Biết cảm thụ trước khi phát huy
Trong không gian của Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM, nhóm hơn 10 bạn trẻ đều đặn sinh hoạt vào chủ nhật hàng tuần. Điệu Nam Ai, Nam Bình đến Xàng Xê rồi lên câu vọng cổ đậm tình, ai thuộc thì hát chung, ai chưa biết sẽ được hướng dẫn từng chút một. Họ đa phần là sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng hoặc đã đi làm, cùng tham gia CLB Giai điệu phương Nam (thuộc Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM - hoạt động đã hơn 7 năm).
Nguyễn Thị Cẩm Tiên (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) từ chỗ chỉ biết hát dân ca, dần trở thành giọng ca chính, ngọt ngào trong nhóm. “Trong nhóm có anh chị được học ở trường lớp, có anh chị học hát bên ngoài, anh chị nào biết thì tập lại cho mấy bạn chưa biết. Bây giờ, em có thể thành thạo những bài bản cơ bản của đờn ca tài tử và hát chính được”, Tiên cho biết. Quê Đồng Tháp, từ nhỏ đã quen thuộc với câu ca, điệu lý và khi chọn theo ngành văn hóa học, Tiên càng tâm huyết hơn với đờn ca tài tử: “Em được học về văn hóa, luôn kêu gọi mọi người giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tại sao mình không là người tiên phong. Đờn ca tài tử từ khi khởi nguồn đến nay vẫn giữ nguyên được cái hồn. Phần bài bản, nhịp điệu… vẫn được giữ gần như hoàn toàn, chỉ có thay đổi là lời ca được biên soạn mới, hình thức trình diễn và hoạt cảnh sân khấu đa dạng hơn so với trước”.
Hơn 3 năm sinh hoạt ở CLB, anh Tiêu Hoàng Tuấn (40 tuổi, kinh doanh tự do, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ: “Loại hình âm nhạc này đã gắn với tôi từ nhỏ qua các đĩa cải lương, rồi theo các ông, các bác trong xóm sinh hoạt đờn ca tài tử. Vì yêu thích nên tôi tìm hiểu, tự học qua các video về đàn tranh và sau này tôi đăng ký khóa học bài bản về đàn tranh. Mỗi khi chia sẻ với các thành viên mới, thấy các bạn trẻ đam mê đờn ca tài tử, ai cũng mong sẽ lan tỏa được tình yêu với đờn ca ra cộng đồng”.
Trước những làn sóng, trào lưu văn hóa từ bên ngoài, âm nhạc truyền thống cần một thế hệ biết thưởng thức. Hiện tại, các cuộc thi, sân chơi cho cải lương, đờn ca tài tử khá nhiều trên truyền hình, tuy nhiên chất lượng thí sinh vẫn chưa đồng đều. Một làn hơi dài và khỏe rất thích hợp hát cải lương, nhưng để có thể làm đào, làm kép đòi hỏi người nghệ sĩ phải trau dồi nhiều hơn bên cạnh tố chất có sẵn. Không thiếu các cuộc thi mà nhiều thí sinh chỉ tròn trịa trong vai trò như “thợ hát”, thần thái, điệu bộ nhân vật gần như lọng cọng.
Một thực trạng không thể phủ nhận là những câu lạc bộ (CLB) bên ngoài, mỗi người thầy một cách giảng dạy và vài tuần theo học, học viên đã được trình diễn vài câu vọng cổ, điệu hò, coi nghiễm nhiên thành “nghệ sĩ”. Điều này không chỉ sai, mà còn tạo ra một ảo vọng cho những người đang theo học hát đờn ca tài tử, cải lương.
