Vẫn quy định cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhưng đơn giản hóa quy trình

Chiều 5-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Đối với khoáng sản nhóm 4 (khoáng sản làm vật liệu xây dựng), Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất vẫn quy định cấp phép, nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến quản lý khoáng sản nhóm 4, có ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, tránh tạo khoảng trống pháp lý dẫn đến vi phạm, ảnh hưởng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Cùng với đó, cần xem xét cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm 4 thay vì thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB), UBTVQH và Chính phủ đã thống nhất theo hướng vẫn quy định cấp phép nhưng đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với khoáng sản nhóm 4 nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

ĐB Dự.jpg
Đại biểu Quốc hội dự họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bên cạnh đó, để giải quyết nút thắt về quy hoạch và tháo gỡ triệt để vướng mắc về quy trình, dự thảo luật quy định không đưa khoáng sản nhóm 4 vào quy hoạch tỉnh.

Ngoại trừ một số dự án (quy định tại khoản 2, Điều 74 dự thảo) không phải thực hiện các yêu cầu lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản để thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; không phải thực hiện thủ tục thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, các dự án khác vẫn phải thực hiện đầy đủ yêu cầu theo quy định, bảo đảm chặt chẽ.

Về ý kiến đề nghị bổ sung nội dung định giá quyền khai thác khoáng sản, UBTVQH cho rằng, kết quả định giá quyền khai thác khoáng sản là một trong những thông tin để xác định giá khởi điểm phục vụ công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, việc quy định nội dung này trong dự thảo luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết là chưa khả thi tại thời điểm này. Do vậy, trước mắt, UBTVQH đề nghị không quy định định giá quyền khai thác khoáng sản; đề nghị Chính phủ nghiên cứu thấu đáo, đề xuất giải pháp trong thời gian tới.

NGHĨA %.jpg
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM). Ảnh: VIẾT CHUNG

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, việc phân loại khoáng sản thành 4 nhóm như dự thảo có phần chưa hợp lý, chưa căn cứ vào công dụng của khoáng sản. Đặc biệt, ĐB đề nghị bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc “sử dụng tiết kiệm tài nguyên và không để lại gánh nặng cho thế hệ sau”.

ĐB Vũ Ngọc Long (Bình Phước) bày tỏ băn khoăn về quy định không phát triển dự án trên vùng mỏ khoáng sản. Lưu ý đặc điểm phân bố của khoáng sản bauxite (rất rộng, trải dài qua nhiều địa phương, nhưng giá trị không lớn), nếu áp dụng quy định trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội địa phương; ĐB đề nghị vẫn cho phép xây dựng công trình giao thông, công trình sản xuất… trên vùng khoáng sản này, phân kỳ khai thác sau.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chia sẻ: “Khi lập quy hoạch khoáng sản bauxite cần điều tra, nghiên cứu rất kỹ hiện trạng, đảm bảo nguồn lực đất đai được khai thác hiệu quả, bền vững nhất”. Nhiều ĐB đến từ các tỉnh có loại khoáng sản này có cùng trăn trở với các ĐB Vũ Ngọc Long, Dương Khắc Mai.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì lưu ý đến độ “vênh” giữa dự thảo luật này với Luật Quy hoạch hiện hành. “Có những nội dung trong Luật Quy hoạch mà luật này lại không có. Ngược lại, cũng có những quy định trong luật này không khớp với Luật Quy hoạch”, ông nói và đề nghị điều chỉnh các nội dung về quy hoạch trong luật sửa đổi bổ sung 4 luật, trong đó có Luật Quy hoạch.

ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phản ánh, thời gian cấp phép khai thác khoáng sản tương đối ngắn, gây phiền hà cho các doanh nghiệp khi phải gia hạn giấy phép. Bà đề nghị quy định thời hạn khai thác không quá 50 năm và gia hạn không quá 15 năm.

“Nếu cơ quan soạn thảo, thẩm tra không tiếp thu thì đề nghị xin ý kiến bằng phiếu của ĐB”, bà Đỗ Thị Lan phát biểu.

Tin cùng chuyên mục