
Sau khi diễn đàn “Văn minh đô thị, bắt đầu từ đâu?” đăng tải những ý kiến bức xúc về chuyện xả rác bừa bãi ở TPHCM, kênh rạch bị bức tử vì rác…, Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến đồng tình với việc phải có biện pháp chế tài, xử lý thật nặng những hành vi thiếu ý thức, làm xấu bộ mặt TP.
- Cờ bạc và ăn xin: Cần xử lý nghiêm minh
Ngoài việc giáo dục, tuyên truyền thì việc kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm văn minh đô thị tại thành phố hiện vẫn còn khá lỏng lẻo.
Lúc 17 giờ ngày 20-2-2009, đang đi trên đường Nguyễn Khoái (đoạn đầu hẻm 64 phường 2 quận 4), tôi rợn người khi nghe tiếng chửi rủa, la mắng. Những âm thanh ấy phát ra từ đám thanh niên mà trên người họ đầy hình xăm, đầu nhuộm xanh, đỏ đang tụm năm tụm bảy sát phạt đỏ đen trên vỉa hè. Điểm đánh bạc này lại diễn ra dưới tấm biển có ghi dòng chữ: “Nhân dân khu phố 3 quyết tâm thực hiện khu phố văn hóa ở khu dân cư”.
Đối diện sòng bạc là UBND P2 Q4 và cách đó khoảng 300m là trụ sở Công an P2 Q4! Không riêng khu vực trên, vỉa hè các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai (Q1), Võ Văn Tần (Q3), Huỳnh Tấn Phát (Q7)… lúc trưa hay xế chiều cũng có nhiều điểm diễn ra trò sát phạt đỏ đen.
…Tệ ăn xin cũng đang hàng ngày đập vào mắt hàng triệu người dân thành phố, gây những hình ảnh phản cảm. Thời gian qua, mặc dù UBND TPHCM, Sở LĐTB-XH TP đã quyết tâm giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin ăn nơi công cộng nhưng xem ra tệ nạn này vẫn chưa thuyên giảm. Hiện nay giải pháp mà TP đưa ra để dẹp ăn xin là tổ chức thu gom, phân loại rồi đưa về các trung tâm nuôi dưỡng, trả về cho địa phương quản lý.
Tuy nhiên, đây là cách làm “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi có một thực tế là sau khi thu gom, hầu hết các đối tượng ăn xin lại quay ngược về thành phố để đeo bám du khách, người dân. Những “đội quân” này thường có khu vực hành nghề riêng, thuộc đủ loại thành phần, tuổi tác, quê quán.
Ngoài những đứa trẻ đen đúa, khét nắng cứ lẽo đẽo đi theo chèo kéo khách du lịch, người đi đường, thì còn nhiều người khoẻ mạnh đi theo khách du lịch với “bộ mặt đau khổ” để than thở, chèo kéo khách bố thí vì “có con đang nằm bệnh viện”, “có tiền về quê lấy tiền lên nộp viện phí cho con”, “vì xe hết xăng, thủng lốp…”. Bịp bợm hơn khi có người đóng giả tăng ni lợi dụng người hảo tâm nhẹ dạ để xin tiền, khất thực.
Một khi TP còn cảnh cờ bạc vỉa hè, còn người ăn xin thì chưa thể hướng đến TP văn minh đô thị được. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để giải quyết triệt để các tệ nạn trên.
THÀNH DANH
- Phải xóa sổ những bãi rác trong thành phố
Thành phố văn minh trước hết phải là một thành phố sạch đẹp, không có rác thải đổ bừa bãi. Trong năm 2008, tình hình thực hiện nếp sống văn minh đô thị bước đầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do ý thức người dân chưa cao, xả rác, phóng uế bừa bãi. Những con đường, khu đất trống dần dần trở thành những bãi rác khổng lồ, làm mất vẻ mỹ quan đô thị.
Có dịp đi qua những con đường như: Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh); Hương lộ 2, Hương lộ 3, đường kênh Nước Đen (Bình Tân)... ai cũng thấy ớn lạnh trước những bãi rác “hoành tráng” mà những người vô ý thức đã tạo ra. Đó là những bãi rác lớn với đủ loại chai lọ, bọc ni lông, xác động vật và cả xà bần, chất chồng lên nhau lâu ngày bốc lên mùi thối nồng nặc. Đến khi trời mưa ngập nước, rác nổi bồng bềnh trôi dạt ra đường rất dơ bẩn. Rồi khi những bãi này đã đầy rác, người ta không ngần ngại đổ rác xuống kênh rạch.
