Cuộc chiến ác liệt
Thượng tá Vũ Tất Đạt, nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, xúc động cho biết, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979 có lẽ là cuộc chiến đấu quy mô nhất, ác liệt nhất, dai dẳng nhất. Cuộc chiến diễn ra ở khắp các cửa ải của hơn 1.449km đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Phía biên kia biên giới đã huy động lực lượng cho cuộc tấn công gồm: 32 sư đoàn bộ binh, trong đó có 6 trung đoàn xe tăng (tương đương 550 chiếc), 4 sư đoàn pháo binh (tương đương 480 khẩu pháo) và 1.260 súng cối. Cùng với đó là 1.700 chiếc máy bay, 200 tàu chiến thuộc hạm đội Nam Hải sẵn sàng yểm trợ theo yêu cầu của chiến dịch.
Thượng tá Vũ Tất Đạt nói rằng, phía bên kia biên giới gồm 2 quân khu (quân khu Quảng Châu do tướng Dương Thế Hữu chỉ huy hướng tấn công Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh; quân khu Côn Minh do tướng Dương Đắc Chí chỉ huy hướng tấn công Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang). Trong khi đó, phía ta phải đối phó với chiến lược biển người của Trung Quốc. Trước khi 3 sư đoàn chủ lực chuẩn bị ra đòn phản công ở Lạng Sơn, ta đã bí mật tổ chức một mũi tấn công khác đột ngột thọc sâu và làm cho địch choáng váng. Đòn này như một lời cảnh báo quân xâm lược nên mau chóng rút về nước.
Cũng tại buổi gặp mặt, những người lính năm xưa đã ôn lại những kỷ niệm, tháng ngày cùng đồng đội cắm chốt chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Trưởng ban liên lạc Truyền thống bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh, hồi nhớ rằng cuộc chiến tháng 2-1979 là cuộc chiến tranh quy mô lớn nhưng không cân sức, đối phương dùng lực lượng một trung đoàn tăng cường có pháo binh yểm trợ và dân binh tại chỗ dẫn đường, đông gấp 20 lần quân ta để tràn qua biên giới, đánh chiếm và tiêu diệt đồn biên phòng Pò Hèn. Nhưng các chiến sĩ của ta đã dũng cảm, kiên cường, bám trụ, chiến đấu, bị thương vẫn không rời trận địa, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch.
“Trong suốt 5 giờ 30 sáng ngày 17-2 đến 10 giờ Pò Hèn mới ngừng tiếng súng, 43 cán bộ chiến sĩ và 27 tự vệ nông, Lâm trường Hải Sơn và 1 nhân viên ngành thương nghiệp hy sinh. Máu của họ đã thấm sâu vào vùng đất biên cương, một cột mốc bằng máu của người chiến sĩ biên phòng, “bài ca giữ đất” đã chìm sâu vào đất mẹ”, đại tá Vinh bồi hồi nói với hàng trăm đồng đội của mình. Những gương liệt sĩ tiêu biểu đó là Đồn phó Đỗ Sĩ Họa, Chính trị viên Phạm Xuân Tảo, chiến sĩ Nguyễn Tiến Cờ, Nguyễn Mạnh Hà, Đoàn Tiến Phúc, Nguyễn Văn Mấp, Hoàng Văn Lượng, nữ tự vệ thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm…
Khẳng định lại truyền thống kiên cường của bộ đội biên phòng, đại tá Nguyễn Quang Vinh cho biết, trong cuộc chiến tranh biên giới kéo dài tới 10 năm đó, các chiến sĩ biên phòng vẫn vững vàng ở tuyến đầu, chiến đấu kiên cường, oanh liệt của thời kỳ lịch sử ấy mãi mãi cho hôm nay và mai sau. Các đồn biên phòng như Pò Hèn, Đại đội 6 cơ động, các đơn vị Đồn 207, 212, 211…
Không cầm nổi những giọt nước mắt đã nhiều lần khóc cạn vì những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương, lãnh thổ Tổ quốc cách đây tròn 40 năm, ông Phạm Quốc Khương (ở Cẩm Phả, Quảng Ninh, nguyên chiến sĩ Đồn biên phòng Hoành Mô, Quảng Ninh) đã nghẹn ngào nhắc lại trận chiến đấu ác liệt giữ vững đỉnh cao Ba Lanh, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu cách đây 40 năm trước sự tấn công của kẻ địch đã khiến 6 đồng đội của ông hy sinh anh dũng. Và sau trận chiến đấu quả cảm đó, ông Khương đã vinh dự được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn vào tháng 3-1979 và được lên chức phó đồn Hoành Mô.
