Lạm phát dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục. Từ hình thức dạy thêm công khai tại nhà, thậm chí mở cả trung tâm dạy thêm - luyện thi đến hình thức dạy thêm "hợp thức" tại các "trung tâm", rồi dạy thêm "có giấy phép" ngay tại trường.
Hiện nay việc quản lý dạy thêm, học thêm đi vào vòng luẩn quẩn, dư luận có nhiều ý kiến đa chiều : kẻ nói cấm, người nói không; kẻ nói lợi, người nói hại; kẻ nói chính đáng, người nói lạm dụng ... Rốt cuộc vấn đề như thế nào ?
Học sinh học thêm tại trường đến 21g mới tan học
Tràn lan và biến tướng
Hiện nay tình trạng dạy thêm, học thêm đang phát triển tràn lan. Trước đây phổ biến ở bậc trung học, bây giờ cả ở bậc tiểu học. Đáng thương cho con trẻ phải học nhồi nhét suốt cả tuần, học như cái máy, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí để tái tạo chất xám, lấy lại cân bằng thể chất và tinh thần. Phụ huynh đã trả học phí, lại còn trả khoản học thêm nặng hơn học phí gấp nhiều lần.
Vấn nạn dạy thêm, học thêm ngày càng biến tướng. Giáo viên chia nhỏ các nhóm học sinh thành năm, bảy em để dạy ở nhà, gọi là dạy kèm. Giáo viên không dạy ở nhà thì đăng ký dạy ở trường, gọi là dạy thêm có tổ chức. Các sở giáo dục đưa dạy thêm, học thêm vào quản lý bằng hình thức yêu cầu giáo viên dạy thêm phải đăng ký, khai báo thời gian, địa điểm dạy thêm, số lượng học sinh, các tiêu chuẩn về phòng ốc, bàn ghế, ánh sáng, học phí, cam kết không dạy học sinh lớp mình đang dạy chính khóa. Thế nhưng trên thực tế, do quản lý còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát nên không tránh khỏi những điều trái quy định như : số lượng học sinh học quá đông, thu tiền học phí cao hơn quy định, dạy học sinh lớp mình dạy chính khóa, dạy trước chương trình, không phân loại học sinh khi chia lớp dạy, dạy bài tập mẫu cho bài kiểm tra ở lớp (một kiểu “bật mí” đề kiểm tra), thiên vị đối với học sinh học thêm ... Ngành giáo dục đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh dạy thêm, học thêm nhưng hiệu quả còn rất hạn chế. Các cơ sở giáo dục hợp thức hóa các quy định về dạy thêm, học thêm bằng văn bản, giấy tờ hơn là chấp hành đúng trong thực tế.
Thông tư 17 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định “học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường”, giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định”, “hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm”.
Thông tư này mở rộng cánh cửa cho dạy thêm - học thêm “có tổ chức”, đưa dạy thêm học thêm vào “quản lý”, công khai. Quy định học sinh “tự nguyện” viết đơn xin đăng ký học thêm, phụ huynh ký xác nhận; hiệu trưởng ký duyệt đơn cho phép giáo viên dạy thêm … rất dễ bị hợp thức hóa. Có học sinh nào học thêm mà dám không chịu viết đơn không ? Đã là giáo viên trong biên chế, ai mà chẳng đủ tiêu chuẩn để dạy thêm (trừ khi đang bị kỷ luật). Giáo viên thì có thu nhập “chính đáng”, nhà trường được trích phần trăm tiền quản lý phí, vậy có hiệu trưởng nào lại không ký đơn cho giáo viên dạy thêm ?
Học sinh viết đơn xin học thêm, nghĩa là các em tự nguyện, nhà trường không bắt buộc. Hiệu trưởng đã duyệt đơn cho phép dạy thêm, nghĩa là giáo viên không tự ý dạy thêm, họ “chính danh”, vì được cấp phép hẳn hoi. Tất cả đều đúng quy định, hợp thức. Học sinh tự nguyện học thêm, phụ huynh đồng ý, vậy còn kêu ca nỗi gì ?
Sự biện hộ
Có quan điểm cho rằng nhu cầu học thêm của học sinh là chính đáng, thu nhập dạy thêm của giáo viên cũng chính đáng, có gì phải cấm? Xin thưa, chỉ cần học thêm 3 môn, lịch học của học sinh sẽ kín cả tuần, các em không có thời gian để tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm cuộc sống. Sự thụ động, rập khuôn sẽ chiếm chỗ trong tư duy của các em, nhất là những em không đủ sức khỏe hoặc lười biếng.
Về thu nhập dạy thêm, chính đáng ra sao khi phụ huynh nghèo phải gồng lên trả tiền học cho con ? Thù lao được hưởng là chính đáng, nhưng đưa học sinh vào tình thế phải đi học thêm là không chính đáng.
Phụ huynh vì mong muốn con em “bằng bạn bằng bè”, sợ giáo viên “phân biệt đối xử” nên phải cho con đi học thêm. Điều đó vô tình thỏa hiệp với dạy thêm, học thêm. Nhiều em học không tệ nhưng phụ huynh muốn con em mình phải học khá, giỏi, ép các em đi học thêm nhiều môn, vô hình trung vừa biến các em thành nạn nhân của bệnh thành tích, vừa tiếp tay cho dạy thêm, học thêm. Có học sinh sợ giáo viên bộ môn “phân biệt đối xử” nên dù đã học thêm giáo viên bên ngoài, vẫn học thêm giáo viên đang dạy chính khóa trên lớp.
