Nơi thai nghén bài hát
Một ngày cuối năm Kỷ Hợi, chúng tôi tìm về Bom Bo - nơi gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Xuân Hồng. Từ quốc lộ 14 rẽ vào khoảng 5km là đến địa danh Bom Bo (một thôn của xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Nhưng đây chưa phải là nơi bài hát nổi tiếng ra đời. Theo sự chỉ dẫn của những người từng công tác ở Bù Đăng, chúng tôi theo đường 10 đến xã Đăk Nhau và cuối cùng mới gặp được người mà mình cần. Đó là ông Điểu Ma Riêng (sinh năm 1953 ngay tại sóc Đăk Xuyên), tham gia cách mạng rất sớm - từ năm 1968, sau đó tham gia An ninh vũ trang khu 10. Ngày xưa, quanh nhà ông bây giờ là rừng nguyên sinh bạt ngàn - nơi có căn cứ Nửa Lon và cũng là nơi ra đời của bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo.
Theo ông Riêng, cái tên Nửa Lon gắn liền với những ngày đầu thành lập căn cứ của Tỉnh ủy Phước Long. Khoảng đầu những năm 1960, khu vực này có nhiều sóc của đồng bào S’tiêng như Bù Ghe, Bù Tuân, Bù Sra, Bù Oai, Bom Bo (Bom Bo đông dân nhất với khoảng 60 hộ, 200 người). Cùng thời gian này, địch gom dân lập ấp chiến lược, nhưng riêng dân sóc Bom Bo chạy vào rừng, theo cách mạng. Ban đầu bộ đội được phát mỗi người một lon gạo/ngày nhưng sau đó do đứt liên lạc, thiếu gạo nên phải giảm còn nửa lon/người/ngày. Có thời điểm phải ăn củ rừng như củ mài, củ chụp. Cái tên Nửa Lon ra đời từ đó.
Khoảng năm 1989-1996, ông Ma Riêng đã từng đề nghị khoanh lại để bảo vệ rừng căn cứ Nửa Lon với những cây gỗ sao đặc trưng làm di tích cho thế hệ sau, nhưng khi giao lại cho xã thì không bảo vệ được trước nạn phá rừng của người dân di cư tự do. Cho nên, khu di tích giờ đã mất dấu. |
Ông Ma Riêng tâm sự: Giữa năm 1965, nhạc sĩ Xuân Hồng xuống thực tế ở căn cứ giữa lúc phong trào giã gạo nuôi quân diễn ra ngày đêm, được bao nhiêu đưa cho bộ đội để tập trung cho chiến dịch đánh Phước Long, Bù Đăng, Đồng Xoài. Nhạc sĩ Xuân Hồng về Nửa Lon sống hơn một tháng và cảm kích trước không khí khẩn trương giã gạo nuôi quân của khu căn cứ. Cùng lúc đó xuất hiện bài thơ Ánh đuốc lồ ô trên căn cứ Nửa Lon của nhà thơ Võ Hồng Sơn (Ban Chính trị Đoàn 2), đã giúp nhạc sĩ Xuân Hồng cho ra đời những giai điệu bất hủ mang âm hưởng dân ca Nam bộ…
Ông Ma Riêng hồi tưởng: “Khoảng 6 - 7 tháng sau đó, khi có bộ đội về sóc, được nghe bài hát qua Đài phát thanh Giải phóng, đồng bào S’tiêng hãnh diện lắm. Khoảng năm 1970-1972 căn cứ bị đứt liên lạc, không có gạo ăn, bộ đội và bà con Bom Bo phải đào củ chụp ăn, sau chuyển sang đào củ nần xắt lát, đem nấu lên nhưng không được nấu chín quá, xong phải ngâm dưới suối 12 tiếng cho trôi hết chất độc mới ăn được. Sau củ nần cũng hết, phải ăn lá rừng, nhưng đồng bào S’tiêng ở Bình Phước nói chung và Bom Bo nói riêng đã son sắt một lòng một dạ theo cách mạng đến ngày toàn thắng”.
Cái đói khổ đã lùi xa
Sau ngày giải phóng, ông Ma Riêng tham gia Công an huyện Phước Long, đến năm 1986 được tăng cường về làm phó chủ tịch xã. Năm 1989, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng. Năm 1997, ông làm Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; đến năm 2009 thì nghỉ hưu.