Những con kênh ngày nào nước trong veo, nay nước đen như dầu nhớt xe máy thải ra. Những con kênh ô nhiễm, những bãi rác khổng lồ đang đe dọa sức khỏe người dân, ngăn chặn kế hoạch thực hiện nếp sống văn minh đô thị thành phố. Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên có biện pháp cứng rắn để xử phạt nạn xả rác bừa bãi đồng thời xóa sổ ngay những bãi rác, thanh lọc những con kênh ô nhiễm để mang lại nét văn minh cho thành phố.
Đào Trung Phong
Cần tuyên truyền ý thức nhường nhịn
Tôi rất vui và hy vọng những diễn đàn do chính người dân viết như thế này sẽ có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Văn minh đô thị không chỉ bó hẹp ở những hành động không xả rác, phóng uế, khạc nhổ, mà còn thể hiện bằng việc nhường ghế cho người già trên xe buýt hay nhường nhau lối đi trên những con đường đông đúc. Tôi đã chứng kiến nhiều bác tài xế nhường đường đi cho những cụ già gánh hàng rong, hay những em học sinh đạp xe khi tan học. Rõ ràng, sự chia sẻ và nhường nhịn cần phải được tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa.
Và các bạn trẻ, giới sinh viên, trí thức là nhóm đối tượng chính mà cộng đồng cần tuyên truyền… Văn minh đô thị còn thể hiện qua ý thức của người dân tại khu phố của mình. Tôi thấy một số hộ sống ở các khu chung cư rất thiếu ý thức khi treo, phơi quần áo ngoài cửa sổ, làm nước rơi xuống các hộ tầng dưới. Giá như ai cũng có ý thức nhường nhịn, tôn trọng nhau thì chắc chắn sẽ giảm dần những cảnh kém văn hóa.
Nâng cao ý thức xây dựng mỹ quan đô thị cùng với tính nhường nhịn, tinh thần vì cộng đồng, tôi tin thành phố chúng ta sẽ sớm hình thành văn minh đô thị.
Nguyễn Thế Anh
- Không để thói quen ỷ lại có đất sống
Đọc ý kiến “Dẹp bỏ nạn xả rác bừa bãi” của bạn đọc Thiên Hòa đăng trên báo SGGP ngày 18-2, tôi thật sự bất bình trước những hành vi xả rác thiếu ý thức của người dân, nhất là những hộ ở mặt đường. Họ không tôn trọng giá trị lao động của những người công nhân vệ sinh nên xả rác bừa bãi mà không chịu nhận lỗi. Câu nói thiếu trách nhiệm: “Tôi xả rác cho chị có việc làm” thể hiện ý nghĩ và hành vi xấu: biết sẽ có công nhân vệ sinh quét dọn nên cứ thản nhiên xả rác như một điều hiển nhiên. Rõ ràng, xả rác cũng như nhiều hành động vô ý thức, không vì cộng đồng đã trở thành một thói quen ỷ lại, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Khi mà những công nhân vệ sinh vẫn phải cực nhọc quét dọn đường phố, khi mà những thông điệp “không xả rác bừa bãi” không hiệu nghiệm thì giải pháp hữu hiệu nhất chính là chế tài thật mạnh. Chúng ta phải công nhận, việc đội nón bảo hiểm của người dân đã trở thành “nếp”, vì có biện pháp chế tài nghiêm, phạt nóng, với các hình thức như giam xe, thu bằng lái… Nếu ngay từ bây giờ, TP triển khai biện pháp xử lý nghiêm những hành vi làm xấu TP như xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng thì bộ mặt TP sẽ sạch, đẹp hơn.
