Vất vả đưa sản phẩm “lên sàn”, vào siêu thị

Vài ngày nay, thông tin một sàn thương mại điện tử chiếm dụng vốn của doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa như giọt nước tràn ly, làm dấy lên lo ngại tương tự đối với những đơn vị có hàng hóa đưa lên sàn thương mại, vào các siêu thị, trung tâm thương mại…

Vào rồi lại… muốn ra

Khát khao chung của nhiều DN vừa và nhỏ là được đưa sản phẩm hàng hóa vào siêu thị, sàn thương mại có tên tuổi để khẳng định thương hiệu và giới thiệu đến đối tác. Tuy vậy, không ít DN lại đi ngược xu hướng này, thậm chí có DN “trót vào” rồi nhưng muốn cắt giảm quy mô, rút bớt hàng về kênh bán hàng trực tuyến của chính mình, vì sàn thương mại, siêu thị… tốn quá nhiều chi phí.

Giám đốc một DN chuyên sản xuất và kinh doanh hàng nông sản (xuất khẩu cũng như cung ứng cho thị trường trong nước), cho biết, để đưa được hàng vào siêu thị phải qua hàng loạt khâu kiểm duyệt gắt gao, phải chịu khá nhiều loại phí và chiết khấu cho hệ thống bán lẻ, từ 15%-30%.

Trong khi tiền hàng thường bị chậm thanh toán từ 45-60 ngày, thậm chí có hệ thống siêu thị “ngâm” tới 90 ngày... Theo chủ DN này thì lợi nhuận hầu như “rơi rớt” do đã qua nhiều khâu thủ tục, các loại phí, chưa kể vào các ngày lễ, tết còn phải căng sức cùng siêu thị chạy khuyến mãi, giảm giá.

Một DN khác có bề dày cung ứng hàng hóa cho nhiều siêu thị cũng tâm tư: “Hiện nay, hàng hóa đưa vào siêu thị khó, mà lại tiêu thụ chậm nên sắp tới chúng tôi sẽ rút bớt quầy kệ, số lượng hàng hóa từ siêu thị, sàn thương mại để tìm hướng khác, như chủ động tổ chức bán hàng, quảng bá trên mạng xã hội, livestream...”.

A5a.jpg
Thương hiệu thời trang Nón Sơn livestream quảng bá sản phẩm tại nhà máy

Trong khi đó, với các sàn thương mại điện tử, DN phải đóng nhiều loại phí nên tính ra lợi nhuận không như mong đợi. Chẳng hạn, với sàn thương mại điện tử Sh., anh D.N, từng bán hàng thời trang, cho biết, tổng mức phí phải gánh lên tới 23,5%, như: quảng cáo 6%, phí đóng gói 1%, phí rủi ro 2%, chi phí mềm 1%, thuế 1,5%, phí cho sàn thương mại điện tử 12%. “Sau khi cân nhắc, tôi đã ngưng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Sh. từ cuối năm 2023”, anh D.N nói.

Mong muốn “sân chơi” công bằng

Để gắn bó và đồng hành lâu dài, các nhà phân phối, cung ứng hàng hóa vào hệ thống siêu thị cũng như trên các sàn thương mại điện tử đều khao khát một “sân chơi” công bằng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một hệ thống bán lẻ có quy mô lớn trên địa bàn TPHCM, đơn vị cũng đã hỗ trợ hết sức, luôn lắng nghe, đồng hành cùng nhà phân phối, chứ không có chuyện “chèn ép” DN.

Một số siêu thị cũng bày tỏ tâm tư khi cho rằng phải trả chi phí mặt bằng, chi phí điện nước, lương nhân viên… trong khi thị trường khó khăn, khách mua cắt giảm chi tiêu.

A1a.jpg
Các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước bày bán nhiều tại các hội chợ trên địa bàn TPHCM

“Bản thân chúng tôi cũng chỉ là đơn vị trung gian, làm cầu nối giữa DN với người tiêu dùng nên không thể cắt giảm giá sâu hơn nữa. Hiện tại, diện tích quầy kệ có giới hạn và chia nhỏ cho hàng trăm ngành hàng, mỗi ngành hàng chỉ có không gian nhỏ xíu. Chúng tôi luôn tiếp đón hàng trăm đối tác lớn nhỏ, do vậy tỷ lệ chọi để được vào rất cao; đồng thời muốn có vị trí tốt thì phải trả thêm tiền cho hệ thống phân phối”, lãnh đạo một hệ thống siêu thị lý giải.

Về phía sàn thương mại điện tử, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cho rằng, ngay sau khi có phản ánh của dư luận, đã để thời gian nhận tiền của người bán quay về như trước (3 ngày cho đơn hàng thông thường, 7 ngày cho đơn mua trên ShopeeMall). Với người mua, chính sách hoàn trả 15 ngày được giữ nguyên. 99,7% người bán được Shopee hỗ trợ hoàn tiền trước và hạch toán với nhà bán hàng sau, không còn tình trạng “găm tiền” của người bán.

Tại các buổi làm việc giữa Sở Công thương TPHCM với hệ thống bán lẻ hiện đại, nhà phân phối (các DN) mới đây, lãnh đạo ngành công thương thành phố nhấn mạnh đến yếu tố “bắt tay” hợp tác, sự đồng hành chia sẻ đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập, chưa như mong muốn.

Phải chăng, chính những quy định của các “ông lớn” sàn thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ khiến DN sản xuất hàng hóa nhỏ và vừa ngày càng khó khăn đưa hàng hóa ra thị trường, trong khi lực lượng này chiếm khoảng 96% tổng số DN cả nước và đóng góp lên tới 40% GDP.

Tin cùng chuyên mục