Vang mãi lời thề Vị Xuyên - Bài 2: Những người “ăn núi, ngủ rừng” tìm hài cốt liệt sĩ

Thấu hiểu được sự hy sinh mất mát to lớn của các gia đình có anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, những năm qua, 18 cán bộ, chiến sĩ Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, “ăn núi, ngủ rừng” để tìm kiếm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn huyện Vị Xuyên, đưa các anh, các chú về với quê hương, đồng đội.
Ông Vũ Bình Long (thứ 2, từ trái sang) cùng các cựu chiến binh viếng đồng đội trận đánh ngày 11-3-1979. Ảnh: NVCC
Ông Vũ Bình Long (thứ 2, từ trái sang) cùng các cựu chiến binh viếng đồng đội trận đánh ngày 11-3-1979. Ảnh: NVCC

Chỉ mong sớm đưa các anh về quê hương

Một ngày của Thượng úy Vũ Văn Đông (Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ) cùng anh em trong đơn vị bắt đầu từ 5 giờ để chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ đào bới (cuốc, xẻng, đồ dùng cá nhân) và mỗi người thêm gói xôi hay bánh mì. Trước khi đi, nhóm tìm kiếm quân phục chỉnh tề, sạch sẽ làm lễ thắp hương trên ban thờ chung các anh hùng liệt sĩ đặt bên hông căn nhà để xin phép lên đường làm nhiệm vụ. Công việc cứ lặp đi lặp lại hàng ngày như vậy. Nếu xác định khu vực tìm kiếm hiểm trở, phức tạp, có thể phải ở lại trên núi dài ngày, anh em trong đội thường mang thêm quần áo, đồ dùng cá nhân để ngủ nhờ nhà dân và hôm sau tiếp tục đào bới, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Thượng tá Nguyễn Văn Tân, Chính trị viên Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, cho biết, điều hạnh phúc nhất đối với đội là sau mỗi chuyến đi “ăn rừng, ngủ núi” là tìm được hài cốt của các anh, các chú để đưa về nghĩa trang, dù hài cốt chỉ còn vài mẩu xương nhỏ. Điều mà anh em trong đội rất buồn, ám ảnh là trong hàng chục hài cốt liệt sĩ được tìm thấy hơn 5 năm qua tại mảnh đất Vị Xuyên, chỉ có duy nhất một bộ hài cốt còn rõ danh tính, quê quán. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Quỳ, quê ở tỉnh Thái Nguyên, được tìm thấy vào giữa năm 2022. “Khi tìm thấy liệt sĩ Quỳ, trong chiếc ví nhựa vẫn còn chứng minh nhân dân và một chiếc lược có khắc tên liệt sĩ. Còn hầu hết các hài cốt liệt sĩ được tìm thấy đều không còn nguyên vẹn, cũng như không có thông tin”, Thượng tá Tân nhớ lại.

Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng, Phó Đội trưởng Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhớ lại: Tháng 3-2021, trong chuyến tìm kiếm tại “yên ngựa”, giữa điểm cao 685 và 772 (ở xã Thanh Thủy), trên khu vực diện tích vài trăm mét vuông, toàn bộ đá trên điểm cao 685 bị sạt và xô xuống eo núi. Người dân đã phát hiện dấu tích của bộ đội như: bình toong, thắt lưng. Tuy nhiên, sau cả tháng đào bới không bỏ sót mét vuông nào, cũng không có kết quả. Trong lúc tinh thần anh em đi xuống thì bất ngờ sau cơn mưa lớn, đất đá trôi, anh em đội tìm kiếm phát hiện thi thể các anh nằm dưới lớp đất đá sâu hơn 1m. “Thời điểm đó, chúng tôi tìm được 7 bộ hài cốt nằm dưới lớp đá, hầu hết không còn nguyên vẹn. Khi tìm thấy các anh, tất cả chúng tôi đều vỡ òa cảm xúc!”, Thiếu tá Dũng xúc động nhớ lại.

Thượng úy Vũ Văn Đông cho biết, trước mỗi đợt đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đội đều phải xem kỹ sơ đồ chiến đấu; khu vực nào có nhiều bộ đội hy sinh, đội tìm kiếm sẽ tới khu vực đó để lật đá, đào đất. Khi đó, việc tìm kiếm hầu hết thực hiện bằng tay, tỉ mẩn từng chút. Do địa hình phức tạp, máy móc khó có thể hỗ trợ nên “anh em trong đội đều cuốc đất đá như làm ruộng, sau đó đập nhỏ đất đá và sàng lọc để tìm xương cốt các anh, các chú cho tới khi không tìm được nữa thì thôi”.

