Phao cứu sinh cho người bệnh
Chị Kiều Thị Thu Phương (42 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) đã hơn 40 năm chiến đấu với căn bệnh tan máu bẩm sinh. Chị có thể sống đến hôm nay đều nhờ vào những đơn vị máu hiến tặng từ cộng đồng. Chia sẻ về căn bệnh nan y của mình, chị Phương bày tỏ: “Khi không được truyền đủ máu, cơ thể tôi sẽ vô cùng mệt mỏi, dễ hoa mắt, chóng mặt và không thể làm được việc gì. Hơn 40 năm qua, có những đợt, tôi phải truyền đến 8 đơn vị máu mỗi tháng. Tính đến nay, tôi đã được nhận hàng ngàn đơn vị máu. Nếu không có những người tình nguyện hiến máu, người bệnh như chúng tôi sẽ không thể tiếp tục sống”.
Không chỉ riêng chị Phương mà đây là tình trạng chung của rất nhiều người mắc bệnh về máu khác. Đối với họ, được truyền máu chính là được sống, mà máu lại là chế phẩm không thể nhân tạo, bắt buộc phải được lấy từ nguồn máu hiến của cộng đồng. Bị mắc căn bệnh bạch cầu cấp tính, chị Lò Thị Hoa (ở Sơn La) cho biết: “Từ khi tôi vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, tôi đã truyền 10 đơn vị máu. Sau khi truyền máu, sức khỏe tôi ổn định hơn so với khi phát bệnh. Tôi thực sự cảm thấy may mắn và biết ơn khi được mọi người hiến máu cho mình để điều trị căn bệnh hiểm nghèo này”.
Ông Bạch Quốc Khánh, Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết, cùng với việc phải đảm bảo có đủ máu cho các bệnh nhân điều trị tại viện thì trung bình mỗi ngày, viện cần khoảng 1.200 đơn vị máu để cung cấp cho hơn 180 bệnh viện, cơ sở y tế tại phía Bắc. Không chỉ có vậy, thời gian qua, viện còn tăng cường đảm bảo máu điều trị cho các tỉnh phía Nam, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Tình trạng thiếu máu điều trị đã xảy ra trầm trọng trên cả nước là do nhiều lịch hiến máu đã phải hoãn, hủy tại các địa phương vì số ca F0 tăng cao. Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, số lượng máu thu về cũng giảm sút nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, trong năm 2021, viện đã tiếp nhận 347.130 đơn vị máu, trong đó có 341.275 đơn vị máu từ người hiến máu tình nguyện, tỷ lệ hiến máu thể tích từ 350ml trở lên đạt 77,2%. Đây là sự nỗ lực rất lớn của viện và sự ủng hộ tích cực của các đơn vị, địa phương và cộng đồng.
Nguy cơ thiếu máu điều trị
Tuy nhiên, khi Tết Nguyên đán đang cận kề thì nguy cơ thiếu máu cho điều trị càng lớn hơn, vì ngoài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì số người tham gia hiến máu cũng giảm. Ông Bạch Quốc Khánh cho biết: “Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, viện cần tối thiểu 50.000 đơn vị máu cho người bệnh. Nhưng với các lịch hiến máu hiện có, chúng tôi đang thiếu khoảng 15.000 đơn vị máu và 2.000 đơn vị tiểu cầu. Với khả năng hiện tại, các lịch hiến máu dự kiến mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu này. Do vậy, thêm một đơn vị máu, thêm một đơn vị tiểu cầu an toàn trong lúc tết cận kề là thêm phao cứu sinh quý giá cho người bệnh”.
Tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, tình trạng khan hiếm máu dịp tết cũng đã diễn ra, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người e ngại khi đi hiến máu. Tại kho dự trữ máu số 2, Trung tâm Truyền máu phía Nam đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số máu dự trữ chỉ còn lại rất ít để dự phòng trong trường hợp cấp cứu. Theo TS-BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận 250-500 đơn vị máu, nhưng cần khoảng 500-600 đơn vị máu để cung cấp cho Bệnh viện Chợ Rẫy và 5 tỉnh thành Đông Nam bộ. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nhu cầu sử dụng máu cần khoảng 12.000 đơn vị máu và cấp về cho 5 tỉnh ít nhất 1.000 đơn vị/tỉnh. Hiện, trung tâm chỉ còn 2.500 đơn vị máu trong kho.
Để khắc phục tình trạng thiếu máu điều trị vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán năm nay, ông Bạch Quốc Khánh cho biết, viện sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện, trong số này có chương trình “Chủ nhật đỏ” diễn ra tại 40 tỉnh, thành phố, ước tính lượng máu tiếp nhận được từ 45.000-50.000 đơn vị máu. Cùng với đó, tăng cường kêu gọi các cá nhân, đơn vị, cộng đồng tích cực tham gia hiến máu và tiếp tục duy trì hoạt động các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội, kéo dài thời gian làm việc từ 7 giờ đến hơn 20 giờ hàng ngày để đón nhận những đơn vị máu quý giá từ cộng đồng. Hơn nữa, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, viện sẽ tổ chức thêm nhiều điểm hiến máu quy mô nhỏ hơn, thay vì các sự kiện hiến máu tập trung đông người.