Lương Thi Thơ (TPHCM)
- Tạo dựng hình ảnh văn minh từ lớp trẻ
Đọc bài viết “Bài học sạch-xanh từ Singapore” của bạn đọc Trần Anh Tài đăng trên báo SGGP ngày 17-2, tôi thấy TP chúng ta nên học tập kinh nghiệm của họ là thực hiện có lộ trình, dứt điểm từng vấn đề để tạo ra nếp sống văn minh thật sự. Cụ thể là chuyện cấm khạc nhổ, cấm thả bò chạy rông trên đường, cấm xả rác… Đúng là mọi người dân có lòng tự trọng, có ý thức vì cái chung đều bức xúc, nôn nóng trước thực trạng TP vẫn còn nhiều cảnh nhếch nhác, rác thải trên đường phố, rác tồn đọng trên kênh rạch nhan nhản…
Thế nhưng, để tạo được dấu ấn xanh – sạch – đẹp, TP cần ra quân thực hiện từng bước, có điểm nhấn; đề ra giải pháp khả thi, kiên quyết thực hiện đến cùng, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” như từng làm. Theo tôi, điểm nhấn quan trọng là tuyên truyền trong môi trường học đường, giảng đường để học sinh, sinh viên, lớp trẻ tương lai của đất nước hiểu rõ trách nhiệm và ý thức về văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh công cộng. Tôi thấy việc vận động học sinh mang theo túi ni lông để đựng rác là một ý kiến hay, cần nhân rộng ra các trường. Chính học sinh và lớp trẻ ở TP sẽ tạo dựng một hình ảnh lớp người mới, sống văn minh, hành xử có văn hóa ở TP.
leanhthuy…@gmail.com
- Bổ sung hình thức lao động công ích
Chúng ta đã hô hào rất nhiều, đã treo áp phích, phát tờ rơi, phát loa công cộng kêu gọi thực hiện nếp sống văn minh nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Theo tôi, hành vi thiếu văn hóa như xả rác bừa bãi trên hè phố, nơi công cộng, kênh rạch… là hành vi chúng ta cần phải ngăn chặn. Nếu quan sát chúng ta dễ thấy rằng - nếu trên vỉa hè xuất hiện một bịch rác nhỏ thì ngay sau đó người khác tiện tay vứt thêm một bịch rác khác và chẳng bao lâu từ bịch rác nhỏ biến thành một đống rác to, rất khó coi.
Thiết nghĩ bên cạnh các biện pháp giáo dục, tuyên truyền và vận động kiên nhẫn theo kiểu mưa dầm thấm đất, TPHCM phải tăng cường nhiều hơn nữa những biện pháp xử lý và xử phạt một cách nghiêm minh. Nếu vi phạm Luật Giao thông, vi phạm về văn minh đô thị bị phạt tiền ở mức một, hai trăm ngàn đồng người dân chưa sợ thì có thể xem xét bổ sung các hình thức xử lý cứng rắn hơn như buộc phải học lại Luật Giao thông, tịch thu bằng lái xe, bắt đi lao động công ích (quét đường, trồng cây, đổ rác...). Giáo dục phải đi đôi với luật pháp, có như vậy thì việc tuyên truyền và kêu gọi mới sớm đạt được hiệu quả cao.
THU TÂM
Trong năm 2008, TPHCM đã đặt nền tảng xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhưng kết quả ban đầu còn hạn chế. Năm 2009, TP tiếp tục thực hiện ước mơ “văn minh đô thị” với mong muốn tạo dấu ấn mới, bộ mặt mới. Để ước mơ này trở thành sự thật, chúng ta phải làm gì và bắt đầu từ đâu? Mời bạn đọc tham gia, đóng góp ý kiến.
- Xử phạt hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục
Nhiều người muốn chứng tỏ mình là người theo kịp “thời đại” nhưng không đủ trình độ hoặc nhận thức quá dễ dãi nên vô tình trở thành những “hình nộm” khi ra đường, xuất hiện ở nơi công cộng.

Một người không mặc áo, chạy xe trên đường Bà Triệu huyện Hóc Môn TPHCM.
Môi trường xã hội là nơi phô bày bộ mặt văn minh mà mọi người đều góp tay vào “bức tranh” ấy. Những thanh niên nam nữ đèo nhau trên những chiếc xe gắn máy đắt tiền, sành điệu, diện những bộ quần áo “hàng hiệu” trị giá hàng trăm USD, thậm chí cả ngàn USD... nhưng khi nhìn lại thì... “người không ra người, quần áo không ra quần áo” .
