Sáng 13-5, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp giao ban giải ngân vốn đầu tư công tháng 5-2023.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Giải phóng mặt bằng Vành đai 3 đã đạt 45%
Kết quả giải ngân đầu tư công của TPHCM đến thời điểm này có những tín hiệu tích cực. Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM đến hết ngày 12-5 đạt 8.236 tỷ đồng, đạt 20% tổng số vốn TPHCM đã giao đợt 1. Nếu tính trên tổng mức vốn Thủ tướng giao (hơn 70.000 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 11,67%.
Ông Bùi Nhật Toàn, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ông Bùi Nhật Toàn, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM cho biết tỷ lệ giải ngân tăng mạnh trong khoảng vài tuần qua là do giải ngân được vốn dự án Vành đai 3. Đến nay, đã có 305 người dân nhận tiền bồi thường với số tiền 1.441 tỷ đồng. Trong số này, các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn chi bồi thường bằng cách chuyển khoản 100% trường hợp, nên rất thuận lợi trong quyết toán. Kho bạc nhà nước TPHCM cam kết, nếu hồ sơ giải phóng mặt bằng đầy đủ sẽ được giải ngân ngay trong ngày.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) cho biết, tháng trước Ban mới giải ngân được 3%, nay nhờ chi bồi thường dự án Vành đai 3 mà tỷ lệ này tăng lên 30% (so với tổng số vốn được giao đợt 1). Tính trên toàn bộ vốn được giao của năm nay thì Ban đã giải ngân đạt 17%.
Theo ông Phúc, đây là sự cố gắng rất lớn của các cán bộ làm dự án vành đai 3 và các địa phương.
“Chưa bao giờ không khí làm việc quyết tâm và cố gắng như thế. Riêng Hóc Môn đã giải phóng mặt bằng đạt 75%, còn tính chung cả dự án đã giải phóng mặt bằng 41%”, ông Lương Minh Phúc nói.
Ban Giao thông đang phấn đấu đến hết ngày 30-6 đạt tỷ lệ giải ngân trên 35%.
Ông Lương Minh Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Nhiều phàn nàn về trách nhiệm của cán bộ
Kết quả từ dự án Vành đai 3 rất tích cực, song các lãnh đạo sở ban ngành cũng thừa nhận không thể chủ quan, vì còn rất nhiều khó khăn thách thức.
Theo tổng hợp của Sở KH-ĐT về kế hoạch giải ngân chi tiết của từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư dự án, đến hết năm nay tỷ lệ giải ngân của TPHCM chỉ đạt 93,1%, thấp hơn tỷ lệ 95% mà Thủ tướng yêu cầu. Thành phố đặt mục tiêu đến hết tháng 6, tỷ lệ giải ngân phải đạt trên 35%. Nhưng qua kế hoạch các đơn vị gửi, con số này chỉ đạt 27,2%.
Trong đó, 4 Ban quản lý dự án chỉ có 2 Ban dự kiến đạt trên 35%, là Ban Giao thông và Ban dân dụng công nghiệp. Còn Ban quản lý đường sắt đô thị dự kiến chỉ đạt 31%, ban hạ tầng đô thị chỉ 20,1%.
Xét về dự án, có 79/1.736 dự án giải ngân cả năm dự kiến đạt dưới 95%. Một trong những nguyên nhân chính, vẫn là khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Về việc này, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN-MT, đại diện tổ công tác về giải phóng mặt bằng của TPHCM cho biết, năm 2023, TPHCM có 134 dự án có bồi thường, tổng số tiền dự kiến 20.189 tỷ đồng. Cộng với số tiền gần 4.200 tỷ đồng của các dự án bồi thường năm 2022, TPHCM cần chi khoảng 25.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường.
“Khối lượng công việc còn rất nhiều. Thời gian qua UBND TPHCM có chỉ thị và văn bản chỉ đạo, nhưng đến nay nói thẳng là thái độ chấp hành của một số lãnh đạo địa phương, sự quan tâm chỉ đạo của phòng ban đơn vị tại quận huyện là không đạt”, ông Võ Trung Trực nói.
Ông Võ Trung Trực nêu tình trạng mời quận huyện làm việc, nhưng quận huyện lại cử cán bộ không có trách nhiệm, không nắm nội dung đi họp, không giải quyết được vấn đề. Theo ông, hiện Sở đang xây dựng nghị quyết về đẩy nhanh bồi thường theo chỉ đạo của Thành ủy, quận huyện có khó khăn vướng mắc đề xuất gì thì nói ra.
Ông Võ Trung Trực nói: “Giờ này chưa nhúc nhích cho năm 2023 thì 70% của 20.189 tỷ cũng khó chứ nói chi 95%”.
Đồng tình, Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng nhìn nhận, dự án Vành đai 3 được quan tâm đặc biệt, trong khi nhiều dự án khác còn chậm trễ. Ông cho rằng các quận huyện có tâm lý là sở phê duyệt dự án thì sở tự đôn đốc.
Phó Giám đốc Sở GTVT nói, ngoài quận Bình Tân, gần như không có chủ tịch, phó chủ tịch quận huyện nào trực tiếp liên hệ với ông về những khó khăn gặp phải và bàn hướng giải quyết. Mời họp thì cùng lắm được lãnh đạo phòng quản lý đô thị, không thì chỉ cử chuyên viên đi họp.
Trên cơ sở rà soát, Sở KH-ĐT kiến nghị UBND TPHCM nhắc nhở chủ đầu tư, cơ quan chủ quản của 42 dự án xây dựng kế hoạch giải ngân năm 2023 không đạt 95%, hoặc kế hoạch chưa cụ thể.
“Chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ từng ngày, từng tháng. Đến nay có 21 dự án chưa báo cáo đầy đủ, 45 dự án chưa báo cáo. Sở KH-ĐT đề nghị nhắc nhở. Cái này phải có văn bản phê bình nghiêm túc, vì nhắc nhiều quá “nhờn” rồi”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Biểu dương các cơ quan đã nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, đặc biệt là dự án Vành đai 3, đồng chí Phan Văn Mãi cũng đặt vấn đề sự phối hợp giữa sở ngành cần theo quy trình rút gọn. Đồng chí đề nghị tất cả các thủ tục liên quan đầu tư công thì quy trình có thể rút gọn từ 30 ngày xuống còn một-hai tuần.
“Cần có cách thức giải quyết các thủ tục về dự án đầu tư công, để từ tháng 6 này không còn nói tới lui về thủ tục, giải phóng mặt bằng nữa mà là tổ chức thi công, giám sát thi công và đảm bảo được tiến độ, chất lượng”, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu.
Với công tác giải phóng mặt bằng, nếu làm tốt thì không chỉ góp phần giải ngân 25.000 tỷ đồng của công tác này, mà còn thúc đẩy các dự án tiến triển nhanh hơn, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu xây lắp.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các ban, sở ngành về các nội dung cụ thể để sớm tháo gỡ cho các đơn vị.