Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.
Đối với địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND là cơ quan tương đương cấp Sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực HĐND và Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH và HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu của HĐND, đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Về cơ cấu, tổ chức, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được tổ chức thành các phòng gồm: Phòng Công tác Quốc hội; Phòng Công tác HĐND; Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.
Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng phòng trực thuộc sau khi xin ý kiến của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND cấp tỉnh. Phòng có thể có Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng. Số lượng Phó Trưởng phòng được quy định cụ thể như sau: Phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội và TPHCM có ít hơn 10 biên chế công chức, phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh loại I có ít hơn 9 biên chế công chức, phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh loại II và loại III có ít hơn 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng;
Phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội và TPHCM có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh loại I có từ 9 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng;
Phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.
Biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Biên chế ĐBQH và đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không thuộc biên chế công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh mà thuộc biên chế khối lãnh đạo các cơ quan dân cử ở địa phương trong tổng số lượng biên chế cán bộ, công chức của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó.
Về chế độ làm việc, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên.
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh là người đứng đầu, điều hành công việc chung của Văn phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND cấp tỉnh và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng. Các Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Chánh Văn phòng.