Suốt thời gian tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở huyện Vị Xuyên, Thượng úy Vũ Văn Đông và đồng đội vẫn nhớ cuộc tìm kiếm ở đồi 6A (thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy). “Đó là khi 5-6 anh em trong đội bẩy tảng đá bịt một cửa hang thì phát hiện một bộ hài cốt còn nguyên vẹn. Tìm kiếm sâu bên trong hang đá, chúng tôi tiếp tục phát hiện thêm 6 bộ hài cốt còn nguyên vẹn, trên đầu còn đang đeo điện đàm. Toàn đội cẩn thận đưa từng bộ hài cốt ra ngoài và nhặt từng mẩu xương nhỏ”, Thượng úy Đông kể và mong muốn thời gian tới tiếp tục có sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bởi trên mảnh đất Vị Xuyên vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm lại nơi biên ải mà chưa biết khi nào tìm thấy được.

Bắt “thần chết” giữa thời bình

Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đóng tại thôn Nà Toong - nơi có hơn 8km đường biên với 13 cột mốc và nhiều điểm cao từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt năm xưa. Thượng tá Nguyễn Văn Tân tâm sự: “Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm thiêng liêng, không phải ai muốn vào đội cũng được. Người được tuyển chọn là những người có trách nhiệm rất cao… Chúng tôi luôn xác định làm việc vì cái tâm để tìm cho bằng được các anh, các chú về với gia đình, quê hương càng sớm càng tốt”. Cũng theo Thượng tá Tân, quá trình thực hiện nhiệm vụ, khó khăn lớn nhất là thông tin về hài cốt liệt sĩ ngày càng ít. Bởi, những người lính chiến đấu ở Vị Xuyên hiện phần lớn đã tuổi cao, khi trở lại chiến trường năm xưa, họ thường không nhận ra dấu tích do địa hình, địa vật đổi thay theo thời gian.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn thường trực đối mặt với “thần chết” ở mọi địa hình, đó là các vật liệu nổ còn sót lại khắp nơi sau cuộc chiến. Dù hiện nay ở đội có 2 chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn trước khi tìm kiếm hài cốt nhưng khó có thể chắc chắn an toàn tuyệt đối. Đại úy Mạc Văn Cận, chiến sĩ công binh, chia sẻ, đây là nhiệm vụ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, được ví như đi bắt “thần chết” trước mỗi đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Việc rà bom, mìn, vật liệu nổ ở khu vực núi rừng rất phức tạp và phải là những người có kinh nghiệm cầm máy dò lâu năm mới phân biệt được đâu là mìn, đâu là mảnh vụn của đạn.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 1.243 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chủ yếu nằm ở các xã biên giới thuộc huyện Vị Xuyên. Các địa danh cần tiếp tục tìm kiếm, quy tập thời gian tới chủ yếu nằm trên địa bàn các xã: Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải, Minh Tân, Phương Tiến (huyện Vị Xuyên); Phú Lãm (huyện Yên Minh); Ma Lé, Tả Phìn, Đồng Văn (huyện Đồng Văn); Hồ Thầu (huyện Hoàng Su Phì).

“Nhiều người hỏi có sợ chết không, nhưng tôi nghĩ, đây là nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho và là tình cảm với những người đã hy sinh vì Tổ quốc nên anh em luôn nỗ lực làm thật cẩn thận sao cho an toàn nhất. Công việc này không có chuyện rút kinh nghiệm… cho lần sau”, Đại úy Cận chia sẻ và cho biết thêm, hiện nay, trên chiến trường năm xưa còn sót lại chủ yếu là các loại mìn đè nổ chống bộ binh như: MN79, MN82B, 652A, bom Z2… Những loại mìn đó đều có cọc nổ và chốt an toàn. Nếu sơ suất trong quá trình tìm kiếm, vướng vào thì chốt an toàn sẽ bật ra, gây nổ và sát thương rất cao. “Chúng tôi vẫn đùa vui với nhau, mỗi lần đi tìm kiếm là mỗi lần anh em đi bắt thần chết rồi mới triển khai nhiệm vụ tìm kiếm”, Đại úy Mạc Văn Cận tâm sự.

Tin cùng chuyên mục