Trong ngày 2-11, tại xóm Gò Dài và Gò Thị (thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, tỉnh Bình Định), làng mạc trở nên xơ xác, nhà cửa đổ nát, ngổn ngang. Nhà bà Đặng Thị Nga (46 tuổi, xóm Gò Dài) bị bão đánh sập. Đêm 27-10, bão số 9 đổ bộ, bà Nga với con gái chui vào nhà tắm để trú bão. Đến rạng sáng 28-10, bão đổ bộ với sức gió khủng khiếp nên mẹ con bà Nga đành sang nhà hàng xóm xin trú tạm. Vài giờ sau, ngôi nhà nhỏ không trụ được, đổ ầm. Chồng mất vì căn bệnh ung thư nhiều năm trước, một mình bà Nga chạy vạy làm thuê đủ nghề vừa trả nợ vừa nuôi 2 con ăn học. Giờ nhà sập, bà Nga quỵ ngã, cuộc sống như đi vào ngõ cụt. Cùng chung cảnh ngộ, chị Lê Thị Hồng Nhị (32 tuổi, xóm Gò Dài) ngồi phờ phạc giữa căn nhà đổ nát, rơm rớm nước mắt, kể: “Vợ chồng tôi làm công nhân, nuôi 2 con ăn học chẳng đủ. Chắt bóp dựng tạm được ngôi nhà để ở nhưng bão số 9 đã đánh tan hoang mất rồi. Giờ thêm cơn bão số 10 sắp đổ bộ thì không biết sẽ khốn đốn ra sao”.
Ở xã Phước Sơn, chúng tôi ghi nhận thêm 17 căn nhà bị cơn bão số 9 đánh sập. Trước bão số 10, người dân Phước Sơn càng nặng gánh lo âu, khi bão chồng bão. Nằm trong tâm bão số 9, người dân Quảng Ngãi vẫn chưa thể vực dậy sau trận cuồng phong kinh hoàng. Chưa kịp dọn dẹp, khắc phục nhà cửa thì bão mới lại đe dọa đổ bộ khiến người dân trở tay không kịp, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Khi chúng tôi hỏi chuyện, cụ bà Đặng Thị Sông (thôn Mỹ Lộc, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn) bàng hoàng, nói: “Tôi 70 tuổi nhưng chưa năm nào chứng kiến kiểu thiên tai như thế này, bão cứ nối nhau đổ vào miền Trung như thế sao dân chịu nỗi.
Trong khi đó, ngày 2-11, tại khu vực bị cô lập ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam), lực lượng dân quân tiếp tục gùi cõng hàng hóa theo các tuyến đường bộ vào xã Phước Lộc và Phước Thành. Cùng với đó, khoảng 50 cán bộ chiến sĩ địa phương trang bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, dụng cụ băng rừng vào hiện trường 2 vụ sạt lở tại thôn 1 và thôn 3 (xã Phước Lộc) tìm kiếm những nạn nhân đang mất tích. Đến chiều 2-11, các lực lượng chức năng tìm thấy thêm 3 thi thể nạn nhân mất tích ở huyện Phước Sơn. Như vậy, đến nay đã tìm thấy thi thể 9 nạn nhân, còn 4 nạn nhân vẫn chưa tìm thấy. Trong khi đó, các lực lượng cũng đang tích cực mở rộng khu vực tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích ở thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My). Lực lượng chức năng cũng huy động 32 ghe và ca-nô để tìm dọc lòng hồ Sông Tranh và ven sông khu vực sạt lở. Sáng cùng ngày, Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã đến thăm, động viên và trao tặng hỗ trợ các gia đình có người bị chết và mất tích ở thôn 1 (xã Trà Vân) mỗi nạn nhân 5 triệu đồng.
Ngày 2-11, Sư đoàn 372 (Quân chủng Phòng không - Không quân) tiếp tục triển khai các chuyến bay vào khu vực Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) để thả 2 tấn hàng tiếp tế cho người dân. Đây là 2 xã bị mưa lũ chia cắt trong nhiều ngày qua, lương thực thực phẩm cạn kiệt, cần cứu trợ khẩn cấp. Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 930, Sư đoàn 372, cho biết, khu vực xã Phước Lộc nằm giữa các ngọn núi cao 1.600 - 2.000m nên thực hiện các chuyến bay rất khó khăn. Theo Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đơn vị xác định luôn trong tư thế sẵn sàng, thời tiết thuận lợi là lập tức lên đường cứu trợ người dân.