Vẫn rối thu, chi đầu năm học

Từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh tình trạng triển khai các khoản thu không đúng quy định. Tuy nhiên, nỗ lực của một mình ngành giáo dục thôi chưa đủ mà cần sự chung tay quản lý của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Đấu thầu khiến tăng chi phí

UBND quận 3 vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tổ chức hoạt động phụ trợ và lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Theo đó, đối với các hoạt động phụ trợ như căn tin, bãi giữ xe, trường học tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị có chức năng thực hiện. Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động phụ trợ sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan thì phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp đơn vị thực hiện đấu giá cho thuê tài sản công thì phải lập đề án, báo cáo cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

R4c.jpg
Học sinh Trường THCS Bình Trị Đông B (quận Bình Tân, TPHCM) trong niềm vui chào đón năm học mới

Trước đó, Phòng Kế hoạch - Tài chính quận 1 có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định đấu thầu đối với dịch vụ cung ứng thực phẩm và tổ chức các hoạt động dịch vụ trong trường học. Cụ thể, những nội dung mua sắm có giá trị không quá 50 triệu đồng/năm học, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định pháp luật.

Riêng đối với trường hợp phải đấu thầu, chi phí đấu thầu bao gồm chi phí lập hoặc thẩm định kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu; chi phí lập, thẩm định hồ sơ; chi phí đánh giá hồ sơ; chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc quản lý, sử dụng các chi phí nói trên thực hiện theo cơ chế tài chính của đơn vị.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, hoạt động phụ trợ, dịch vụ giáo dục trong trường học có đặc thù riêng bởi yêu cầu cao về chất lượng phục vụ, đòi hỏi tính liên tục và ổn định trong suốt quá trình tổ chức. Nếu trường tự đứng ra thực hiện thì tiết kiệm được chi phí, nhưng nhân lực và trình độ chuyên môn không cho phép. Ngược lại, nếu tổ chức đấu thầu chọn đơn vị thực hiện sẽ khiến chi phí đội lên, dẫn đến tăng mức thu, gây ảnh hưởng quyền lợi người học.

Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM), hoạt động phụ trợ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường nếu thực hiện theo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, không để kết toán dư thì không nằm trong các đối tượng phải tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, Luật Đấu thầu khuyến khích đơn vị tổ chức đấu thầu tùy theo điều kiện thực tế nhằm mục đích công khai, minh bạch tài chính, đồng thời có lợi cho hoạt động giáo dục của nhà trường. Do vậy, bài toán chi phí buộc các trường phải “liệu cơm gắp mắm” để vừa đảm bảo chất lượng phục vụ vừa tiết giảm tối đa chi phí cho người học.

Thận trọng triển khai các khoản thu

Năm học 2024-2025, thay đổi lớn nhất của việc triển khai các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường công lập trên địa bàn TPHCM là tinh gọn danh sách các khoản thu được quy định mức thu tối đa.

Từ năm học này, áp dụng Nghị quyết 13/2024/NQ-HĐND (ban hành ngày 16-7-2024) thay thế Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND (ban hành ngày 12-7-2023) của HĐND TPHCM về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục công lập.

Trong đó, quy định mức thu tối đa chỉ áp dụng đối với 9 khoản thu, các khoản thu còn lại sẽ do trường học xây dựng dự toán thu, chi, với yêu cầu không vượt quá 15% mức thu của năm học trước. Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện ban hành hướng dẫn thu, chi đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý. Trường học chỉ được triển khai các khoản thu sau khi có văn bản hướng dẫn của địa phương về hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác.

Thời điểm hiện tại, quận Tân Bình đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến hiệu trưởng các đơn vị trường học. Phòng GD-ĐT đã phối hợp Phòng Kế hoạch - Tài chính thống nhất văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu, mức thu trong năm học 2024-2025, hiện đang chờ UBND quận phê duyệt. Tại các địa phương khác như quận 8, quận Gò Vấp, dự thảo hướng dẫn thực hiện các khoản thu đang được lấy ý kiến các trường học trước khi trình UBND quận phê duyệt.

Song song đó, trường học cũng tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về các khoản thu, mức thu dự kiến thực hiện trong năm học để báo cáo phòng GD-ĐT. Ghi nhận chung cho thấy, hầu hết các khoản thu giữ ổn định so với năm học trước, đề xuất tăng tập trung ở 2 dịch vụ là suất ăn bán trú và chuyển đổi số trong trường học.

Riêng đối với việc thực hiện công trình vận động, tài trợ, phòng GD-ĐT yêu cầu các trường học rà soát, báo cáo kết quả thực hiện vận động, tài trợ năm học 2023-2024 trước khi triển khai công trình mới trong năm học này.

Nếu hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, THCS làm sai sẽ bị phòng GD-ĐT xử lý, riêng hiệu trưởng trường cấp THPT làm sai sẽ do Sở GD-ĐT TPHCM xử lý. Chúng ta cần quyết liệt như vậy, vừa vì quyền lợi của học sinh vừa để bảo vệ danh dự nhà giáo

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Tin cùng chuyên mục