Vàng son thuở ấy, nhạt phai lúc này: Đi tìm dấu tích

Nói đến cải lương, không thể không nói đến soạn giả, những người làm nên hồn cốt của loại hình này. Nhưng thực tế, lực lượng sáng tác, chuyển thể sân khấu cải lương hiểu nghề, giỏi nghề lại càng hiếm hoi, những soạn giả U60, U70 chỉ còn vài người. 
NSƯT Tú Sương, Quế Trân - lớp nghệ sĩ trẻ tài năng của sân khấu cải lương, luôn khát khao có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để làm nghề
NSƯT Tú Sương, Quế Trân - lớp nghệ sĩ trẻ tài năng của sân khấu cải lương, luôn khát khao có thêm nhiều điều kiện, cơ hội để làm nghề

Nguyễn Thị Thảo Nguyên, du học sinh người Việt tại Nhật Bản chia sẻ câu chuyện về nhóm du học sinh ở Osaka có ý định mở một câu lạc bộ quy tụ những người mê cải lương trong cộng đồng người Việt trẻ ở Nhật. “Tụi em mê và nhớ lắm những tuồng tích từng được xem ở sân khấu trong nước. Sang đây mới thấy, những gì thuộc về văn hóa dân tộc quý báu vô cùng. Nhiều khi xem lại mấy trích đoạn trên YouTube, tụi em ôm nhau khóc vì nhớ quê nhà…”.  

Rơi rụng theo thời gian

Với một cô gái có truyền thống gia đình gắn liền với cải lương Nam bộ thì những gì thuộc về “hiện tại” khiến Thảo Nguyên lo lắng. “Má em nói, giờ ít đi coi cải lương ngoài rạp lắm, trên truyền hình cũng thiếu vắng phát sóng chương trình cải lương. Em và bạn bè mình rất lo lắng cho sự sống còn của loại hình sân khấu trăm năm tuổi này…”, Thảo Nguyên chia sẻ.  

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, TPHCM từng có hơn 60 rạp hát rải khắp các quận, trong đó có nhiều sàn diễn quen thuộc của các đoàn hát cải lương nổi tiếng. Sau 45 năm, rạp hát tại TPHCM còn hoạt động đúng chức năng hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số những rạp hát hiện hữu, phần lớn xuống cấp trầm trọng, nhiều rạp ngưng hoạt động, có rạp đã chuyển công năng phục vụ nhiều lần và không ít rạp mất hẳn dấu tích.  

Trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (quận 1 và quận 5), hàng loạt rạp hát từng một thời tạo nên không gian văn hóa đặc sắc cho thành phố, nay là một khoảng trống. Rạp Công Nhân là trụ sở của Nhà hát Kịch TPHCM, cả năm qua ngưng hoạt động vì bị cháy. Rạp Hưng Đạo tuy được xây mới và giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhưng thiết kế không phù hợp với nhu cầu tổ chức biểu diễn cải lương. Rạp Lao Động B, từng biến chuyển công năng thành vũ trường, nhà hàng, karaoke, cà phê - ca nhạc trẻ…, đã đóng cửa nhiều năm. Mặt tiền và cả bên trong nội thất rạp Lệ Thanh A xuống cấp trầm trọng, một phần của rạp hát được cho thuê, trở thành trung tâm dạy múa, yoga. Rạp Lệ Thanh B hoang tàn, đóng cửa suốt. Rạp Thủ Đô xuống cấp, chỉ là nơi làm việc của khối văn phòng Nhà hát Nghệ thuật hát bội, kho chứa đạo cụ, không thể tổ chức biểu diễn, không có chỗ giữ xe... Rạp Cây Gõ trên đường Minh Phụng, quận 6, nhiều năm qua là nhà sách.

Ở khu vực Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, rạp Huỳnh Long nằm trên đường Vũ Tùng, là nơi buôn bán. Bên trong trống hoác, xơ xác vì xuống cấp, thành bãi giữ xe cho người đi chợ. Cách đó không xa là rạp Gia Định thì cho thuê mặt bằng và đóng cửa từ đầu năm 2020. Rạp Cầu Bông nằm trên đường Lê Văn Duyệt, cửa đóng im ỉm sau một thời gian cho thuê làm phòng trà. Ở khu trung tâm thành phố, rạp Norodom xưa (số 23 Lê Duẩn, quận 1) nay không còn. Rạp Aristo hiện là khách sạn New World. Rạp Thành Xương nằm ngay góc đường Phạm Ngũ Lão - Yersin, quận 1, nay là quán ăn… 

TPHCM không thiếu rạp hát, vấn đề là từ bao lâu nay, các rạp không được sử dụng đúng mục đích, công năng. Khi cơ sở vật chất không được tu bổ, sửa chữa, chăm sóc, bảo quản thường xuyên thì mỗi năm ắt hẳn phải xuống cấp, hoang phế. Theo thời gian, rạp hát dần cũ kỹ, nội thất hư hỏng. Cũng vì không hoạt động phục vụ nghệ thuật được nên các cơ quan chủ quản chuyển sang cho thuê mướn lại mặt bằng, các rạp dần biến chuyển công năng.

Rõ ràng, TPHCM nổi bật so với các tỉnh thành cả nước về sự đầu tư và phát triển nhiều mặt như kinh tế, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng… Nhưng, riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại để tồn tại một khoảng trống hụt hẫng trong đầu tư xây dựng những thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất đủ chuẩn.

Ưu tư về nghề 

Nói đến cải lương, không thể không nói đến soạn giả, những người làm nên hồn cốt của loại hình này. Nhưng thực tế, lực lượng sáng tác, chuyển thể sân khấu cải lương hiểu nghề, giỏi nghề lại càng hiếm hoi, những soạn giả U60, U70 chỉ còn vài người. 