Nhiều cô gái dường như quan niệm ăn mặc theo kiểu càng ít vải, càng “mát” thì càng đẹp. Vì vậy mới có cảnh nhiều cô mặc quần lưng trễ lòi cả mông, cả nội y ra ngoài, hoặc mặc áo lửng hở cả bụng, cả lưng nhưng lại cho rằng mình là “dân chơi sành điệu”...
Lại có nhiều người ra đường chỉ mặc quần sọt ngắn cũn cỡn, áo hai dây mỏng tanh, ngồi trên xe máy rong ruổi khắp nơi (trong khi với những bộ đồ như thế chỉ nên mặc trong nhà).
Trong giới nghệ sĩ, nhiều ca sĩ ăn mặc rất khó coi nhưng lại cho rằng đó là những trang phục “bắt mắt”, thu hút khán giả…
Từ những chuyện ăn mặc như trên, tôi nhận thấy: để thực hiện nếp sống văn minh đô thị thì TPHCM phải chấn chỉnh việc ăn mặc ở nơi công cộng sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục. Việc chọn thời trang của giới trẻ cần được giáo dục và có định hướng để hòa nhập nhưng không “hòa tan”.
Văn minh trong ăn mặc chính là thể hiện nét văn hóa, vì xã hội có bộ mặt đẹp hay xấu một phần thể hiện qua phong cách của mỗi người khi ra phố.
Trong lần sang Nhật thăm con, một hôm tôi mặc bộ pyjama định dắt cháu đi vòng vòng chơi thì con tôi nhắc phải thay đồ khác, vì không thể mặc đồ ngủ ra đường, dù chỉ ra trước sân nhà. Con tôi giải thích, dù ở trong nhà mình nhưng vẫn có nhiều người xung quanh đi qua nhìn thấy.
Vậy mà ở TP ta, hình ảnh những người mặc đồ ngủ, đồ bộ ra đường, xuất hiện ở nơi công cộng, trường học, nơi vui chơi… không ít. Thậm chí, có người cởi trần nghênh ngang chạy giữa đường nhưng không hề bị xử phạt về tội vi phạm thuần phong mỹ tục.
Mong rằng năm 2009, TP sẽ có biện pháp xử lý những trường hợp ăn mặc thiếu văn minh, lịch sự khi xuất hiện nơi công cộng.
VŨ CHI
Xây dựng khu phố có văn hóa thực sự
Trên địa bàn TPHCM bây giờ, đi đâu cũng thấy cổng chào với tấm bảng “khu phố văn hóa”, đặt ngay ngắn trước khu phố hoặc đầu những con hẻm. Thế nhưng đằng sau nó là bức tranh rất thiếu văn hóa, chưa thể hiện nếp sống văn minh đô thị như chủ trương của TP đề ra.
Cụ thể là dưới tấm bảng “khu phố văn hóa 5”, nằm trên đường Cống Quỳnh (phường Phạm Ngũ Lão quận 1) là một con phố nhếch nhác với hàng quán bán trái cây, hủ tíu, cơm bụi, nước giải khát… bày ra chiếm hết lối đi khiến xe cộ ra vào trong hẻm rất khó khăn. Mặt đường đầy rác vương vãi, trông mất vệ sinh. Tương tự ở khu phố văn hóa 1, đường Nguyễn Tri Phương (phường 9 quận 10), tình trạng lấn chiếm đường hẻm làm nơi buôn bán diễn ra một cách “vô tư”.
Cứ vào khoảng xế chiều, bàn ghế được bày biện chiếm cả lòng đường. Con hẻm vốn đã nhỏ nay càng bị thu hẹp hơn vì hàng quán lấn chiếm. Ở khu phố văn hóa 13 (phường 17 quận Gò Vấp) rác thải sinh hoạt của các gia đình để bừa bãi. Không chỉ nhiều rác, trong con hẻm văn hóa này, nếu không cẩn thận còn có thể đạp trúng những bãi phân súc vật vương vãi trên mặt đường.
Tìm đến những khu phố văn hóa, dọc theo các con kênh 19/5 (phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân), kênh Tân Hóa (phường Phú Trung quận Tân Phú), cũng bắt gặp rác thải tràn ngập dưới lòng kênh, cảnh tiểu tiện, phóng uế diễn ra một cách vô tư, nhà cửa trồi ra thụt vào rất thiếu thẩm mỹ.
