông tin về kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo sẽ được triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn thí điểm kéo dài từ nay đến cuối năm 2025 do Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam chủ lực. Giai đoạn mở rộng sẽ tiếp tục từ năm 2026 đến 2030 tại các tổ chức tín dụng khác.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay để triển khai đề án này sẽ giảm tối thiểu 1%/năm so với mức cho vay thông thường. Các chính sách ưu đãi khác như cho vay không cần tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù và khuyến khích mua bảo hiểm trong nông nghiệp cũng được áp dụng.

Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng tham gia vào các liên kết sản xuất lúa gạo sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về tín dụng. Mức cho vay không cần tài sản bảo đảm tối đa có thể từ 100 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, tùy thuộc vào từng đối tượng như cá nhân, tổ hợp tác hay hợp tác xã. Đặc biệt, với các dự án sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết và ứng dụng công nghệ cao, mức cho vay không có tài sản bảo đảm có thể đạt tới 70%-80% giá trị phương án hoặc dự án.

Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản hướng dẫn tới UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các tổ chức tín dụng để sớm triển khai chỉ đạo này. Tuy nhiên, khả năng giải ngân còn phụ thuộc vào việc công bố định mức chi phí thực tế và xác định các vùng chuyên canh, liên kết (do Bộ NN-PTNT và UBND các địa phương thực hiện).

Nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đưa ra cơ chế xử lý nợ linh hoạt. Các khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan hoặc bất khả kháng có thể được cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ hiện tại. Đối với trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh hoặc các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, ngân hàng có thể áp dụng cơ chế khoanh nợ để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cùng với đó, ngân hàng cũng khuyến khích nông dân, doanh nghiệp mua bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi giảm lãi suất cho vay. Mức giảm lãi suất có thể đạt tối thiểu là 0,2% (mỗi năm) so với lãi suất thông thường của các khoản vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.

Tin cùng chuyên mục