“Phải tiếp tục phát triển và làm giàu thêm âm nhạc bài bản cải lương, để các bài bản mới phản ánh cuộc sống hôm nay, có tiết tấu mới, giữ chất tự sự, trữ tình. Mặt khác, cần quan tâm đến các nhân tố tạo nên một sân khấu cải lương gồm có tác giả, nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, thiết kế, trang trí, phục trang… Chú ý nội dung tác phẩm phản ánh điều gì của xã hội hiện đại. Xây dựng nhiều đoàn hát đa phong cách, nhưng phong cách gì cũng không nên làm mất đi giá trị nền tảng cơ bản của cải lương. Một khi đầu tư các lĩnh vực cơ bản của sân khấu chắc chắn, vững vàng thì sân khấu cải lương mới tìm ra đường hướng phát triển”. 
Nghệ sĩ ưu tú CA LÊ HỒNG


Soạn giả Đăng Minh chia sẻ: “Khó khăn trong sáng tác của một số soạn giả cải lương chính là mất cảm hứng sáng tạo. Từ nhiều năm qua, các đoàn hát cứ giảm dần thì tác giả viết cho ai? Giờ tác giả chỉ chờ ai đặt hàng để viết thôi. Với người sáng tác, làm nghề là phải nghiên cứu chất - hồn cải lương, tự rút kinh nghiệm thực tiễn, dung hòa giữa cái hay và chưa hay, sao cho phù hợp nhu cầu thời đại. Với những người viết trẻ đa năng hôm nay, các em hiện chưa khẳng định được tên tuổi, dù có đóng góp cho sân khấu cải lương bằng tác phẩm. Thật ra, điều quan trọng nhất của người làm sáng tác vẫn luôn là tự học, tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống”. 

Cũng cần nói thêm, bên cạnh nhu cầu diễn tác phẩm mới, một số đơn vị thích chọn kịch bản văn học chuyển thể hoặc lấy tác phẩm cũ dựng lại. Việc đó tuy thuận lợi cho việc tổ chức nhưng phần nào khiến khán giả chán ngán khi xem (tiết tấu quá chậm, thời lượng dài, mà kỹ thuật ca diễn xưa - nay đã quá khác). Có một thực tế đáng buồn là các trường, khoa chuyên đào tạo nghệ sĩ sân khấu cải lương tại TPHCM, trong nhiều năm qua không thể cho ra lò những gương mặt mới tài năng. Dù có nhiều chế độ ưu đãi trong tuyển sinh nhưng số lượng dự thi Khoa Kịch hát dân tộc Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM ngày càng ít ỏi. Đầu vào không đủ chỉ tiêu, nhà trường sẽ “vớt” các thí sinh bị rớt khi thi tuyển vào các chuyên ngành khác, rồi đưa các em vào học khoa này. Việc làm tréo ngoe đó nói lên sự hụt hẫng trong kế thừa của cải lương Nam bộ.   

Với các nghệ sĩ trẻ, việc được tham gia vào một vở diễn là điều đáng mừng, tuy nhiên, vở chỉ được dựng và diễn 1, 2 suất, xong cất kho thì thật khó đòi hỏi nghệ sĩ nhập tâm, nhiều khi chưa kịp thuộc vai diễn đã không còn được diễn trên sân khấu. NSƯT Lê Tứ tâm tư: “Sân khấu cải lương hiện nay rất cần có tầm nhìn phát triển xa hơn 5-10 năm. Mặt khác, cũng cần tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội làm nghề, đồng thời phải đảm bảo đầu ra cho nghệ sĩ như cách làm đầu tư, nuôi dưỡng cầu thủ bóng đá, phải rèn luyện từ nhỏ đến lớn…”. 

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nói: Cái khó của sân khấu cải lương hôm nay chính là sàn diễn bị thu hẹp. Đội ngũ tác giả viết xong đưa đi đâu dựng? TPHCM chỉ có mỗi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, vậy thì một năm tiêu thụ được mấy kịch bản? Chưa kể nhà hát còn sử dụng lại các kịch bản cũ để dễ tiếp cận khán giả”. NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng, hiện nay nghệ sĩ trẻ không có điều kiện, cơ hội tiếp cận khán giả. Xưa, diễn viên diễn mỗi đêm và họ hoàn thiện dần kỹ năng biểu diễn; còn bây giờ, các bạn trẻ tập vở, sau phúc khảo may lắm là một tháng diễn 1, 2 suất, thậm chí chỉ diễn 1, 2 suất trong tháng đầu, sau đó không có cơ hội diễn tiếp. 

Câu chuyện mà các bạn trẻ đề cập ở trên cũng là nỗi lo chung của người làm nghề khi hầu như cải lương vắng bóng trên truyền hình, đặc biệt là trên các kênh truyền hình giải trí. “Đài truyền hình phải có giờ phát sóng các vở sân khấu cải lương phù hợp để khán giả có thể xem, không thể phát cho có vào những giờ khuya lơ khuya lắc (11-12 giờ đêm), giờ đó ai mà thức nổi để coi cải lương?”, bà Ngọc Nga, một khán giả mê cải lương ở ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh tâm tư. 

Sân khấu TPHCM hôm nay cần gì, người làm nghệ thuật mong muốn điều gì và khán giả đang trông đợi gì... là những câu hỏi mở. Vấn đề cấp bách hôm nay nằm ở hành động cụ thể và thiết thực của các đơn vị liên quan đã nắm được bao nhiêu ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn, từ phía đội ngũ làm nghề và từ nhu cầu của công chúng, để từ đó có những đề xuất với lãnh đạo TPHCM nhằm tháo gỡ khó khăn.

Tin cùng chuyên mục