Điểm qua nhiều khu phố văn hóa khác, đâu đâu chúng tôi cũng thấy tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, lấn chiếm hẻm làm nơi buôn bán, chợ tự phát… trông rất bát nháo, thiếu nét văn minh. Để khu phố văn hóa thực sự có văn hóa như tên gọi của nó thì chính quyền địa phương cần xem lại tiêu chí, vận động người dân nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh, xử lý nghiêm việc buôn bán tràn lan, lấn chiếm hẻm, vỉa hè, nơi công cộng…
Không những thế, tại mỗi cuộc họp, tổ dân phố cần nêu ra những việc làm chưa văn minh của người dân ở trên địa bàn để rút kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, hành vi ứng xử có văn hóa. Hy vọng, những khu phố văn hóa đúng nghĩa sẽ góp phần tạo dựng nếp sống văn minh đô thị ở TPHCM.
Ngô Phước Đăng
- Trông người mà ngẫm đến ta
Tôi vừa đi du lịch sang Thái Lan, Lào và khi về nước, tôi luôn tâm đắc về nếp sống văn hóa khá ấn tượng nơi xứ người. Tại Thái Lan, trước khi vào tham quan chùa vàng, chùa bạc, trưởng đoàn không quên dặn mọi người phải ăn mặc nghiêm túc, kín đáo mới được cho vào thăm chốn tôn nghiêm.
Có người trong đoàn gặng hỏi: “Thế nào là nghiêm túc và kín đáo?” Trưởng đoàn liền giải thích: “Phụ nữ không được mặc áo sát nách, hở tay, hở cổ, không được mặc quần cộc hoặc váy ngắn, phải mặc quần, váy dài tới mắt cá chân. Nam giới không được mặc quần soọc, áo may-ô…”.
Nhắc nhở là thế, nhưng sáng hôm sau trong đoàn vẫn có người “quên” nên nhân viên tại khu vực tham quan phải yêu cầu họ ra nơi thuê trang phục và mặc vào đúng quy định mới được vô chùa.
Tại nơi thuê đồ, chúng tôi thấy nhiều người phải xếp hàng rồng rắn, mỗi bộ phải thuê bằng tiền Bạt của Thái. Nhờ quy định buộc khách du lịch phải “nhập gia tùy tục” nên khi vào chiêm ngưỡng cảnh chùa, không khí rất trang nghiêm.
Tại nước Lào cũng vậy, khách du lịch khi vào chùa cũng phải ăn mặc nghiêm túc, phụ nữ nào lỡ ăn mặc “mát mẻ” hoặc đàn ông lỡ ăn mặc… “lôm côm” liền được nhân viên nhẹ nhàng mời ra chỗ cho mượn những tấm xà-rông miễn phí “che chắn” lại cho kín đáo mới được vào vãn cảnh chùa.
Tại Việt Nam, thấy khách du lịch nói riêng và người dân nói chung đi chùa hồi rằm tháng giêng vừa qua ăn mặc quá… “phong phú”: phụ nữ thì ăn mặc hở hang, váy ngắn, áo sát nách, đồ bộ, đàn ông thì quần soọc, áo may-ô, dép lê… ngang nhiên vào chùa khiến không khí nơi thờ cúng tôn nghiêm ở các chùa của ta bị giảm đi rất nhiều, tôi thấy chạnh lòng.
