Nổi bật trong dòng chảy văn hóa đất phương Nam, loại hình nghệ thuật hơn 100 năm tuổi có một đời sống đặc biệt qua những điệu lý, câu hò, bài vọng cổ… Nhưng hiện tại, hoạt động đờn ca tài tử và cải lương ở TPHCM cần phải được nhìn nhận lại một cách thấu đáo, để văn hóa truyền thống 100 năm không bị mai một.
Sức sống dần nhỏ lại
Ở một góc trong không gian Ngày hội Văn hóa đọc quận huyện diễn ra tại công viên UBND quận Tân Phú, TPHCM phần trình diễn đờn ca tài tử thu hút khá nhiều khách xem. Theo dõi phần biểu diễn ngay từ đầu chương trình, ông Văn Kỳ (58 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết: “Lâu lắm rồi tôi mới coi hát đờn ca như vầy. Hồi xưa tôi đi coi hát rồi nghe đài, xem trên tivi nhiều lắm, có bài bản tôi nghe riết thành thuộc lòng. Sau này, tụi nhỏ trong nhà không mấy mặn mà, thành ra cũng ít nghe”.
Di chuyển từ khu vực sân khấu nhạc trẻ sang, Anh Huy (24 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM) hào hứng: “Quê tôi ở Vĩnh Long mà, dân miền Tây nên rành đờn ca, vọng cổ lắm. Nhưng lâu lâu gặp thì nghe, hoặc về quê ba mẹ mở suốt nên nghe theo, chứ ngày thường cũng ít chú ý”.
Dựng không gian nhà tranh quen thuộc của làng quê Nam bộ, ban nhạc ngồi ghế tre mộc mạc…, mọi thứ dung dị và gần gũi như những gì vốn có của đờn ca tài tử. Khán giả, nghệ sĩ ngồi vòng cung đối diện cùng ban nhạc và sân khấu, nhiều người nán lại xem buổi diễn đến hơn 21 giờ nhưng sự nồng nhiệt với loại hình âm nhạc truyền thống này không nhiều. “Gặp thì coi”, “cũng có biết”, “thấy hay nhưng ngày thường ít nghe lắm”… Đó là những câu trả lời mà chúng tôi bắt gặp được từ nhiều khán giả. Có bạn trẻ chưa nghe xong một điệu lý đã vội vã rời đi.
“Ngày thường em nghe nhạc trẻ rồi nhạc nước ngoài sẵn tiện để học tiếng Anh luôn, chứ ít nghe cái này lắm. Ở nhà có bà ngoại em hay nghe thì em nghe theo thôi, chứ không rành rẽ và để ý coi nó hay ra sao”, Ngọc Hân (học sinh Trường THPT Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú) cho biết. Chúng tôi hỏi một học sinh đứng gần đó: “Em biết mọi người đang hát gì không?”. Câu trả lời chỉ là một cái lắc đầu thờ ơ…
Một quán cà phê trên đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình, TPHCM) có tổ chức hát đờn ca tài tử vào tối các ngày hai - tư - sáu trong tuần, tuy nhiên phần nhiều khách đến là sinh viên đang theo học về bộ môn này ở các trường đại học, cao đẳng trong thành phố, hoặc các lớp đào tạo ngắn hạn bên ngoài. “Tôi không rành về đờn ca tài tử hay vọng cổ; có bạn theo học hát đờn ca ở đây, bữa nay là kết thúc khóa học nên tới ủng hộ. Quán cà phê này chủ yếu dành cho mấy bạn học hát tài tử, cải lương, ít khách vãng lai nên tôi cũng không mấy khi tới”, Nguyễn Văn Thạnh (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết.
Thực tế cho thấy, nếu trước đây đờn ca tài tử, vọng cổ, cải lương gần như là món giải trí của đông đảo khán giả thì hiện tại, sức sống của loại hình này vẫn có nhưng nhỏ dần, chỉ ở một bộ phận khán giả mộ điệu.
Khó khăn nối liền trăn trở
Một cây đờn, một giọng hát cũng có thể làm nên một điệu lý đi sâu vào lòng người và đờn ca tài tử là thế, bình dân, mộc mạc cũng xong. Những câu hát lúc nghỉ trưa trên đồng ruộng, hò đối đáp hay nam thanh nữ tú hát ghẹo nhau, thậm chí người ta cũng có thể hát ngay cả lúc chèo ghe… Đó là một loại âm nhạc hòa điệu cùng nhịp sống thường nhật. Nhưng để hiểu và sống cùng đờn ca tài tử thật sự là một yêu cầu không dễ; để cảm được hết cái hay cái đẹp của từng điệu lý, câu hò, bài vọng cổ, đòi hỏi người nghe phải “thấm” và yêu mến loại hình này.