Chương trình học quá tải cũng là nguyên nhân khiến học sinh phải đi học thêm. “Tiêu hóa” chưa hết kiến thức vừa học, các em phải “nạp” thêm nhiều kiến thức khác, vậy là sinh ra “bội thực” kiến thức, rồi tìm đến học thêm như một “cứu cánh”.
Có người lên diễn đàn báo chí biện hộ cho dạy thêm, học thêm, xem học thêm là như cầu chính đáng của học sinh, “có cầu ắt có cung”. Nạn lạm dụng dạy thêm, học thêm đang bị xã hội lên án, vì nó gây tốn kém thời gian, tiền bạc vô ích, làm cho học sinh học hành căng thẳng và hình thành tâm lý ỷ lại, học tập thiếu động não, mất dần khả năng tự học, tự nghiên cứu. Nên nhớ khả năng tự học, tự nghiên cứu là điều rất cần trong giáo dục, bồi dưỡng nhân tài.
Mức lương giáo viên chưa phù hợp cũng là một nguyên nhân khác của dạy thêm, học thêm. Một sự thật quá phũ phàng, lương nhà giáo hiện nay xếp thứ … 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Một giáo viên THPT (đạt chuẩn) đứng lớp thời gian 12 năm có mức lương chỉ 5 triệu đồng (kể cả phụ cấp đứng lớp), thực là khó “sống bằng lương” trong thời bão giá này. Một số giáo viên dạy thêm cũng vì miếng cơm manh áo, dạy được lớp nào thì dạy, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng cũng không ít giáo viên có nguồn thu nhập đáng kể từ dạy thêm, thu nhập vài chục triệu một tháng, thậm chí gấp đôi, gấp ba, nhất là mùa luyện thi. Đây là phần nổi của “tảng băng trôi”, được công khai, còn bao nhiêu giáo viên Toán, Lý, Hóa khác dạy thêm lén lút hoặc núp bóng “dạy thêm do nhà trường tổ chức”, đăng ký dạy thêm ở trường một vài lớp nhưng ở nhà dạy năm, bảy lớp nữa. Hiện tượng này là gì, nếu không phải “làm kinh tế” trong giáo dục ?
Vậy thì dễ có chuyện dạy thêm trở thành dạy chính. Mỗi khi đồng tiền chi phối thì tiêu cực rất dễ nảy sinh, nếu người ta không làm chủ nó. Bao giờ giáo viên chưa “sống được bằng lương”, lấy dạy thêm cải thiện thu nhập hoặc lợi dụng dạy thêm để trục lợi thì vẫn còn đó vấn nạn dạy thêm, học thêm.
Giám sát và chế tài
Thiết nghĩ, để chấm dứt dạy thêm, học thêm, trước hết phải thay đổi từ gốc, đó là chương trình dạy học. Chương trình phải được giảm tải, vừa sức học sinh, coi trọng kỹ năng ứng dụng và thực hành, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhà trường, gia đình và xã hội không chạy theo thành tích. Phụ huynh không thỏa hiệp, tiếp tay cho dạy thêm, học thêm. Không tổ chức dạy thêm trong trường, thay vào đó là dạy bồi dưỡng đối với học sinh giỏi, phụ đạo đối với học sinh yếu, kém. Cần động viên, khuyến khích học sinh tự học ở nhà. Những năm gần đây xuất hiện nhiều thủ khoa đại học là học sinh nông thôn, tự học, không học thêm. Điều đó cho thấy, nếu học sinh có kỹ năng tự học, sẽ học rất giỏi, đạt thành tích cao.
Để quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm, nhân dân phải là người giám sát thông qua các mặt trận đoàn thể của địa phương, không để ngành giáo dục vừa “đá bóng vừa thổi còi”.
Hiện nay chế tài xử lý dạy thêm sai quy định (theo Điều 7 Nghị định 138/2013/NĐ - CP), xử phạt vi phạm hành chính từ 4 đến 6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép là quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Đối với giáo viên dạy thêm thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng thì với mức phạt trên, họ “sẵn sàng” chấp nhận đánh đổi, bất quá thì một năm không đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” (tiền thưởng bằng 0.3 lần mức lương tối thiểu chung, tức 1.210.000 đồng X 0.3 = 363.000 đồng !). Đó là chưa nói hiện tượng lãnh đạo nhà trường bao che, “làm ngơ” cho giáo viên dạy thêm dưới danh nghĩa vì “đời sống” của anh chị em giáo viên (và tất nhiên cũng vì “có qua có lại” nữa).
Chế tài xử phạt dạy thêm cần mạnh hơn, đặc biệt cần thêm quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu khi để tổ chức, cá nhân trong đơn vị thực hiện sai quy định về dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, việc cải thiện mức lương nhà giáo theo mức ưu tiên cao nhất (trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp) cũng là biện pháp lâu dài, ổn định để vấn nạn dạy thêm, học thêm không còn diễn ra.
Không còn nghi ngờ gì nữa, lạm phát dạy thêm học thêm tạo sự căng thẳng về học tập đối với học sinh, đánh mất khả năng tự tin, khả năng tự học, tự nghiên cứu của các em; tạo gánh nặng về chi phí đối với phụ huynh. Chính vì vậy cần khẳng định nói không với dạy thêm, học thêm.
LÊ XUÂN CHIẾN