Vào khoảng 9 giờ ngày 6-5, tại TPHCM, Công ty SJC niêm yết vàng SJC ở mức 83,8 triệu đồng/lượng mua vào và 86 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng chiều mua và tăng 100.000 đồng chiều so với cuối tuần trước. Cùng thời điểm, tại Hà Nội, Tập đoàn Doji cũng tăng 300.000 đồng chiều mua và giữ nguyên chiều bán, giao dịch ở mức 83,8 triệu đồng/lượng mua vào và 85,7 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng nhẫn 9999 sáng đầu cũng tuần tăng nhẹ. Cụ thể, Công ty SJC giao dịch ở mức 73,15 triệu đồng/lượng mua vào và 74,85 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng cả 2 chiều mua và bán so với cuối tuần trước. Tập đoàn Doji cũng tăng 50.000 đồng cả 2 chiều mua và bán, niêm yết ở mức 73,75 triệu đồng/lượng mua vào và 75,35 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco sáng 6-5 (giờ Việt Nam) tăng lên 2.307,7 USD/ounce, tăng 6 USD so với giá chốt phiên cuối tuần trước. Mức giá này sau quy đổi tương đương 70,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 15,2 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 9999 ở mức 4,5 triệu đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng thế giới có sự phục hồi sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố giữ nguyên lãi suất nhưng cũng đã ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tục và đang giao dịch quanh mốc 2.300 USD/ounce. Theo các chuyên gia, những yếu tố gây bất lợi cho giá kim loại quý này trước mắt là do địa chính trị khu vực Trung Đông đã bớt căng thẳng.
Cùng với đó, thị trường đã ngóng tín hiệu rõ ràng hơn từ FED do khả năng cắt giảm lãi suất vào mùa tháng 6 này khó xảy ra. Tuy nhiên, về dài hạn, giá vàng vẫn sẽ tiếp tục lập đỉnh mới vì nhu cầu vàng trên thế giới vẫn còn lớn, trong đó có các ngân hàng trung ương.
Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới về nhu cầu vàng trong quý 1- 2024 cho thấy, các ngân hàng trung ương đã mua 290 tấn vàng trong 3 tháng đầu năm, mức khởi đầu mạnh nhất trong lịch sử.