Qua ghi nhận tại một số bệnh viện da liễu cho thấy, khá nhiều người lớn và trẻ em được điều trị các vết bỏng, loét trên da do kiến ba khoang gây ra. Theo TS-BS Lê Ngọc Duy, Trung tâm Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin với độc tính gấp 12- 15 lần nọc rắn hổ mang. Do lượng tiếp xúc nhỏ, ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn mà chủ yếu gây phỏng da. Vết thương do kiến ba khoang cắn thường xuất hiện ở các vùng da hở với vệt dài hoặc thành từng đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, có thể bị loét, làm rỉ dịch. Đồng thời, vết thương thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu; một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.
Các bác sĩ khuyến cáo khi không may tiếp xúc, hay bị kiến ba khoang cắn, cần lấy nước sạch, mát cho xà phòng vào rửa chỗ kiến đốt. Khi rửa phải hết sức nhẹ nhàng nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương. Sau đó, nhanh chóng bôi hồ nước có bán ở các hiệu thuốc. Những ngày sau đó, tùy vào mức độ có thể sử dụng một số loại thuốc như: mỡ oxyde kẽm, dung dịch xanh metilen 1% kết hợp cùng với bôi hồ nước nếu nốt ban đỏ bị chuyển sang nốt mụn mủ, phồng rộp lên. Để yên tâm mọi người nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Đáng lưu ý, nhằm phòng tránh dính độc tố của kiến ba khoang, mọi người chú ý không nghiền nát, chà xát kiến ba khoang khi thấy nó xuất hiện trên da mình để tránh độc tố tiết ra. Đồng thời, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối nên tắt bóng đèn có ánh sáng xanh, tím; tốt nhất là dùng bóng đèn có ánh sáng đỏ, vàng để hạn chế kiến ba khoang ở bên ngoài bay vào nhà.