Vào khoảng 15 giờ tại TPHCM, Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn 9999 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ ở mức 75 triệu đồng/lượng mua vào và 76,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 700.000 đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán so với cuối giờ chiều hôm trước. Tại Hà Nội, Công ty Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 76,78 triệu đồng/lượng mua vào và 78,38 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 900.000 đồng cả 2 chiều mua và bán. Đây là mức giá cao nhất của giá vàng nhẫn 9999 từ trước đến nay.
Trong khi đó, giá vàng SJC tiếp tục quay đầu giảm gần nửa triệu đồng/lượng sau khi lập đỉnh vào hôm trước. Cụ thể, tại TPHCM, Công ty SJC niêm yết vàng SJC ở mức 82,4 triệu đồng/lượng mua vào và 84,4 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 400.000 đồng cả 2 chiều mua và bán so với hôm trước. Cùng thời điểm tại Hà Nội, Tập đoàn Doji cũng giảm 200.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán, giao dịch ở mức 82,3 triệu đồng/lượng mua vào và 84,3 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco chiều 10-4 (giờ Việt Nam) giao dịch ở mức 2.354,53 USD/ounce, tăng khoảng 10 USD so với sáng nay. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương 71,3 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng SJC khoảng 13,1 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng nhẫn 9999 từ 5,1 – 7 triệu đồng/lượng.
Sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước sản xuất độc quyền vàng miếng, giá vàng SJC thời gian qua hay đi ngược với giá vàng thế giới trong khi giá vàng nhẫn 9999 tăng mạnh theo đà tăng của vàng thế giới. Liên quan đến quản lý thị trường vàng, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3- 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24 về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.