TPHCM đang thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chúng ta nên học tập cách làm hay của nước bạn để xây dựng ý thức mới cho người dân nhằm tái lập nếp sống văn minh nơi công cộng, phát huy ngày càng cao thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Ngọc Lan (TPHCM)
- Tạo lập ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng
Đọc bài viết “Dẹp bỏ nạn xả rác bừa bãi”, “Đừng để những dòng kênh bị bức tử” đăng trên diễn đàn “Văn minh đô thị, bắt đầu từ đâu?” của Báo SGGP số ra ngày 18 – 19-2-2009, chúng ta ai cũng suy ngẫm và cảm thấy buồn cho bộ mặt TP đang bị xấu đi vì rác. Đây là vấn đề đáng báo động, đáng lên tiếng. Đúng là TPHCM đã có nhiều đợt ra quân, quét rác, vớt rác ở kênh rạch… nhưng những hành động đẹp đó luôn ít hơn những hành động xấu - vô tư xả rác. Đã đến lúc các ngành chức năng ở TP, các quận, huyện, phường, xã phải nghiêm túc nhìn lại cách làm, cách tuyên truyền, giáo dục cũng như biện pháp chế tài, xử lý những trường hợp vi phạm, xả rác vô tội vạ trên địa bàn! Nếu chính quyền địa phương thực sự quan tâm, thực sự bức xúc về tình trạng rác xả bừa bãi, rác tồn đọng trên địa bàn của mình phụ trách thì họ sẽ tìm ra lời giải cho vấn nạn này. Bởi lẽ, rác phát sinh từ đâu, rác hiện diện như thế nào…, chính quyền địa phương, tổ dân phố, khu phố đều biết rất rõ. Như thế, việc tìm ra thủ phạm xả rác không khó, cái khó là vận động, xử lý như thế nào để rác không thể tung hoành ở khắp mọi nơi.
Thương thay cho những cố gắng của đội ngũ công nhân vệ sinh ở TP! Trong khi họ cố gắng thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa quét từng cọng rác, thu gom từng bao ni lông, hốt từng ụ rác lớn nhỏ, làm sạch từng miệng cống để đường phố luôn sạch đẹp thì lại có những kẻ vô tâm, thản nhiên xả rác, vứt rác ra đường phố, nơi công cộng… Hướng tới một TP văn minh, việc trước tiên phải làm là tạo bộ mặt đô thị “sạch đẹp”. Mục tiêu này tuy khó nhưng không phải không làm được. Để TP có được bộ mặt sạch đẹp thì phải mổ xẻ thói quen xả rác vô tội vạ và tìm ra thuốc đặc trị, chữa trị “căn bệnh mãn tính” này. Bên cạnh việc tuyên truyền, phải thành lập các đội xử lý vi phạm văn minh đô thị để gặp hành vi xấu ở đâu phạt nóng ngay ở đó. Công việc này phải làm thường xuyên và bắt đầu từ tổ dân phố, khu phố đến từng phường, xã; từ tuyến đường lớn đến tuyến đường nhỏ; từ trường học đến giảng đường; từ công sở đến nơi công cộng… Khi cả TP đều dấy lên phong trào cấm xả rác bừa bãi, vận động, tuyên truyền để từng người dân có lòng tự trọng và ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng thì chắc chắn nạn xả rác sẽ giảm bớt. Để tạo được nếp sống mới, ý thức mới, mỗi quận huyện và cả TP nên tiếp tục duy trì và mở rộng việc tổ chức những ngày ra quân với chủ đề “Chủ nhật xanh, sạch”, trong đó lực lượng thanh niên, học sinh làm nòng cốt dọn rác tồn, rác đọng ở khu dân cư, những tuyến đường, mặt phố. Hy vọng rằng những hình ảnh ra quân thường xuyên trong chiến dịch dẹp nạn rác thải này sẽ tác động đến ý thức của những người luôn có thói quen xấu là vô tư xả rác nơi công cộng.
- Dẹp bỏ nạn xả rác bừa bãi
Có rất nhiều việc phải làm. Cụ thể như xem lại những khẩu hiệu “cấm” có mặt khắp mọi nơi trong TP như cấm xả rác, cấm tụ tập buôn bán, cấm hàng rong, cấm xả rác nơi công cộng, cấm phóng nhanh vượt ẩu nhưng đang bị lờn thuốc, thậm chí bị lu mờ trong ý thức của số đông người dân TP lẫn dân nhập cư. Vì thế chuyện cấm cứ cấm, làm cứ làm. Do suốt một thời gian dài, vi phạm làm xấu TP, làm bẩn TP chẳng hề bị xử phạt, thổi còi nên nếp xấu này trở thành quen.
Xung quanh chuyện xả rác bừa bãi, xả rác vô tội vạ, ở bất kỳ tuyến đường, con hẻm nào cũng bắt gặp rác chất thành đống hoặc thành từng bịch nhỏ nằm ven đường, ở gốc cây, cột điện hoặc nằm bít cả miệng cống… Ngay những hộ ở mặt tiền đường, những điểm kinh doanh buôn bán, nhất là hàng ăn cũng vô tư để bịch rác dưới lòng đường hoặc quét rác thành từng đống nhỏ, to ngay trước nhà, chờ đợi người làm vệ sinh đến hốt, dọn dẹp. Góp phần xả rác đầy đường phố là những người bán hàng rong, những người vô ý thức - coi việc giữ gìn đường phố là “cha chung không ai khóc”.
Nhiều công nhân vệ sinh than phiền rằng họ phải dậy từ rất sớm quét đường, hốt rác nhưng chỉ sau ít phút, ít giờ là rác lại tụ thành đống hoặc vương vãi khắp mọi nơi như thể chưa hề quét. Một công nhân vệ sinh tâm sự: “Khi bắt gặp những người dân xả rác không biết chùn tay, hay xấu hổ, chúng tôi nhắc nhở thì bị chính những người vi phạm trả lời vô ý thức là chúng tôi không xả rác lấy gì cho các chị quét dọn…”. Để tạo dấu ấn về một TPHCM sạch, trước tiên TPHCM và các quận huyện nên tổ chức chiến dịch dẹp bỏ nạn xả rác bừa bãi. Không chỉ lắp đặt thêm thùng rác ở khắp TP, TP cần tổ chức ngày ra quân thường xuyên (mỗi tuần 1 lần hoặc mỗi tháng 1 lần) dọn dẹp đường phố, con hẻm, khơi thông kênh rạch, cống rãnh…
Để rác không có mặt ở vỉa hè, mặt đường, cần vận động các hộ mặt tiền cam kết giữ gìn khoảng không trước nhà, chỉ bỏ rác thải trong nhà ra đúng giờ quy định lấy rác. Song song đó, TP và các quận, huyện phải kiên quyết, từng bước dẹp bỏ nạn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè buôn bán nhỏ và có kế hoạch quy tụ họ vào những nơi được phép kinh doanh. Nếu không giải được bài toán khó này thì TP khó có thể thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh công cộng. Cùng với tuyên truyền, giáo dục, TP cần phải tăng cường xử phạt thật nặng những hành vi xả rác, làm xấu bộ mặt đô thị.
Thiện Hòa
Bài học sạch - xanh từ Singapore
Tôi rất đồng ý với phát biểu của bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, trong thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị hay bất cứ phong trào nào, cán bộ công chức đều phải làm gương. Bởi vì, Đảng ta là Đảng cầm quyền, người dân soi mình vào Đảng và chính quyền rất nhiều. Nếu cán bộ công chức mà nêu gương xấu thì không có việc gì thành công được. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy, hình thành ý thức của người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh công cộng.
Dự kiến đến năm 2015 hay chậm lắm là 2020, nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp, vì thế ngay từ bây giờ chúng ta đặt nền tảng xây dựng nếp sống văn minh đô thị là rất đúng. Để rút ngắn thời gian và thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh do TPHCM đặt ra trong năm 2009, theo tôi chúng ta nên học tập kinh nghiệm quản lý đô thị, bảo vệ môi trường từ các nước châu Á tiên tiến, trong đó bài học nổi bật về sạch-xanh là ở Singapore.
Sở dĩ đảo quốc này được mệnh danh là TP sạch nhất thế giới là do họ chuẩn bị xây dựng nếp sống văn minh cho người dân từ 50 năm trước và đi từng bước rất cụ thể: năm 1960, cấm khạc nhổ bừa bãi chỗ công cộng, nơi đám đông và họ đã thành công. Đến năm 1964, Singapore cấm bò thả rông trong TP, trên đại lộ, lập tức 30% người dân Singapore lúc đó vốn là dân Malaysia, Ấn Độ, theo đạo Hồi phản ứng mạnh mẽ.
Chuyện cấm này trở nên cam go, nhưng không làm không được. Đầu năm 1965, họ giết hơn 50 con bò và sau 1 năm phát động lệnh cấm, cuối cùng họ thành công. Năm 1967, họ đưa ra chủ trương cấm người mua bán rong và cũng bị phản ứng dữ dội, vì có tới 5.000 người phải chuyển đến nơi buôn bán đàng hoàng, ổn định. Năm 1970, họ cấm đốt pháo, không ít gay go; năm 1975, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, trên xe bus…
Và đến năm 1983, cấm bán và ăn kẹo cao su. Dù gặp không ít khó khăn do bị dư luận và người dân phản ứng, ngay cả chuyện cấm ăn kẹo cao su cũng đụng chạm cả với nơi sản xuất kẹo của Mỹ… nhưng cuối cùng, việc cấm nào cũng thành công.
