Cuộc tọa đàm đã trở thành cơ hội để các doanh nghiệp “kể khổ” và ý kiến từ những người đang lăn lộn với đường thủy nội địa đã lý giải được phần nào lý do vì sao vận tải thủy nội địa nhiều năm nay không thể phát triển dù được thiên nhiên ưu đãi.
Đại diện Công ty Thuận Hải cho biết, trong lĩnh vực vận tải thủy, hiện nhiều cơ quan chức năng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Vị này chia sẻ: “Trước tôi làm quản lý, không để ý lắm vấn đề này nhưng giờ chuyển sang doanh nghiệp thì “đúng là điên đầu”. Hiện doanh nghiệp 1 cổ 10 tròng, chứ không phải 3 tròng nữa”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, cho biết, hiện người làm nghề vận tải thủy đang nộp đủ các sắc thuế và lệ phí: từ đăng ký kinh doanh, đăng ký phương tiện, vùng nước, bến cảng, cảng phí, rồi phí đường dài… Phí chồng phí làm cho đường thủy nội địa bị trì kéo nặng nề.
Dẫn chứng việc các doanh nghiệp đang bị “hành”, ông Liêm cho biết, hiện nay có nhiều cung đường chính bình quân chỉ 14-15km lại có một trạm kiểm soát. Đơn cử, cung đường Đồng Tháp - Tiền Giang - Long An - TPHCM dài 175km nhưng có tới 13 trạm. Qua các trạm này đều tốn thời gian và chi phí khá cao. Trong khi lẽ ra, mỗi tỉnh chỉ nên đặt 1-2 trạm kiểm tra đường thủy trên một tuyến, khoảng cách các trạm nên được kéo giãn khoảng 50km… Trong khi các doanh nghiệp chật vật vì các sắc thuế và lệ phí, hạ tầng đường thuỷ lại hầu như không được quan tâm đầu tư.
Tại cuộc tọa đàm, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông - Vận tải), cho biết có khoảng hơn 1/2 số cầu đường sắt, đường bộ, cầu dân sinh bắc qua các tuyến đường thủy quốc gia hiện không đủ tĩnh không hoặc cầu cũ, cầu yếu có thể gãy sập bất cứ lúc nào khi các phương tiện thủy nội địa đi qua. Bên cạnh đó, hệ thống báo hiệu trên các tuyến chưa đủ về số lượng, tính năng, chức năng để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, dẫn đến năng lực chuyên chở vận tải của phương tiện giảm.
Tại hội nghị toàn quốc về logistics vừa diễn ra, Bộ GTVT cho biết, từ nay đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng vận tải thủy nội địa từ hơn 17% hiện nay lên hơn 32%. Tuy nhiên, với thực trạng như các doanh nghiệp nêu ra, nếu các cơ quan quản lý không khẩn trương tháo gỡ, e rằng mục tiêu của Bộ GTVT khó thành hiện thực.