Sáng 17-4, đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã có buổi làm việc với UBND quận Bình Tân về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ hộ gia đình.
Bà Cao Thanh Tuyền, Phó Phòng GD-ĐT quận Bình Tân cho biết, tình trạng dân nhập cư đông nhưng tốc độ xây dựng trường mầm non công lập không kịp đáp ứng khiến cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại quận Bình Tân phải gánh đỡ đến 73,1% nhu cầu gửi con của người dân.
Cụ thể, năm học 2017-2018, quận Bình Tân có 348 cơ sở giáo dục mầm non; trong đó có 22 trường công lập, 64 trường ngoài công lập và 262 nhóm lớp độc lập, tư thục.
Bên cạnh đó, địa phương còn có 72 nhóm trẻ gia đình đang hoạt động với 403 trẻ. Theo báo cáo của UBND quận, trong vòng hai năm trở lại đây, quy mô phát triển trường, lớp có sự tăng dần về số lượng, trung bình mỗi năm tăng 10-15 cơ sở.
Đoàn giám sát đã đến thăm nhóm trẻ hộ gia đình của bà Lê Thị Nhim và bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Bình Trị Đông B), mỗi nhóm giữ 3 trẻ nhưng độ an toàn cho trẻ không cao. Trong nhà, vị trí ổ điện, bếp gas thấp, không gian thiếu ánh sáng, không có đồ chơi dành cho trẻ. Đồ ăn phụ huynh gửi không được bảo quản trong tủ lạnh. Thậm chí tại hộ bà Nguyễn Thị Hạnh không đảm bảo vệ sinh, rửa sạch ngay bình sữa sau khi cho trẻ uống... Bản thân bà Hạnh vừa trông trẻ lại vừa bán quán nước...
Lý giải khó khăn này, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân thừa nhận: Bình Tân đang phải đối diện với áp lực lớn về gia tăng dân số. Năm 2018 địa bàn có 740 ngàn dân, trong đó dân nhập cư chiếm đến 65%. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng trường mầm non công lập không đáp ứng kịp khiến cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tồn tại ở nhiều loại hình. Về lâu dài, quận Bình Tân sẽ xóa dần các hộ trẻ gia đình, thay vào đó khuyến khích các nhóm, lớp phát triển lên thành trường.
Ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM ghi nhận công tác quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập của Bình Tân nhưng trước những hạn chế còn tồn đọng, ông Lưu đề nghị quận Bình Tân cần tăng cường công tác giám sát, quản lý, đặc biệt nhóm trẻ hộ gia đình.
Ông Lưu đề nghị đối với những cơ sở chật hẹp cần mở rộng không gian hoặc giảm số trẻ, kiên quyết không cho hoạt động khi không đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, phải tăng cường vận động tuyên truyền phụ huynh gửi trẻ vào cơ sở an toàn; bồi dưỡng chuyên môn, đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ cũng như quản lý an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm... chặt chẽ hơn.