Vàng miếng tại các ngân hàng “cháy hàng”

Ngày 4-6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục công bố giá bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4 - NHTMNN) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC) là 77,98 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với giá bán hôm trước). Ngay lập tức, vàng SJC trên thị trường quay đầu giảm 1 triệu đồng/lượng.

Khách hàng mua vàng miếng tại Agribank chi nhánh Sài Gòn ngày 4-6. Ảnh: MINH HUY
Khách hàng mua vàng miếng tại Agribank chi nhánh Sài Gòn ngày 4-6. Ảnh: MINH HUY

Không đủ vàng để bán

Ngay sau khi được NHNN công bố giá bán, 4 NHTMNN là Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đồng loạt niêm yết giá vàng là 78,98 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/ lượng so với hôm trước. Tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng giảm giá về dưới 79 triệu đồng/lượng. Ghi nhận cho thấy, số lượng vàng vẫn không đủ bán.

Tại TPHCM, ngay từ sáng, người dân đã đến chi nhánh của các NHTMNN xếp hàng, lấy số thứ tự chờ mua vàng. Do các ngân hàng không hạn chế số lượng mua vào nên có nhiều người đăng ký mua 20-30 lượng vàng. Tuy nhiên, với những giao dịch trên 400 triệu đồng, các ngân hàng cho biết, phải báo cáo với NHNN nhằm tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền. Đến gần 16 giờ, đồng loạt các ngân hàng đã thông báo bán hết vàng, cho đăng ký số lượng theo nhu cầu và hẹn quay lại vào ngày mai.

Ông Y Nguyễn Văn (quận 5, TPHCM) mua vàng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh TPHCM, cho biết, gia đình ông thường mua vàng làm “của để dành” và chủ yếu mua thương hiệu SJC. “Mặc dù giá vàng SJC hiện vẫn cao hơn vàng thế giới 6-7 triệu đồng/lượng, nhưng với giá hiện tại ở mức dưới 79 triệu đồng/ lượng, mức chênh lệch này vẫn chấp nhận được cho một thương hiệu vàng lớn”, ông Văn cho hay. Tương tự, tại trụ sở chính Công ty SJC ở TPHCM, khách hàng cũng đến mua khá đông nên công ty này hạn chế mỗi người mua 1 lượng vàng và chủ yếu trả hàng cho khách đã đăng ký mua và đặt cọc từ hôm trước. Mặc dù vậy, đến khoảng 10 giờ 30, công ty đã treo bảng ngừng bán và hẹn khách đầu giờ chiều quay lại.

Vào khoảng 16 giờ 30 tại TPHCM, Công ty SJC giảm 500.000 đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán so với hôm trước, giao dịch ở mức 77,48 triệu đồng/lượng mua vào và 78,98 triệu đồng/lượng bán ra. Tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng giảm 500.000 đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán, niêm yết ở mức 74,05 triệu đồng/lượng mua vào và 76,4 triệu đồng/lượng bán ra... Tại Hà Nội, Công ty PNJ cũng giảm 500.000 đồng chiều mua và 1 triệu đồng chiều bán, niêm yết ở mức 77,48 triệu đồng/lượng mua vào và 78,98 triệu đồng/lượng bán ra. Trên thị trường thế giới, chiều 4-6, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á ở mức 2.346 USD/ounce (giá quy đổi tương đương gần 72 triệu đồng/lượng), thấp hơn giá bán lẻ vàng miếng SJC trong nước khoảng 8 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC bán ra ở thị trường trong nước đã thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới.

Thận trọng khi mua bán vàng

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), cho biết, giá bán vàng của các NHTMNN và Công ty SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới nhiều biến động như hiện nay. Mục tiêu của phương án bán vàng miếng trực tiếp cho người dân là nhằm thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp.

Phương án này bước đầu đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của dư luận. “Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các NHTMNN và Công ty SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh. Nhằm ổn định thị trường vàng, UBND TPHCM cũng vừa có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, NHNN chi nhánh TPHCM và Công ty SJC về đảm bảo gia công vàng miếng SJC cho NHNN. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu Công ty SJC huy động năng lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất vàng miếng SJC của NHNN với khối lượng lớn, để phục vụ việc can thiệp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tổ chức tốt hoạt động kinh doanh, đảm bảo hoạt động kinh doanh được thực hiện liên tục. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn vướng mắc về kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch sản xuất vàng miếng SJC, kịp thời báo cáo UBND TPHCM để được xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan và NHNN chi nhánh TPHCM có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ Công ty SJC trong việc tham gia ổn định thị trường vàng.

Một công ty kinh doanh vàng bị đề nghị phạt 350 triệu đồng

Bà Phạm Thị Minh Phương, Tổ trưởng Tổ Thương mại điện tử - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), thông tin, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường đã trình lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng đối với Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Kim Hương Dinh (39 đường Nguyễn Huệ, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Lý do là sau khi kiểm tra đã phát hiện tại địa chỉ nói trên bày bán, kinh doanh 64 sản phẩm kim loại màu vàng (bao gồm nhẫn, bông tai, mặt dây chuyền, vòng tay, lắc tay) không rõ nguồn gốc xuất xứ (tổng giá trị hơn 801 triệu đồng); 135 sản phẩm (nhẫn, bông tai, mặt dây chuyền, vòng tay, lắc tay) có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu công nghiệp (tổng giá trị gần 200 triệu đồng).

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục