Đây cũng là địa bàn mà tới cuối năm 1989, tiếng súng mới chấm dứt - muộn nhất trong cả nước. Nhân kỷ niệm 44 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, phóng viên Báo SGGP đã trở lại Vị Xuyên, tìm gặp những nhân chứng lịch sử và đi thực tế tại nhiều chiến trường năm xưa để thấy được sự hồi sinh, phát triển mạnh mẽ của mảnh đất phên dậu địa đầu Tổ quốc, nhớ lại một thời “máu và đá”.
Suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, các chiến sĩ ở Vị Xuyên ngày đêm anh dũng, mưu trí, kiên cường chiến đấu, quyết tâm giữ gìn từng mỏm đồi, vách núi, điểm cao với tinh thần “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và trên 9.000 người đã để lại một phần cơ thể tại những trận địa được mệnh danh là “Đồi thịt băm”, “Ngã ba cửa tử”…
Đi 120 về 45
Những ngày đầu tháng 2-2023, khi hoa đào vẫn còn bung sắc khắp dãy biên cương, chúng tôi rời Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, ngược lên Cửa khẩu Thanh Thủy, nơi chiến trường ác liệt năm xưa, để đến Đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 ở lưng chừng núi Nậm Ngặt. Đưa chúng tôi đi là ông Đỗ Mạnh Thường (Đại tá, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 122, sau này là Trung đoàn 313, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên cũ) và một số cựu chiến binh. Dâng nén nhang thơm tưởng nhớ những đồng đội đã nằm xuống, ông Thường chỉ tay lên những dãy núi xung quanh, bùi ngùi: “Cách đây 44 năm, nơi đây là trung tâm của mặt trận Vị Xuyên phía Tây sông Lô, cũng là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược”.
Đại tá Đỗ Mạnh Thường kể lại lịch sử bên cạnh chứng tích cây gạo bị pháo địch bắn. Ảnh: ĐỖ TRUNG |
Trong nhiều năm ở mặt trận Vị Xuyên, ông Thường tham gia không ít trận đánh ác liệt, nhưng trận đánh đêm 22 rạng sáng 23-2-1979 mãi ám ảnh ông. Khoảng 20 giờ ngày 22-2-1979, sau khi bộ đội ta cơm tối xong, đơn vị của ông Thường có nhiệm vụ hành quân tiếp cận điểm cao 1800A, đang bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Sau nhiều giờ leo núi, trèo đèo, ông Thường và các đồng đội tiếp cận được điểm cao 1800A cũng là lúc trời tảng sáng. Pháo hiệu của tiểu đoàn bắn ra hiệu cho hỏa lực bắn sang các điểm cao 1800A, 1800B để bộ binh xung phong đánh chiếm điểm cao. Ngớt pháo lệnh, cối 120 và 82 ly bắn xối xả lên các cao điểm trên, báo hiệu bộ binh xuất kích.
“Đại đội tôi lúc đó 120 người, xung phong lên và áp sát được chân điểm cao 1800A, cách đỉnh khoảng 100m thì Trung Quốc tung hỏa lực sang, dùng bộ binh đẩy quân ta trở lại. Khi bộ đội ta chiếm được điểm cao đó, quân Trung Quốc tổ chức chiếm lại. Hai bên giằng co nhau từng mét đất trên điểm cao khoảng 40 phút. Tôi thấy anh em hy sinh rất nhiều. Đại đội tôi lúc đi là 120 người, lúc về còn 45 người, trong đó 2 trung đội trưởng hy sinh”, ông Thường lặng người nhớ lại.
