Chính vì vậy, các nhà khoa học của Đại học Tổng hợp nghiên cứu công nghệ quốc gia Nga (NUST MISiS) và một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Thụy Điển, Ireland… đã tạo ra vật liệu nano để xử lý nước ngầm cấp nước cho sinh hoạt.
Ông Dmitry Moskovskikh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu gốm nano thuộc Đại học NUST MISiS, cho biết: “Chúng tôi đã hòa tan trầm tích chứa sắt lấy từ các trạm khử nước trong axit nitric và ngâm các hạt nhỏ đất chịu lửa (chamotte) trong dung dịch thu được. Sau đó, các hạt nhỏ này được đặt trong một lò được làm nóng trước, cũng là nơi diễn ra quá trình tổng hợp tỏa nhiệt tự lan truyền”.
Sau khi biến đổi, trên bề mặt hạt đất chamotte hình thành các thành phần nano oxit sắt, góp phần vào quá trình oxy hóa tích cực của sắt và mangan trong nước. Theo các tác giả của công trình nghiên cứu, vật liệu thu được có hiệu quả gấp 3,5 lần so với các chất tương tự đang được sử dụng tại các trạm xử lý nước ngầm.
Công nghệ mới còn có thể làm cơ sở cho việc tạo ra các lớp phủ đa chức năng để loại bỏ hiệu quả chất độc hại khác khỏi nước ngầm và để xử lý màng sinh học. Điều này sẽ đảm bảo chất lượng cao của nước sinh hoạt trong mạng lưới cung cấp nước và sẽ làm giảm việc sử dụng clo để khử trùng.