Bắt đầu từ giáo dục
Nhận định về việc bảo tồn đờn ca tài tử, cải lương, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nguyễn Thanh Lợi chia sẻ: Cải lương hiện nay không còn thu hút người trẻ do thị hiếu đã khác với các thế hệ trước đây. Nhịp điệu sống đã thay đổi, người trẻ bây giờ khó chấp nhận xem một vở diễn mất 3-4 giờ, tiết tấu chậm rãi của những lời ca; bối cảnh xã hội cũng đã thay đổi nhiều so với ngày xưa, mỹ cảm cũng đã khác. Chúng ta không thể bắt cải lương sống lại như thời hoàng kim trước đây, nhưng vẫn có cách để duy trì nó, đưa cải lương đến gần hơn với giới trẻ. Muốn định hướng thị hiếu thẩm mỹ phải bắt đầu bằng việc giáo dục nghệ thuật, có thể lồng ghép bằng những buổi học ngoại khóa trong các buổi giới thiệu về văn hóa dân tộc, mà điển hình là Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đã làm khá thành công trong việc đưa các di sản đến với học sinh từ 4 năm qua.
Nói đến đờn ca tài tử, TS Mai Mỹ Duyên trăn trở khi nhiều CLB thiếu hụt đội ngũ thầy đờn bài bản, trong khi các CLB chỉ phát triển về số lượng người ca. Các thầy đờn lớn tuổi cứ lần lượt mất đi mà tài tử trẻ kế thừa lại không nhiều. Ca tài tử mà không có đờn thì không thể gọi đờn ca tài tử, cho nên làm sao phải đào tạo được đội ngũ thầy đờn kế thừa cho các ban nhạc tài tử. “Nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng và nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc nói chung, đang cần có sự quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, cần có giải pháp căn cơ, để có đội ngũ kế thừa, kế thừa cái hay cái đẹp, từ đó phát huy, tạo nên giá trị mới. Việc đào tạo kế thừa và phát triển không nằm ngoài những bước đi mới của xã hội. Không chỉ vậy, cần đào tạo nghệ sĩ ca diễn và đào tạo cả lớp công chúng trẻ biết thưởng thức đờn ca tài tử và các loại hình nghệ thuật dân gian dân tộc”, TS Mai Mỹ Duyên nói.
Về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình (Phòng Nghệ thuật dân gian, Trung tâm Văn hóa TPHCM) đề xuất, ngành giáo dục TPHCM nên định hướng đầu ra thí điểm tại một số trường có điều kiện, đưa môn học giới thiệu đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ vào chương trình nội khóa của trường. Ở nhiều quốc gia, việc đưa dân ca, dân nhạc vào giảng dạy ở trường phổ thông trở thành một định hướng mang tầm chiến lược trong sự nghiệp giáo dục của họ. Ông Phạm Thái Bình nói: “Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc đưa nghệ thuật dân tộc vào giảng dạy ở trường phổ thông là định hướng đúng đắn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động của đờn ca tài tử, sân khấu cải lương cứ eo sèo, lặng lẽ như ánh đèn đom đóm, đội ngũ làm nghề tài năng ngày một khan hiếm… là vấn đề đáng báo động. Nếu không nhanh có những hành động cụ thể, không có sự quan tâm kịp thời từ TPHCM, cơ quan quản lý văn hóa thì công việc giữ gìn và duy trì hoạt động nghệ thuật truyền thống tại TPHCM trong nay mai sẽ càng mai một. Dù rằng đờn ca tài tử, cải lương sẽ chưa mất đi, nhưng cứ để “biểu hiện nhạt phai” tồn tại như suốt thời gian qua thì tương lai của đờn ca tài tử, cải lương sẽ vô cùng chông chênh.
Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị từ di sản đặc trưng của đất phương Nam như đờn ca tài tử, cải lương cần một sự chung tay liên ngành.
Trả lời Báo SGGP về những tồn tại của sân khấu cải lương TPHCM, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu cải lương, Sở VH-TT đã ký kết liên tịch với Sở Du lịch TPHCM về biểu diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp phát triển du lịch, trong đó có một số hoạt động trọng tâm như trình diễn nghệ thuật đường phố tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), xây dựng sản phẩm nghệ thuật truyền thống gắn với hoạt động du lịch, kết hợp giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và các nghệ sĩ ngoài công lập… |