Thông thường những năm trước, do nhu cầu mua vàng lấy hên trước ngày vía Thần tài tăng cao, người dân ngại xếp hàng mua vàng trong ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày vía Thần Tài) nên giá vàng thường tăng trong ngày mùng 9 tháng Giêng.
Trong khi đó năm nay lại ngược lại, vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng giảm mạnh ngay cả khi giá vàng thế giới chỉ giảm nhẹ khiến vàng SJC mất mốc 68 triệu đồng/lượng vừa lấy lại trong tuần trước.
Ghi nhận giá vàng SJC vào khoảng 15 giờ chiều 30-1 tại TPHCM, Công ty PNJ niêm yết ở mức 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,5 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Cùng thời điểm tại Hà Nội, Tập đoàn Phú Quý cũng báo giá vàng SJC ở mức 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 900.000 đồng/lượng.
Không chỉ vàng SJC mà các doanh nghiệp khác cũng giảm mạnh giá vàng nhẫn 4 số 9. Cụ thể, Công ty PNJ cũng giảm giá vàng PNJ (4 số 9) 1 triệu đồng/lượng, xuống còn 54,5 triệu đồng/lượng mua vào và 55,8 triệu đồng/lượng bán ra. Công ty SJC cũng giảm giá vàng nhẫn 4 số 9 tới 600.000 đồng/lượng chiều mua và 500.000 đồng/lượng chiều bán, xuống còn 54,6 triệu đồng/lượng mua vào và 55,8 triệu đồng/lượng bán ra.
Thị trường vàng thế giới, trước thềm cuộc họp đầu năm 2023 của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) dự kiến vào ngày thứ ba và thứ tư tuần này, giá vàng chốt phiên tại New York đêm ngày 29-1 giảm gần 3 USD/ounce, xuống còn 1.927,5 USD/ounce. Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco chiều ngày 30-1 (giờ Việt Nam) giảm thêm khoảng 5 USD/ounce so với giá chốt phiên tại New York xuống còn 1.922,5 USD/ounce.
Mức giá này sau khi quy đổi tương đương gần 53,94 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng gần 13,6 triệu đồng/lượng. Do giá vàng SJC trong nước giảm mạnh hơn do với giá vàng thế giới nên chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới được thu hẹp đáng kể. Trong năm 2022, mức chênh lệch kỷ lục giữa vàng SJC và thế giới có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/lượng.