Ký ức không phai
Vào chiều tối 16-2, hàng chục cựu chiến binh của Đồn biên phòng Pò Hèn qua nhiều thời kỳ, thanh niên xung phong đã có cuộc “hành quân” để hội ngộ tại nhà cựu chiến binh Hoàng Như Lý (ở TP Móng Cái) cùng nhau ôn lại những năm tháng cầm súng chiến đấu ác liệt, gian khổ bảo vệ biên giới lãnh thổ Tổ quốc. Vượt hơn 100km từ huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng về gặp mặt các đồng đội, bà Nguyễn Thị Thê, cựu thanh niên xung phong ở Pò Hèn phấn khởi tay bắt mặt mừng với các đồng đội. Bà Thê là thanh niên xung phong đóng tại đồn biên phòng Pò Hèn những năm 1977-1979. Vào đầu năm 1979, khi biết được tình hình biên giới nóng lên hàng ngày, bà Thê và các thanh nhiên xung phong khác tổ chức tập cải trang cho bộ đội biên phòng đề phòng địch có thể bắt. “Giờ được gặp lại những đồng đội của mình, lòng thấy nhẹ và vui. Hiện những ai còn sống thì vào hội để cùng nhau chia sẻ về cuộc sống, về công việc…” - bà Thê nói.
Cũng như bà Thê, ông Trần Văn Liệu, thương binh hạng 3, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng bắt xe khách vượt hơn 200km để được về gặp lại đồng của mình. Ông cho biết, năm 1979, ông là chiến sĩ đồn 214 (đồn Lang Khê), nhiệm vụ của đồn là bảo vệ cột mốc số 17 đến 23 với chiều dài hơn 20km. Năm đó, để đảm bảo an toàn trước tình hình chiến sự, người dân địa phương không được sống xung quanh khu vực đồn. “Mặc dù chúng tôi không trực tiếp chiến đấu, nhưng là hậu cứ để yểm trợ các đơn vị, gặp lại nhau giờ đây mỗi người một cuộc sống, nhưng ai cũng vui khỏe, cảm thấy tự hào là chiến sĩ biên phòng”, ông Liệu xúc động.
Trong khi đó, ông Trần Văn Tấn, 62 tuổi, chiến sĩ Đồn 209 (Pò Hèn) những năm 1979 cho biết, sáng 13-1-1979, đây là trận đánh đầu tiên của địch vào khu vực đồn, ông và chiến sĩ lái xe tên Liên được giao nhiệm vụ chở nhu yếu phẩm về đơn vị, trên đường đi bị địch phục kích, nhiệm vụ của ông là bảo vệ bằng được xe chở lương thực cho bộ đội. “Tôi bị thương từ 8 giờ sáng ngày 13-1 nhưng phải tới 10 giờ đêm mới được đi cấp cứu, dù sao nhiệm vụ bảo vệ xe chở hàng vẫn là trên hết, chúng tôi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, sau khi được đồng đội yểm trợ. Năm nay, đúng 40 năm mới gặp lại nhau, ai cũng mừng, cũng vui và phấn khởi, với ước vọng của chúng tôi biên giới luôn là nơi thiêng liêng nhất” - ông Tấn bày tỏ.
Lặn lội từ tận quê lúa Thái Bình ra mảnh đất địa đầu Móng Cái, thương binh Trần Văn Lãm (65 tuổi) đã đưa theo anh con trai năm nay đã 34 tuổi đi cùng để giúp lớp trẻ được hiểu hơn về những đồng đội của cha đã chiến đấu kiên cường giữ từng tấc đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc cách đây tròn 4 thập niên. Đồng thời cũng bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ tới những đồng đội của mình đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc .