Việc cực nhọc, thu nhập thấp
Phụ hồ là công việc lao động nặng, đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai. Những người lao động nghề này đều hoàn cảnh khó khăn, không có bằng cấp và nghề chuyên môn, nên không có lựa chọn nghề nghiệp nào khác trước những yêu cầu khắt khe của xã hội về trình độ và năng lực. Công việc cực nhọc nhưng đồng lương phụ hồ lại thấp.
Ông Quân (ngụ Bình Chánh, TPHCM) kể: “Tôi làm cho chủ thầu, chủ yếu là xây nhà dân, thu nhập mỗi ngày cao lắm là 100.000 đồng, bình quân mỗi tháng chưa đến 3 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi vừa phải trang trải mọi chi phí sinh hoạt gia đình vừa lo học phí cho các con, chật vật lắm! Nghề phụ hồ, sáng sớm tôi đã đi làm, tới tối mới về, đôi khi còn phải tăng ca vì công trình không kịp tiến độ, mà lương chỉ ba cọc ba đồng. Nhưng nếu không làm thì lấy gì mà ăn. Không chỉ phải làm những công việc nặng như khuân cát đá, trộn vữa, bẻ sắt, kéo ròng rọc…, mà nhiều khi còn phải làm việc chênh vênh trên cao, nhiều nguy cơ tai nạn lao động như sập giàn giáo, sắt đâm vào người, ngã gãy tay chân. Đã là cái nghiệp thì cũng phải chịu thôi, nếu không làm thì đói cũng chết. Điều đáng buồn là làm phụ hồ cho các chủ thầu lẻ không có ký kết hợp đồng lao động, nên không có các chế độ bảo hiểm tai nạn hay bảo hiểm xã hội, khi rủi ro gặp tai nạn thì phải tự xoay xở. Nếu chủ thầu tốt thì có thể được giúp đỡ một phần, nhưng cũng không thấm vào đâu so với tiền chữa bệnh”.
Anh Văn Tám (ngụ tại Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: “Có lần tôi bị một cây sắt đâm qua chân, ảnh hưởng dây chằng, nhưng chỉ dám nghỉ 5 ngày rồi phải ráng đi làm, nếu không thì chủ sẽ nhận người khác vào thay. Cũng may là ông chủ thầu cũng tốt, thấy tôi bị vậy nên chỉ giao việc ngồi bẻ sắt thôi. Có nhiều người không may mắn như vậy, khi bị bệnh hay tai nạn, phụ hồ đối mặt với nguy cơ mất việc, vì khi mình điều trị bệnh thì chủ thầu nhận thợ khác, chứ công trình đâu chờ mình”.
Người phụ hồ sống lang bạt, chủ thầu nhận công trình ở đâu thì họ phải theo đến đó. Đôi khi họ đi gần cả năm, xong công trình mới về nhà. Không chỉ phải lao động vất vả, người phụ hồ nhiều lúc bị tủi thân. Ông Quân nhớ lại: “Có lần, tôi thấy thằng bé con chủ nhà dễ thương giống như cháu của mình nên lại nói chuyện rồi nựng má nó. Vậy mà chủ nhà làm ầm lên, nói là tay dơ đụng vào con họ, rồi họ chùi rửa mặt cho đứa nhỏ trước mặt mình, dặn nó chỗ này dơ không được tới nữa, làm tôi thấy tủi lắm!”.
Những niềm vui nhỏ
Anh Văn Tám chia sẻ: “Tôi theo ông chú lên đây làm phụ hồ. Nhà khó khăn nên mới học tới lớp 4 tôi đã phải nghỉ, đi làm phụ ba má nuôi các em. Ít học nên tôi chỉ có thể làm việc này thôi. Không thể xin vào làm công nhân các công ty xây dựng, vì họ yêu cầu phải tốt nghiệp cấp 3, có nơi đòi phải có bằng học nghề nữa”. Một số thợ phụ hồ khác cho biết, họ làm việc lâu năm nên nghề dạy nghề, cũng có nhiều người quen hay người trong xóm kêu đến sửa nhà, nhờ vậy cũng có việc để làm.
Ông Trần Hồ (ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Hồi vợ tôi sinh đứa con thứ 2, tôi đang xây nhà ở Long An, 3 tháng sau mới về nhà được. Về nhà, con lạ hơi, cứ mình lại gần là nó khóc, nên phải mất thêm hơn một tuần nữa mới được bồng con. Mỗi lần có lương về thăm nhà, mua con gà hay ký thịt quay về, nhìn tụi nhỏ ăn ngon là thấy vui, bay hết cực nhọc, có khi ngồi cười một mình, tụi nhỏ không biết sao ba lại cười. Ước mong sao mấy đứa nhỏ học nên người, không phải bỏ dở học hành, tương lai không vất vả như ba của nó”.
Ông Quân nói về niềm vui của mình: “Làm miết tự nhiên mình cũng yêu nghề phụ hồ, quen rồi không bỏ được. Với lại mỗi lần xây xong một căn nhà, thấy chủ nhà vui, mình cũng hạnh phúc mà. Cứ nghĩ như mình là người đã xây cho họ một tổ ấm để từ đó họ sống và yêu thương nhau hơn. Nghề này cực, nhưng cũng có niềm vui riêng, ai cũng sợ cực thì ai làm phụ hồ, xây nhà cho mọi người ở”.