Hỏi ông về tình hình đời sống bà con dân tộc S’tiêng ở xã hiện tại, ông Ma Riêng khẳng định: Từ năm 1990 trở lại đây, cuộc sống đồng bào dân tộc thay đổi hẳn, nhà nào cũng có ti vi, xe máy và cảnh thiếu đói khi giáp hạt không còn, chỉ còn một ít hộ già yếu, neo đơn thì đã có trợ cấp của Nhà nước. Ông Ma Riêng còn rất tự hào vì “cán bộ ở Đắk Nhau tăng cường cho thị xã Phước Long nhờ con em dân tộc được học lên nhiều, chỉ tính riêng ở xã hiện đã có khoảng 10 người đi học bác sĩ, chủ yếu công tác ở huyện Bù Đăng”.
Nguồn thu nhập chính của bà con sóc (thôn) Đắk Xuyên và cả xã Đắk Nhau là điều và cà phê. Bình quân mỗi hộ có 2ha điều và một số hộ có thêm cà phê. Một số hộ chủ yếu là thanh niên tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật trồng lại điều già cỗi, trồng dần từ vài ba sào mỗi năm nên thu nhập có khá hơn. Chính ông Ma Riêng là người mang hạt điều giống về trồng vào đầu thập niên 80. Với hơn 3 mẫu điều mùa đầu tiên, ông thu được 600kg, đổi được một chiếc ti vi. Sau đó, khi làm lãnh đạo huyện, ông đã chỉ đạo nhân rộng để góp phần từ bỏ lối sống du canh du cư truyền thống.
Âm vang tiếng chày
Bỏ lại sau lưng con đường 10 bụi mù đất đỏ và những đoạn đường đá gồ ghề ở Đắk Xuyên, chúng tôi trở ra thôn Bom Bo. Trải qua tháng năm, cảnh cũ đã thay đổi rất nhiều, từ năm 1984, người sóc Bom Bo không còn ở khu vực quanh căn cứ Nửa Lon mà trở về đất sóc cũ an cư. Sau nhiều lần tách nhập thì thôn Bom Bo giờ thuộc xã Bình Minh. Một khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng được xây dựng trên ngọn đồi cao. Ở đó có phục dựng cối giã gạo dài cho 6 người giã một lúc, được làm bằng gỗ sao như ngày xưa, để du khách cảm nhận thực tế…
Chúng tôi tìm gặp ông Điểu Lên (75 tuổi), người được xem là già làng của thôn Bom Bo hiện tại. Căn nhà của ông nằm bên đường lộ, ngay ngã ba vào khu bảo tồn. Ông cũng là nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ. Sau vài câu xã giao, ông vui vẻ dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thân tình. Ông kể: “Năm 1965 tui đã gặp nhạc sĩ Xuân Hồng trong căn cứ, khi đó tui mới tham gia du kích. Khoảng năm 1988 tái lập huyện Bù Đăng, ông nhạc sĩ có trở lại nhiều lần; bà con dân tộc ở đây thương ổng lắm, cùng nhiều cán bộ khác nữa”.
Sau khi tái lập huyện, Bom Bo được đổi tên thành thôn 1 nhưng già Lên cùng đồng bào kiến nghị giữ lại cái tên truyền thống. Từ năm 2012, thôn 1 trở lại tên cũ là Bom Bo. Cũng như ông Ma Riêng, cái khung cảnh trai gái đốt đuốc giữa rừng già, giã gạo nuôi quân vẫn còn in đậm trong tâm trí ông, dù giờ đây nhà cửa, vườn cà phê, điều, cao su đã thế chỗ cho rừng. Theo già Lên, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của bà con nên cuộc sống nơi đây đã đổi thay, nhà tre lá không còn nữa.
Điều đáng mừng của già Lên chính là giới trẻ của Bom Bo vẫn còn giữ được truyền thống múa hát. Vừa nghe chúng tôi hỏi giới trẻ của Bom Bo ngày nay có biết hát và có còn thích hát bài “Bom Bo ca” của Xuân Hồng nữa không, già Lên trả lời với giọng chắc nịch và sảng khoái: “Vẫn hát, vẫn múa bài hát của Xuân Hồng”. Già cho biết thêm: “Đội văn nghệ của thôn Bom Bo lập từ năm 1967 - thời có ông Xuân Hồng về chỉ dẫn tập luyện - được duy trì tới giờ với hơn 30 thành viên, đội cồng chiêng luôn được bổ sung các cháu trẻ và giữ truyền thống múa hát theo lời bài hát năm xưa”.