Dạo quanh các trung tâm giới thiệu việc làm, có thể thấy rõ thị trường lao động trong dịp tết sôi động hẳn lên nhờ nhu cầu tăng đột biến, các doanh nghiệp (DN) tung ra nhiều thông tin tuyển dụng; nhiều gia đình thuê người xông đất, trông nhà theo ngày, dịch vụ dọn nhà ngày tết, trông thú cưng, phụ bếp, bảo vệ, thu ngân, giao hàng, kinh doanh hàng tết online…
Theo thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM, các DN đang cần tuyển gấp hơn 3.000 lao động làm việc mùa tết 2016. Trong đó, cần đến 450 lao động nam làm công việc bảo vệ Đường hoa Nguyễn Huệ và các sự kiện diễn ra tại TPHCM từ ngày 26-1 đến 13-2. Ngoài ra, lịch tuyển dụng còn cần 700 nhân viên làm việc theo ca tại 11 siêu thị (lương từ 18.000 - 22.000 đồng/giờ); 100 nhân viên phục vụ theo ca tại các nhà hàng, quán ăn (lương 15.000 đồng/giờ, riêng hệ thống nhà hàng Tokyo Deli trả lương từ 23.000 - 34.000 đồng/giờ); 150 nhân viên bảo vệ theo ca tại các bãi giữ xe, trung tâm mua sắm (lương 27.000 đồng/giờ), hơn 200 nhân viên giao hàng (lương thỏa thuận, được hỗ trợ tiền xăng)… So với năm 2015, tiền lương làm thêm mùa tết 2016 đã tăng 30%.
Thực tế, đã có 1.320 đầu việc được giới thiệu đến các bạn sinh viên, lao động trong thành phố. Bạn Nguyễn Thị Lụa, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, chia sẻ: “Công việc làm thêm tết này của mình là bán quần áo ở shop thời trang Blue, việc làm rất ổn định. Lương trong dịp này cũng tăng lên gấp 2 lần ngày thường, nhờ vậy sẽ có tiền về quê ăn tết, thậm chí còn dư một khoản để sử dụng sau tết”. Rất nhiều bạn gái có lợi thế về ngoại hình đã chọn làm thêm nghề PG (Promotion Girl), đây là ngành hút rất nhiều giới trẻ vì “việc nhẹ lương cao”, thù lao khoảng trên 400.000 đồng/ca/4 giờ, một tuần có khi kiếm hơn triệu đồng. Công việc chủ yếu là thực hiện các chiến dịch quảng cáo sản phẩm cho DN, hoạt động trên đường phố, trường học, siêu thị hay cửa hàng bách hóa.
Tuy nhiên, đánh vào tâm lý người lao động muốn tìm việc làm thêm cuối năm, những ngày giáp tết là khoảng thời gian lý tưởng để bọn lừa đảo “tung chiêu”, lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của nhiều sinh viên, lao động nông thôn ra phố… để trục lợi. Bạn Trương Minh Tài, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công nghệ thông tin, chia sẻ: Em đã bị lừa đóng 340.000 đồng vì tin là sẽ có việc làm tốt. Họ quảng cáo là thu nhập 400.000 đồng/ngày, bao cơm trưa, ở miễn phí. Nếu đi làm bằng xe máy sẽ được hỗ trợ 900.000 đồng tiền nhà trọ, xăng; làm 10 ngày được thưởng 2,5 triệu đồng… Thế nhưng, khi nhận việc thì họ chuyển em qua khâu khác, làm những công việc nặng, đến khi không kham nổi phải xin nghỉ, vậy là mất trắng tiền cọc.
Có thể nhận thấy, nhu cầu tìm việc trong dịp cận tết rất nhiều nhưng để có thể tìm được công việc đáng tin cậy, không phải là điều dễ dàng. Tình trạng lừa đảo, không trả lương, bóc lột sức lao động… là những vấn nạn thường xảy ra. Vì thế, khi kiếm việc, điều đầu tiên là cẩn trọng, cảnh giác trước những thông tin “việc nhẹ lương cao”, nên tìm đến những trung tâm môi giới lao động uy tín để tránh bị lừa đảo.
CHÍ KAN