Trăm năm vàng son có lẽ là câu chuyện đã nói rất nhiều qua báo đài, sách vở…, nhưng hiện tại, việc hát đờn ca, vọng cổ, cải lương dường như chỉ còn phổ biến với người dân miền Tây Nam bộ, hoặc vài nơi trong thành phố. Các CLB, hội nhóm hát đờn ca không thiếu, nhưng chuyện sinh hoạt chỉ đìu hiu. “Giờ thích thì bật karaoke lên hát thôi, chứ tui có biết câu lạc bộ đờn ca gì đâu. Thi thoảng có nghe nói có nhóm hát nào đó nhưng họ tụ họp ở đâu chứ gần đây tui không thấy. Tui cũng dân văn nghệ, mê cải lương lắm. Tuần nào mấy anh chị em trong nhà cũng tụ họp lại hát karaoke, lên vọng cổ ngọt xớt”, cô Nguyễn Thị Bé (67 tuổi, ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM) nói.
Nói đến chuyện bảo tồn và truyền đạt để lớp trẻ hiểu và thích thú với đờn ca, cô Nguyễn Thị Tú (65 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) lắc đầu: “Tui tham gia vào nhóm hát đờn ca cho vui vậy thôi, khi nào thiệt rảnh mấy anh chị em mới tụ hội lại, còn ngày thường ai ở nhà nấy. Tui cũng chỉ hát cho vui chứ không biết nhiều, mà truyền dạy lại cho lớp trẻ thì thấy có ai đâu, trong nhóm tui chỉ có mấy ông bà già hát với nhau, tụi nhỏ không mặn mà đờn hát kiểu này”.
Theo số liệu từ Trung tâm Văn hóa TPHCM, với mục đích bảo tồn và tạo dựng thế hệ kế thừa cho đờn ca tài tử, trong 5 năm, từ 2015 đến 2019, trung tâm đã tổ chức 33 lớp truyền dạy đờn ca tài tử cho người lớn và thiếu nhi, với số lượng tham gia mỗi năm từ 100 - 250 lượt người. Theo ông Phạm Thái Bình (Phòng Nghệ thuật dân gian, Trung tâm Văn hóa TPHCM), số lượng tham gia CLB đờn ca tài tử ở các quận huyện đông đảo, nhưng số lượng người am tường cấu trúc bản nhạc tài tử không nhiều. Chủ yếu các nghệ nhân chỉ biết ca làn điệu vọng cổ và những bài bản cải lương, thông qua hình thức truyền nghề mà chưa được đào tạo căn cơ, bài bản. |
Sống được bằng việc đi hát, nhưng Ngọc Ý Diệu (CLB Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa TPHCM) tâm sự: “Tôi may mắn là sống được với công việc đi hát, nhưng không chỉ hát đờn ca, tân cổ giao duyên hay cải lương không đâu, nhiều show diễn chủ yếu hát bolero”. Không chỉ vậy, nhiều nghệ sĩ ít danh tiếng còn chấp nhận hát đám tiệc, thậm chí là quán nhậu để nuôi nghề, nuôi mình.
Ngay ở quận 8, một trong những địa phương mạnh về các hoạt động đờn ca tài tử ở TPHCM, chuyện đầu tư cho đờn ca tài tử cũng hết sức trăn trở. Bà Thái Thị Hạnh (Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Ngũ Cung thuộc Trung tâm Văn hóa quận 8) cho biết: “Quận 8 được đánh giá là đơn vị có hoạt động đờn ca tài tử tốt, mỗi phường đều có CLB, các buổi sinh hoạt đờn ca với nhau có sự giao lưu, kết hợp rất vui. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển tốt các hoạt động, cần có sự đầu tư đúng mức hơn, như CLB do tôi làm chủ nhiệm, ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ trung tâm văn hóa quận, tôi còn trích thêm phần lương hưu của mình để duy trì các hoạt động trong CLB. Nhiều anh chị em trong CLB theo nghề hát nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn”.
Khó khăn nhưng niềm vui đối với bà Hạnh và những người yêu mến đờn ca tài tử nơi đây chính là chuyện 5-6 năm qua, chưa có ai trong CLB bỏ nghề. Ở thành phố này, đờn ca tài tử vẫn sống nhưng chỉ là một mạch ngầm nhỏ bên cạnh sự ồn ã của nhịp sống đô thị với nhiều loại hình văn hóa - giải trí khác.
Ở những hội nhóm hát đờn ca tài tử ngoài các trung tâm văn hóa chính quy, cũng có người tìm đến vì yêu thích hoặc do uy tín của các thầy, cô mở lớp… “Trước khi thi đậu vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, tôi đi học qua nhiều lớp của các thầy cô bên ngoài. Mỗi thầy cô sẽ có một cách truyền đạt riêng, mình thích ai thì theo người đó thôi, nên bài bản cơ bản thì có thể hiểu nhưng đi sâu hơn thì vẫn lọng cọng. Hát đờn ca tài tử gần gũi, mộc mạc nhưng hát để toát được hết cái hay, cái đẹp và cái thần của người hát thì phải qua nền tảng đào tạo bài bản”, Lê Khôi Nguyên (23 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) chia sẻ. |