Con đường vào sóc Bom Bo không còn những dốc cao gồ ghề, thay vào đó là đường trải nhựa với những vạt điều, lô cao su xanh bạt ngàn. Cuộc sống người dân nơi đây cũng đang từng ngày thay đổi. Xưa kia đói ăn, đói gạo, đói muối, giờ đây người dân Bom Bo đã đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Những ngôi nhà khang trang san sát, phong cảnh hữu tình, hút những cặp mắt khách phương xa mỗi khi dừng chân.
Trong kháng chiến chống Mỹ, địa danh sóc Bom Bo (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) là một trong những hậu phương vững chắc của cách mạng. Để phục vụ chiến dịch chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ Nửa Lon (nay thuộc thôn 4, xã Đường 10) huy động cối, chày giã gạo nuôi quân. Chỉ trong 3 ngày đêm, người dân Bom Bo giã 5 tấn gạo sẵn sàng cho bộ đội. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước đó, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết lên ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo (thơ Hồng Sơn) hừng hực khí thế cách mạng: “Lửa bập bùng tiếng chày khua cắc cum, cum cùm cum… Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa, sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya, bồng con ra võng đòng đưa, giã gạo ban đem vì ngày bận làm mùa”…Ca khúc đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt.
Theo ông Điểu M’Riêng (đồng bào S’tiêng, nguyên Phó Chủ tịnh UBND huyện Bù Đăng, nhà ở gần căn cứ Nửa Lon), những năm 1960, cuộc sống của cán bộ chiến sĩ thiếu thốn, mỗi người chỉ đuợc nửa lon gạo trong một ngày nên cái tên Nửa Lon ra đời. Khi ấy, đồng bào S’tiêng trồng lúa trên nương rẫy và giã gạo bằng chày, sẵn sàng bỏ lại nhà cửa đi theo cách mạng. Ngày thì trồng lúa, mì; tối thức trắng đêm giã gạo nuôi quân, “bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình”, không đong đếm đuợc…
Bù Đăng có thác Voi, thác Bù Xa, trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, thác Pan Toong và các lễ hội của người S’tiêng, M‘Nông, Tày, Nùng hay Ê Đê, Châu Mạ… Dù tiềm năng lớn nhưng việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Trong chương trình của lễ hội, địa phương đã tổ chức hội nghị khởi nghiệp du lịch với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư chuyên gia ngành du lịch. Theo các doanh nghiệp lữ hành, Bù Đăng có sóc Bom Bo và Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với diện tích hơn 113ha (đi vào hoạt động từ 2015) đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. Dựa trên những tài nguyên và điều kiện thuận lợi vốn có này, địa phương nên quan tâm đầu tư nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan, nghỉ dưỡng phục vụ du khách khi đến Bù Đăng.
Lần đầu tiên huyện Bù Đăng tổ chức lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”, thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, thuần phong, mỹ tục. Thành công của lễ hội là cơ sở để huyện đứng ra tổ chức định kỳ hàng năm, để tiếng chày Bom Bo ngày càng vang xa.