Theo nhà sáng lập Công ty Tình báo mạng Cyble, ông Beenu Arora, việc nhiều người muốn tới các điểm giải trí, đi du lịch, ra nước ngoài... nhưng không muốn tiêm chủng, hoặc cũng có thể chưa được tiêm chủng, đã tạo cơ hội cho hàng trăm trang web đen mọc lên để bán các “hộ chiếu vaccine” giả.
Bên cạnh các phát hiện của Công ty An ninh mạng Check Point, chuyên gia bảo mật cấp cao Chad Anderson tại Công ty Tình báo về mối đe dọa trực tuyến DomainTools, cũng cảnh báo các giấy tờ tiêm chủng giả mạo đã xuất hiện trên các trang web thông thường và các nền tảng thương mại điện tử.
Điều tra của cảnh sát Mỹ cho thấy, trên trang bán lẻ eBay, khách hàng có thể tìm thấy giấy chứng nhận tiêm chủng được quảng bá là “hàng chuẩn” với giá chỉ 9 - 11USD. Tại Đức, cuối tháng 5 vừa qua, Cục Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã phát hiện các giấy tờ giả mạo đầu tiên. Xu hướng lừa đảo này ngày càng gia tăng khi chính quyền nới lỏng hạn chế đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19. Cơ quan Công tố TP Munich cho hay, việc làm giả rất đơn giản, bởi có thể dễ dàng mua hợp pháp sổ tiêm chủng mới, cũng như sao chép các con dấu của bác sĩ trên mạng internet.
“Chợ đen” giấy chứng nhận tiêm chủng giả cũng phát triển mạnh tại Nga, đặc biệt sau khi chính quyền TP Moscow quy định chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công phải đảm bảo 60% nhân viên tiêm phòng trong vòng một tháng, nếu không sẽ đối mặt với án phạt hành chính, đồng thời các quán bar và nhà hàng chỉ phục vụ người đã tiêm vaccine. Đáng lưu ý, vấn nạn này đang lan tới châu Á. Cảnh sát thủ đô Phnom Penh, Campuchia hồi tháng 5 vừa qua đã bắt giữ 2 người buôn bán giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 giả. Hai đối tượng này khai nhận bán giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine với giá khoảng 2,5USD…
Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang North Carolina (Mỹ) Josh Stein nhận định, tình trạng làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng ngày càng tăng, có nguy cơ đe dọa an toàn của cộng đồng, cũng như nỗ lực tiêm chủng đại trà ở các nước. Bên cạnh những rủi ro dịch tễ, việc mua bán các chứng nhận tiêm chủng giả vô hình trung sẽ tạo cơ hội cho tin tặc đánh cắp thông tin và danh tính của cá nhân để khai thác, tiến hành các hoạt động lừa đảo.
Một số ý kiến cho rằng, trong nhiều trường hợp, hành vi khai gian việc tiêm chủng để vào một môi trường có nguy cơ cao, như nhà điều dưỡng hay nơi tập trung đông người, sau đó vô tình lây lan virus, có thể coi là phạm tội. Trước vấn nạn này, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo việc sản xuất chứng nhận tiêm vaccine giả bị quy vào tội làm giả con dấu của chính phủ và người phạm tội này có thể bị phạt tới 5 năm tù. Tại Đức, những người giả mạo hoặc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng/xét nghiệm giả sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù một năm; người cung cấp thông tin dịch tễ sai lệch cũng bị phạt tiền hoặc phạt tù tới 2 năm…
Khoảng 50 quan chức tư pháp tại Mỹ đã kêu gọi những người đứng đầu các trang Twitter, eBay và Shopify khẩn trương hành động để các nền tảng của họ không bị lợi dụng thành nơi rao bán “hộ chiếu vaccine” giả. Trong khi đó, FBI kêu gọi người dân không đăng ảnh chụp giấy chứng nhận tiêm chủng trên nền tảng mạng xã hội, do các thông tin này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để làm giả nhờ các công cụ chỉnh sửa hiện đại. Nhiều chuyên gia đề xuất “hộ chiếu vaccine” nên chứa mã bảo mật trong tem QR, tương tự như “thẻ Xanh” được áp dụng tại Israel...