Dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vừa được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều ngày 18-9.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở ý kiến góp ý của đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tại Hội nghị ở 3 miền Bắc, Trung, Nam và sau khi trao đổi, thống nhất trong Ban soạn thảo, Văn phòng Quốc hội đề xuất tên gọi của Văn phòng chung sau sáp nhập là “Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân”.
“Tên gọi mặc dù có hơi dài nhưng có thể khắc phục bằng cách viết tắt khi trình bày văn bản hoặc khi khắc dấu”, Tổng Thư ký giải trình thêm.
Về vị trí, chức năng của Văn phòng, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ quan cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương. Đặc biệt, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh: Văn phòng là cơ quan tương đương cấp Sở tại địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.
Về nhiệm vụ, Văn phòng chung thực hiện toàn diện nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện có hiệu quả, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Đề án cũng đề xuất Văn phòng chung có Chánh Văn phòng, các Phó Chánh Văn phòng và các đơn vị trực thuộc. Trong thời gian thực hiện thí điểm, số lượng Phó Chánh Văn phòng không vượt quá số lượng cấp phó hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi hợp nhất.
Kể từ năm 2020, số lượng Phó Chánh Văn phòng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không quá 4 người; đối với thành phố Hà Nội và TPHCM không quá 5 người.
Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp và Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình hoạt động, Đề án đề xuất địa phương được chủ động lựa chọn 1 trong 2 phương án. Phương án 1 là thành lập không quá 11 phòng và đơn vị theo đối tượng phục vụ, trong đó có 10 phòng có quy định cụ thể và 1 phòng đặc thù do cấp có thẩm quyền thành lập xem xét, quyết định theo yêu cầu đặc thù của địa phương. Phương án 2 là thành lập 7 phòng và đơn vị theo nội dung, tính chất công việc.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định cho biết, UBPL cơ bản tán thành với quy định về vị trí, chức năng của Văn phòng chung, vì có sự kế thừa vị trí pháp lý hiện nay của 3 Văn phòng cấp tỉnh - đều được coi là cơ quan tương đương cấp sở. Việc quy định Văn phòng chung là cơ quan trực thuộc UBND là hợp lý, tạo được sự thuận lợi trong công tác quản lý biên chế, kinh phí và cơ sở vật chất của Văn phòng; đồng thời cũng thể hiện sự thống nhất với cách xác định địa vị pháp lý hiện hành của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện (cũng là cơ quan trực thuộc UBND cấp huyện).
Tuy nhiên, riêng quy định Văn phòng chung không phải là cơ quan chuyên môn, nhiều ý kiến thành viên UBPL đề nghị cân nhắc, vì nếu xác định Văn phòng chung không phải là cơ quan chuyên môn thì các nhiệm vụ chuyên môn do Văn phòng UBND đang thực hiện theo quy định hiện hành (như công tác dân tộc, công tác ngoại vụ) sau khi sáp nhập sẽ phải chuyển giao cho cơ quan khác thực hiện.
“Mặt khác, Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ “cơ quan hợp nhất bảo đảm thực hiện toàn diện, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sáp nhập”. Do đó, ý kiến này cho rằng, Đề án và dự thảo Nghị quyết không cần thiết phải quy định Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND không phải là chuyên môn mà chỉ cần quy định Văn phòng này là cơ quan tương đương cấp sở, trực thuộc UBND cấp tỉnh và có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh với toàn bộ các chức năng, nhiệm vụ hiện hành như đã được pháp luật xác định rõ ràng”, người đứng đầu UBPL lập luận.
Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ một số băn khoăn về vị trí, chức năng của Văn phòng chung, nếu vẫn giữ chức năng tham mưu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Đúng là khi gộp cả cơ quan tham mưu của cơ quan được giám sát và cơ quan giám sát thì về lâu dài khó tránh được bất cập”.
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ Phan Thanh Bình cũng cho rằng, cần cân nhắc để Văn phòng chung đảm bảo được chức năng kiểm soát quyền lực.
Ông Phan Thanh Bình cũng nhấn mạnh yêu cầu sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm trước khi sửa đổi, bổ sung Luật về vấn đề này.
“Đúng là nên làm thí điểm dứt điểm trong năm 2019, rồi đánh giá lại, ổn thì quyết định làm tiếp, không thì dừng và giải trình rõ tại sao”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải bày tỏ tán thành. Ông Hải cũng thẳng thắn khuyến cáo, việc sáp nhập sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí hoạt động, nhưng sẽ có một số khó khăn trong kiểm soát quyền lực và “có thể anh em có một số tâm tư”.
Thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |