Với tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chip bán dẫn đã nổi lên như một vấn đề an ninh toàn cầu, trở thành thước đo đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Thậm chí còn xuất hiện nhận định rằng, thế giới đang sống trong thời đại chiến tranh bằng chip thay vì vũ khí, khi chứng kiến hoạt động sản xuất ô tô bị gián đoạn chỉ vì không đảm bảo nguồn cung một con chip trị giá dưới 1 USD.
Nếu dựa trên doanh số bán hàng và doanh thu, Hàn Quốc luôn chiếm vị trí thứ nhất hoặc thứ hai hàng năm. Song xét về lợi nhuận, Hàn Quốc thua xa nhiều nước do chưa thể đa dạng hóa thế mạnh trong ngành. Chip bán dẫn có thể chia thành 2 loại là chip nhớ và chip bán dẫn hệ thống (không có đặc tính nhớ). Hàn Quốc giữ vững vị trí dẫn đầu trong mảng chip nhớ, nhưng mảng này không thu được nhiều lợi nhuận và nhạy cảm với biến động của nền kinh tế. Nếu kinh tế khó khăn, kinh doanh chip nhớ sẽ chậm lại.
Kế hoạch “Vành đai chip bán dẫn Hàn Quốc”, thực chất là kêu gọi mở rộng năng lực sản xuất chip bán dẫn trong nước. Kế hoạch đặt ra mục tiêu phát triển Hàn Quốc trở thành một cường quốc thực sự về bán dẫn, bao gồm các mảng như chip nhớ, chip bán dẫn hệ thống, đóng gói chip, bao bì và các lĩnh vực liên quan. Các doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu, thiết bị công nghệ cao, bao bì và vật liệu không gỉ sẽ tham gia vào vành đai, trong khi các nhà sản xuất chip bán dẫn sẽ tăng cường đầu tư. Cụ thể, công ty điện tử Samsung và SK Hynix đã cam kết đầu tư 452,8 tỷ USD trong 10 năm tới. Trong vành đai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dễ dàng kết hợp kinh doanh, tạo ra một mạng lưới mạnh mẽ liên kết các nhà sản xuất linh kiện và các lĩnh vực khác.
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hỗ trợ toàn diện cho đầu tư tư nhân bằng cách giảm thuế, như đưa hạng mục “công nghệ chiến lược cốt lõi” vào bảng đánh giá thuế, giảm 40%-50% thuế cho nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn; giảm 10%-20% đầu tư cơ sở hạ tầng chip bán dẫn, cao hơn hẳn mức khấu trừ 3% hiện hành đối với các công ty lớn đầu từ trong lĩnh vực chip bán dẫn. Về hỗ trợ tài chính, Seoul cũng thành lập mới một quỹ đầu tư cơ sở vật chất chip bán dẫn đặc biệt trị giá 887,8 triệu USD, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, còn là nuôi dưỡng và đào tạo nhân lực, điều mà ngành công nghiệp chip bán dẫn đang khẩn thiết kêu gọi.
Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, Hàn Quốc ước tính xuất khẩu chip bán dẫn hàng năm có thể tăng lên 200 tỷ USD, tăng 100% so với hiện nay và tạo ra thêm 270.000 việc làm.