Vào mùa bệnh cúm

Thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng, sau đó lại xuất hiện mưa kéo dài khiến số lượng người nhập viện do cúm mùa gia tăng. 

Mắc bệnh nặng do chủ quan

Chị Đ.M.H. (41 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) tuy không phải bác sĩ nhưng lại tự “kê toa” cho chính mình để mua thuốc về điều trị cúm mùa. Chị H. kể: “Biết là cảm cúm thông thường thôi, đến bệnh viện khám làm gì cho tốn kém và mất thời gian, thế nên cứ đau đầu thì uống Panadol, sốt thì uống sủi hạ sốt, ho thì uống thuốc ho... Vậy cho nó gọn”. Chị H. còn khoe cả tủ thuốc nhà chị từ đông y, tây y, thuốc nam, thuốc bắc. “Hôm trước, đứa cháu ở Mỹ về còn mang cho cả thuốc giảm đau, cứ mỏi cơ thì lấy ra uống thôi. Tôi bị cúm mùa hoài mà, cứ bị thì uống thuốc, rồi cũng hết, có gì đâu”, chị H. hào hứng kể.

Bác sĩ CK2 Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, thăm khám cho bệnh nhân cúm mùa
Không may mắn như chị H., chị N.T.T.T. (45 tuổi, ngụ tại Củ Chi, TPHCM) cũng tự điều trị cúm mùa, nhưng lại không hết và phải đến thăm khám bác sĩ. Chị T. cho biết, đã bị sốt, ho, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu 9 ngày nhưng không hết. Sợ nhiễm Covid-19 nên chị ở nhà tự cách ly và điều trị. Nhưng uống thuốc 9 ngày mà không hết nên chị H. đành tức tốc đến bệnh viện khám và được các bác sĩ cho biết, do không điều trị kịp thời và đúng phương pháp nên ngày càng ho nhiều hơn, có nguy cơ bị viêm phổi. Ngoài ra, do tự cách ly, lạm dụng máy lạnh, ăn uống không đủ dinh dưỡng và không vận động, rèn luyện sức khỏe nên chị T. cứ mệt mỏi, uể oải, sức khỏe giảm sút.


Theo các bác sĩ, hiện nay, khi có các dấu hiệu điển hình như ho, sốt..., nhiều người tự ý mua thuốc về điều trị mà không cần tham vấn ý kiến bác sĩ. Bác sĩ CK2 Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, cho biết, nếu tự mua thuốc có thể phải uống những loại thuốc không cần thiết, gây ảnh hưởng đến gan, thận. Ở những đối tượng nguy cơ cao, thậm chí có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết, gây nguy hiểm tính mạng.

Dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp

Theo bác sĩ Trần Thị Vân Anh, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người bệnh thông qua giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Người bệnh cúm mùa được điều trị chủ yếu bằng các loại thuốc làm cắt triệu chứng và bổ sung dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng. Để phòng tránh nhiễm cúm, cần tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm, đặc biệt đối với người dễ bị bệnh nặng như phụ nữ mang thai, trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người cao tuổi trên 65 tuổi, người mắc các bệnh mạn tính và nhân viên y tế. 

Ngoài ra, để tránh bệnh lây lan, theo các chuyên gia y tế, cần có biện pháp vệ sinh cá nhân kỹ càng như: rửa tay thường xuyên và lau khô đúng cách; vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày; tránh chạm tay vào mắt mũi miệng; tránh tiếp xúc gần người bệnh; giữ sạch không gian ở; giữ ấm cơ thể; ăn uống và tập thể thao hợp lý. 

“Hiện nay, do dịch sốt xuất huyết bùng phát nên khó phân biệt nhiễm cúm và sốt xuất huyết nếu không xuất hiện các triệu chứng điển hình như chảy nước mũi, ho… Vì vậy, trong giai đoạn này, để phân biệt, cần làm xét nghiệm máu. Từ sau ngày thứ ba, các triệu chứng của sốt xuất huyết sẽ rõ và đặc hiệu hơn, như: da sung huyết, gan to, chấm xuất huyết xuất hiện. Vì vậy, xác định đang mắc bệnh gì để điều trị tốt và nhanh chóng hơn thì nên thăm khám bác sĩ, thay vì tự ý điều trị”, một bác sĩ chuyên khoa hô hấp khuyến cáo.

Còn theo bác sĩ Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, bệnh cúm mùa cũng dễ gây nhầm lẫn với sốt siêu vi. Cụ thể, sốt siêu vi gây bệnh ở đường hô hấp sẽ khó phân biệt với bệnh cảm cúm. Vì triệu chứng của cúm mùa cũng tương tự như những triệu chứng của sốt siêu vi khác, nhưng chủ yếu là khu trú tại đường hô hấp trên như sốt, ho, chảy nước mũi, đau khớp, mệt mỏi. Bệnh cũng có tỷ lệ trở nặng vì suy hô hấp, suy đa cơ quan, đặc biệt ở người già trên 65 tuổi và có bệnh lý nền.

Tin cùng chuyên mục