Thiếu kỹ năng
Thấy cậu con trai 17 tuổi trả lời “không thích” khi bà ngoại hỏi lý do không tham gia chuyến dã ngoại cùng các bạn, chị Phạm Thị Ánh Hà (ngụ quận 11) gọi con lại la rày thì nhận tiếp một câu: “Mọi khi vẫn nói vậy, có sao đâu”. Sững lại một hồi, chị Hà nhận ra đã từ rất lâu, bản thân không để ý đến lời ăn tiếng nói của con. Dù không cưng chiều con nhưng vì ít thời gian tiếp xúc, gần gũi nên vợ chồng chị Hà không mấy khi trò chuyện cùng con. Bởi vậy mà con trai chị đã lớn nhưng vẫn giữ cách giao tiếp không đầu không cuối, với ai cũng trả lời như “bằng vai phải lứa”.
Thực tế, nếu theo dõi người trẻ trò chuyện với nhau trên mạng xã hội hay trong cuộc sống sẽ thấy gần như họ giản lược rất nhiều từ ngữ trong câu giao tiếp, đến mức đôi khi thành nói trống không. N.M.D, 19 tuổi (ngụ đường Tôn Đản, quận 4) thẳng thắn: “Mấy từ râu ria để chi cho mất công gõ chữ, hụt hơi. Ai thân thì họ biết tánh mình vậy, không thì họ cũng trách nhưng biết sao giờ, quen rồi nên kệ”.
Không thể phủ nhận thời đại chuộng giao tiếp qua mạng xã hội ngày càng khiến giới trẻ quen tối giản câu từ, ngoài ra xu hướng “đá” tiếng nước ngoài cũng góp phần làm cho kỹ năng giao tiếp của giới trẻ bị hổng và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Nhiều bạn coi tiếng lóng, tiếng bồi như cứu cánh trong giao tiếp khi vừa đáp ứng nhu cầu nhanh, gọn, lẹ, lại oai vì “nửa Tây nửa ta” một cách chuyên nghiệp. Rõ ràng, cách cảm thán của mỗi thứ tiếng là khác nhau nhưng giới trẻ Việt lại đang sử dụng ngôn ngữ “nửa Tây nửa ta” bất chấp đối tượng và hoàn cảnh đã tạo ấn tượng không hay đối với người nghe.
Giao tiếp không chỉ là thốt ra những câu từ cụt lủn mà còn là tình trạng “bí từ” hoặc dùng từ không phù hợp cũng đang là vấn đề giới trẻ gặp phải. Thậm chí, có những bạn trẻ chỉ giỏi “chém gió” trên mạng còn khi gặp nhau trong cuộc sống lại vô cùng vụng về trong giao tiếp. Rõ ràng, ít đối thoại trực tiếp với nhau trong cuộc sống đang khiến giới trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp.
Giá trị của giao tiếp
Anh Trần Hoàng Anh (phụ trách tuyển dụng tại một doanh nghiệp ở quận 1) kể câu chuyện: Một nhân viên trẻ được tuyển dụng được hơn ba tháng thì bộ phận thay đổi sếp mới là một người được đào tạo và làm việc ở nước ngoài mới về nước.
Ngay trong lần trao đổi đầu tiên, anh nhân viên trẻ đã bị sếp chất vấn tại sao lại làm bảng mẫu chưa đúng, đã yêu cầu sửa nhưng không sửa đúng ý.
Câu trả lời: “Trước giờ tụi tui vẫn làm vậy!”, đã nhận được cái lắc đầu khó chịu từ sếp và chỉ sau ba ngày, anh nhân viên trẻ kia phải chuyển về làm việc ở vị trí và bộ phận thấp hơn.
Anh Hoàng Anh chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ không hiểu hết giá trị của giao tiếp đối với người xung quanh, nhất là người có vị trí, tuổi tác và kinh nghiệm hơn mình. Họ luôn nghĩ mình đúng nên giao tiếp và thể hiện thiếu chừng mực. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình hòa nhập của mỗi bạn trẻ”.
Rõ ràng, văn hóa giao tiếp phải trải qua quá trình giáo dục, rèn giũa thì mới hình thành tính cách và nếp sống của mỗi người. Giao tiếp xuất hiện ở mọi nơi nhưng gia đình vẫn là nơi quan trọng nhất trong việc hình thành cách giao tiếp ở người trẻ.
Nhận ra những thiếu sót trong việc dạy con, chị Ánh Hà tự nhìn lại cách giao tiếp của mỗi thành viên trong gia đình để điều chỉnh và cùng con sửa lỗi trong giao tiếp.
“Ban đầu cũng khó khăn nhưng tôi kiên trì, mỗi câu con nói trống không thì tôi không la rày mà nửa đùa nửa thật góp ý để cháu hiểu. Vài tuần là mọi chuyện cũng ổn, mỗi khi ra ngoài, tôi cũng hay để ý và chỉ cho cháu cách giao tiếp với từng đối tượng, như vậy cháu vừa tự tin lại thể hiện được sự tôn trọng người đối diện”, chị Ánh Hà tâm sự.
Chia sẻ về kỹ năng giao tiếp, Phạm Ngọc Thùy Trang (nhân viên ngân hàng tại quận 1) cho biết, bản thân từng trả giá cho thói quen nói giản lược trong giao tiếp.
Đó là dịp Trang đi phỏng vấn cho một công ty tư vấn tài chính, dù rất tự tin về kiến thức và kỹ năng giao tiếp trôi chảy nhưng cuộc đối thoại ấy vô tình khiến người phỏng vấn cảm thấy không được tôn trọng, do vậy mà Trang đã vuột mất cơ hội việc làm tốt. Nhưng theo Trang, bài học cô nhận được sau đó đáng giá hơn nhiều.
Trang kể: “Khi nhận được góp ý thẳng thắn từ quản lý, tôi cũng hơi hụt hẫng nhưng sau đó suy nghĩ kỹ, tôi kịp nhận ra cách nói chuyện có đầu, có cuối không chỉ tạo thiện cảm mà còn tạo được sự tin tưởng đối với người nghe nên đã chỉn chu lại lời ăn tiếng nói của bản thân”, Trang chia sẻ.
Ông bà ta có câu, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “Nghe quen tai, nói quen miệng”, điều đó cho thấy giao tiếp không phải tự nhiên có mà phải rèn giũa mới nên. Bởi vậy, một khi đã buông lỏng câu từ trong giao tiếp thì đó cũng đồng nghĩa với làm mất đi giá trị của bản thân mình.
Dù ở đất nước nào, thời đại nào, xu hướng hội nhập ra sao thì cách giao tiếp sẽ là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá đạo đức, năng lực và tầm nhìn của mỗi con người. Thế nhưng trên thực tế, giao tiếp đang bị giới trẻ phớt lờ khi xu hướng tối giản hết cỡ câu từ trong giao tiếp đang trở nên phổ biến.