Còn cựu chiến binh Vũ Bình Long (ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), tham gia mặt trận Vị Xuyên từ năm 1979-1987, vẫn nhớ như in trận đánh ngày 11-3-1979. Hôm đó, chốt điểm cao 1558A do Đại đội 10 đảm nhiệm bị thất thủ. Địch củng cố lại trận địa để làm bàn đạp đánh sang điểm cao 1558B do Đại đội 12 của ông Long đóng giữ. Từ tuyến hào, ông Long và đồng đội phát hiện quân địch đang hướng súng máy về phía ta. Theo quan sát của trinh sát Nguyễn Ngọc Hà, có 3 tên địch bên khẩu súng máy chuẩn bị nhả đạn nên ông Long được giao nhiệm vụ bắn hạ 3 tên này. Trong đại đội, ông Long được xem là “xạ thủ”. Nhìn qua khe ngắm, ông Long hướng nòng súng về phía tên địch đang lúi húi phía sau khẩu súng và kéo cò. Nòng súng giật lên và tiếng anh em hô “nó ngã rồi, chết rồi”. Sau khoảng 20 phút, một tên khác lại nhổm lên bên cạnh khẩu súng máy, ông Long lại kéo cò và lần này anh em cũng hô vang vì địch trúng đạn…
Cùng lúc này, địch gọi pháo bắn như mưa bao trùm lên trận địa để giải cứu đồng bọn. Chừng 30 phút sau, pháo địch có dấu hiệu chuyển làn, chỉ bắn thưa thớt. Phán đoán địch có thể dùng bộ binh tràn lên, chỉ huy yêu cầu tất cả tiến lên phía trước chuẩn bị đánh chặn. Nhóm của ông Long chia thành nhiều mũi hướng về phía quân địch. “Mũi của tôi gồm 4 người di chuyển dưới lòng hào. Đi đầu là tôi, bám ngay sau là Trung đội trưởng Nguyễn Đức Xiêm và 2 đồng đội. Khi cả nhóm vừa qua hầm thông tin vài mét thì đạn pháo rơi trúng anh Xiêm. Đạn nổ, xô tôi ngã nhào về phía trước. Sau phút choáng váng, tôi bò dậy, quay về phía sau trong khói đạn mờ mờ, tôi thấy anh Xiêm dưới lòng hào, thân thể không còn nguyên vẹn”, ông Long nghẹn ngào.
Mạnh mẽ Vị Xuyên
Giờ đây, trận địa khốc liệt năm xưa ở vùng biên giới này đã được phủ xanh bởi cây cối, ruộng nương. Cuộc sống đang ngày càng thay da, đổi thịt, hồi sinh trên mảnh đất biên cương vẫn còn nhiều gian khó. Trao đổi với phóng viên, ông Thiều Văn Bốn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vị Xuyên, chia sẻ, địa phương có 5 xã biên giới (Thanh Thủy, Minh Tân, Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức) năm xưa là chiến trường ác liệt. Nhưng hiện nay, cuộc sống người dân không chỉ ở các xã biên giới mà toàn huyện đang có sự thay đổi, phát triển vững mạnh mọi mặt, từ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đến phát triển kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương.
Ông Hoàng Thanh Tịnh, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Những năm qua, toàn huyện tập trung nguồn lực cho hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất, phục vụ phát triển kinh tế, thương mại và du lịch. Hiện nay, đường giao thông nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt 24 tuyến/24 xã, thị trấn. Vị Xuyên đang có hơn 2.700ha chè San Tuyết với sản lượng hơn 8.000 tấn. Cùng với cây chè mang lại thu nhập cho người dân thì huyện còn có hơn 2.800ha cây thảo quả, sản lượng khoảng hơn 2.000 tấn, cho giá trị thu nhập trên 60 tỷ đồng/năm. Dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2023, Vị Xuyên phấn đấu mục tiêu thu ngân sách trên 322 tỷ đồng, sản lượng lương thực đạt trên 57.000 tấn và thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, những người lính quân hàm xanh trở thành nòng cốt giúp đỡ đồng bào các dân tộc khôi phục, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Đại tá Đào Hồng Hà, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, cho biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc hơn 277km đường biên giới trên địa bàn tỉnh thì nhiều năm qua, bộ đội biên phòng Hà Giang luôn đi đầu trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phát triển đời sống, kinh tế - xã hội sau chiến tranh bằng nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa như: chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là giống ngô; chương trình bò giống cho người nghèo; quân dân y kết hợp, xóa nhà tạm cho người nghèo, nâng bước em đến trường... để lại nhiều tình cảm tốt đẹp với bà con các dân tộc. Cuộc chiến kết thúc, hai nước nối lại quan hệ, nhân dân hai bên biên giới có điều kiện giao lưu văn hóa, kinh tế giúp đời sống người dân khá hơn, qua đó cũng tạo thuận lợi hơn cho lực lượng biên phòng trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới và chủ quyền lãnh thổ.