Báo cáo được đưa ra nhân sự kiện ra mắt nền tảng dữ liệu toàn cầu đầu tiên về khai thác trầm tích trong môi trường biển có tên Marine Sand Watch, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và giám sát các hoạt động nạo vét cát, đất sét, bùn, sỏi và đá trong môi trường biển trên thế giới.
Theo UNEP, hoạt động nạo vét - đặc biệt với tốc độ hiện nay tương đương với khoảng 1 triệu xe tải mỗi ngày - làm xáo trộn trầm tích biển, gây ô nhiễm nước biển và cuối cùng có thể làm ô nhiễm nước uống vì khai thác ven biển hoặc gần bờ, ảnh hưởng đến sự nhiễm mặn của các tầng chứa nước. Việc khai thác này sẽ gây thiệt hại nặng nề đối với đa dạng sinh học đáy biển và cộng đồng ven biển, cản trở các hoạt động kinh tế như đánh bắt cá.
Cát, nguồn tài nguyên quý giá cho các ngành công nghiệp như xây dựng, là nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác nhiều nhất trên thế giới sau nước. Cát cũng là nguồn tài nguyên quan trọng cho các cộng đồng ven biển khi đối mặt với mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão và cuồng phong. Một số điểm nóng nạo vét cát hiện nay như khu vực Biển Bắc, Bờ Đông nước Mỹ và Đông Nam Á. Báo cáo về cát và tính bền vững của UNEP năm ngoái cũng kêu gọi tăng cường giám sát việc khai thác, tìm nguồn cung ứng, sử dụng và quản lý cát, phần lớn vẫn chưa được quản lý ở nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, các thông lệ quốc tế và khung pháp lý đối với khai thác cát rất khác nhau. Một số quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia đã cấm xuất khẩu cát biển trong 20 năm qua, trong khi những quốc gia khác thiếu luật hoặc chương trình giám sát hiệu quả.