Câu chuyện chứng khoán

Vàng và chứng khoán

Tôi đã trực tiếp nghe một cuộc đối thoại của đôi vợ chồng người bạn trong một chuyến đi xa. Hôm đó, trời tối, chiếc xe năm chỗ bị tai nạn, xe đâm vào đít một chiếc xe tải, đầu xe, nắp ca-pô phồng lên như cánh buồm, may mà không ai bị thương, người lái xe đang rất khó khăn điều khiển để không bị thêm thương tích.

Tôi đang lo lắng quan sát thì... phía sau vợ chồng người bạn dường như bình thản, trao đổi và cãi nhau nữa chứ… Thật là hoàn cảnh không thích hợp cho cuộc nói chuyện của họ, tôi không muốn nghe nhưng những lời qua lại của họ vẫn cứ lọt vào tai. Người vợ nói: “Giá vàng lại lên đến 16 triệu một cây, tiếc quá, phải chi mua hồi đầu tháng đến bây giờ lãi gần 200 triệu”.

Ông chồng nhát gừng: “Thôi, hãy bằng lòng với cái gì mình có đi, cứ thế thì nhiều cái còn tiếc hơn”. Bà vợ có vẻ quạu: “Cái gì tiếc hơn?”. Ông chồng cố nhẹ lời: “Ví dụ như…”. Bà vợ kêu lên: “Thôi à nghen, tôi chỉ nói chuyện giá cả”. Ông chồng đáp: “Thì giá cả, nếu bà đừng bỏ tiền ra mua đất mà đầu tư vào chứng khoán thì bây giờ có phải lãi đã vào túi gần 500 triệu không?”. Tôi thấy bà vợ im lặng hồi lâu, tưởng đâu cái mà ông chồng nói đã “trám vàm” cái miệng vốn hay cãi của bà ta…

Phía trước ánh đèn chiếu ngược, đường còn xa mới về đến thị xã, người lái xe im phăng phắc, anh ta đang cố gắng điều khiển chiếc xe bị thương khá nặng, thỉnh thoảng lại thắng gấp, có lẽ anh ta đã quá mệt và lo lắng vì chiếc xe không bình thường, việc ngắm trên đường vô cùng khó khăn vì tầm nhìn bây giờ bị chiếc nắp ca-pô xe che mất.

Thế mà vẫn còn nghe bà vợ lại tiếp tục: “Nếu giá vàng tiếp tục lên, mà em thấy nó lên liên tục, bằng chứng là bảy năm rồi nó tăng gần 150%”. Ông chồng chen ngang: “Năm 2000 giá bao nhiêu?” Bà vợ trả lời ngay: “Tám triệu”. Ông chồng nói lại: “Vậy thì mới gấp đôi, lấy đâu ra 150 phần trăm?”.

Bà vợ làm thinh, ông chồng “giảng” tiếp một dọc: “Bà cứ hay xà-bác, làm cái gì nên theo một cái. Hiện nay lãi suất đôla Mỹ đang giảm và có thể sẽ còn giảm nữa, chỉ bằng khoảng hơn 50 phần trăm so với lãi suất tiền đồng. Còn vàng, hiện nay giá lên xuống giống như chứng khoán. Có điều giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới, bằng chứng là các tiệm vàng, số người đến mua đâu có bao nhiêu. Còn chứng khoán ở nước mình dường như chưa có triệu chứng nào lệ thuộc trực tiếp vào thị trường chứng khoán thế giới. Chẳng những thế mà… xem ra nó cũng chẳng bị bất kỳ tác động của các sự kiện chính trị, xã hội nào, có lẽ nó còn nhỏ và chưa có ngành nào chi phối. Dù sao, ở các công ty chứng khoán lượng người đến sàn giao dịch vẫn đông, thậm chí rất đông. Bà so sánh đi, vàng và chứng khoán cái nào hơn?”.

Chà! Nghe ông chồng nói, dù đang hết sức tập trung quan sát cùng với người lái xe để bảo đảm an toàn cho chuyến đi, tôi buộc phải nói: “Nghe ông thì ai cũng làm giàu, giàu sụ. Nhưng, ở đời, ngay trên thị trường chứng khoán, vẫn có khối người tan cửa nát nhà. Thời điểm này, thị trường chứng khóan chững lại, hơn 200 mã chứng khoán vẫn bình thản, các công ty niêm yết vẫn lo kinh doanh và thu được kết quả khấm khá, có công ty vượt lãi tới 200 phần trăm, 300 phần trăm. Nhưng, mã chứng khoán của họ cũng có ngày lên, ngày xuống. Điều đó giải thích một thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam lệ thuộc vào các nhà đầu tư vừa và nhỏ… Nó giống như chưa hề dựa vào kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết”.

Ông chồng nghe tôi nói, tán thành: “Tôi đồng ý với anh, có lẽ sắp tới, sau Tết Dương lịch, vào dịp cuối năm Âm lịch, thị trường chứng khoán sẽ lên mạnh. Hay là hãy thử vận may vào dịp Tết cổ truyền của dân mê đỏ đen vậy…”. Ta thử xem, ông bạn của tôi, ngồi trên chiếc xe bị thương há miệng, nói như đinh đóng vào cây cột… mục và làm thầy bói thị trường chứng khoán đầu năm 2008 đúng hay sai?

LÊ THÀNH CHƠN

Tin cùng chuyên mục