Nhờ lực đẩy của các cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm CP tài chính, ngân hàng như EVS, CTS, HCM, IVS, VIX, SSI, BID, NVB, VCB hay TPB… đều đồng loạt tăng giá mạnh 1,7% - 3,7%. Ngoài ra, hàng loạt CP trụ cột khác trên thị trường như VHM, MWG, VCS, VRE... cũng đồng thuận tăng giá kéo VN-Index tăng gần 6 điểm. Thêm vào đó, khối ngoại đã mua ròng 52,4 tỷ đồng cũng là điểm sáng giúp thị trường tăng điểm.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,47 điểm (0,56%) lên 984,06 điểm với 189 mã tăng, 131 mã giảm và 52 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,38 điểm (0,37%) lên 102,32 điểm với 94 mã tăng, 51 mã giảm và 49 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp. Tổng khối lượng giao dịch trên hai sàn niêm yết đạt gần 168 triệu CP, trị giá 3.500 tỷ đồng.
Giá vàng thế giới liên tục giảm do thông tin tích cực về đàm phán thương mại Mỹ - Trung, kéo giá vàng trong nước xuống dưới 42,7 triệu đồng/lượng. Ghi nhận giá vàng vào cuối giờ chiều, giá vàng SJC được Công ty SJC niêm yết ở mức 42,3 triệu đồng mua vào và 42,65 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng/lượng cả 2 chiều cho với hôm trước.
Cùng thời điểm tại Hà Nội, Tập đoàn Doji báo giá vàng ở mức 42,29 triệu đồng/lượng mua vào và 42,68 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng chiều mua nhưng giảm 300.000 đồng chiều bán. Như vậy, chỉ trong tháng 8-2019, giá vàng SJC đã tăng gần 3 triệu đồng/lượng trong tháng 8 này. Có thời điểm, giá vàng miếng đạt 43,2 triệu đồng/lượng, cao nhất 7 năm.
Giá vàng thế giới trong phiên đêm ngày 29-8 tại Mỹ có giá chốt phiên giảm 11,6 USD/Ounce, xuống còn 1.528,1 USD/Ounce. Trên thị trường châu Á vào khoảng 10 giờ ngày 30-8 (giờ Việt Nam) giá vàng giảm 2,4 USD/Ounce so với đóng cửa tại New York, xuống còn 1.525,7 USD/Ounce. Mức giá này sau khi quy đổi tương đương với vàng SJC trong nước. Tính từ đầu tháng, giá vàng thế giới cũng tăng gần 8% do thương chiến Mỹ - Trung leo thang.