Nguyên nhân dẫn đến thành công là do Chính phủ Singapore, các cơ quan chức năng đã thi hành luật pháp rất nghiêm, đến nỗi bạn của ngài Lý Quang Diệu cũng phải bị tù vì ăn cắp cây thông ở công viên mang về trồng trong biệt thự… Để TPHCM tạo được dấu ấn sạch và xanh, TP cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể, chế tài, xử phạt thật mạnh những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo tôi, việc cần làm trước tiên là phải kiên quyết dẹp dần những tệ nạn, thói quen xấu đang khiến bộ mặt đô thị của chúng ta trông nhếch nhác, khó coi như khạc nhổ bừa bãi, rác bẩn tràn lan từ góc hẻm đến mặt tiền đường; hè phố, lòng đường đang bị hàng rong lấn chiếm buôn bán một cách vô tư…
TRẦN ANH TÀI
(81 lô H, KP3, phường An Lạc A quận Bình Tân TPHCM)
Cán bộ công chức hãy làm gương
Theo dõi nội dung tọa đàm “Hiến kế giải pháp thực hiện nếp sống văn minh đô thị-Làm gì, làm thế nào”, đăng trên Báo SGGP ngày 13-2, tôi thấy những giải pháp hiến kế đặt ra rất thiết thực. Giải pháp nào cũng đúng và cần kíp với ước muốn xây dựng TP của chúng ta đẹp hơn, sạch hơn, văn minh hơn.
Tuy nhiên, trong các giải pháp nêu ra, tôi tâm đắc với đề nghị của Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo là “muốn thực hiện được ước muốn chung thì hơn ai hết tất cả chúng ta hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và giải pháp cụ thể, tùy mỗi cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện”.
Như thế, mỗi khu phố, mỗi phường xã, mỗi quận huyện, mỗi cơ quan đơn vị hãy vào cuộc và bắt tay vào những việc cụ thể nhất để gầy dựng nếp sống văn minh trên địa bàn của mình, như dọn sạch rác, dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, nơi công cộng… Mỗi việc nhỏ làm đến nơi đến chốn sẽ được nhân rộng, tạo ra dấu ấn văn minh thật sự.
Cụ thể như từ một mô hình khu phố sạch đẹp, an toàn, văn minh, chúng ta sẽ nhân rộng thêm hàng chục và hàng trăm khu phố khác. Từ một con đường chuẩn sạch đẹp, văn minh, không nạn lấn chiếm vỉa hè, xả rác bẩn,… sẽ có thêm nhiều tuyến đường khác làm theo, từ đó nhân rộng thêm.
Tuy nhiên, ở góc độ chính quyền, tôi nhận thấy lời kêu gọi “cán bộ, công chức hãy làm gương” là thiết thực nhất. Hiện TP chúng ta có đội ngũ đông đảo với 100.000 cán bộ công chức, chỉ cần mỗi cán bộ công chức thể hiện đầy đủ trách nhiệm phục vụ người dân, biết ứng xử có văn hóa bằng cách thường xuyên nở nụ cười, có thái độ thân thiện với người dân cũng góp phần thực hiện văn minh đô thị.
Để tạo dựng hình ảnh mới của cán bộ công chức ở nơi công quyền thì trước hết mỗi cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương hãy dấy lên phong trào vận động cán bộ, nhân viên của mình có hành vi ứng xử văn minh, tập cười, tập lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ những bức xúc của người dân. Bởi lẽ, gầy dựng được những hình ảnh thân thiện này trong mắt người dân thì khi cán bộ, đảng viên nói gì, làm gì người dân cũng nghe theo.
Ngược lại khi còn nhìn thấy những hình ảnh thiếu gương mẫu của cán bộ công chức và những việc làm khó coi của những đơn vị thuộc nhà nước như thi công các công trình ẩu hoặc làm xong nhưng không tái tạo mặt đường như cũ… thì người dân chẳng những không nghe theo mà còn có phản ứng khác xấu hơn. Không chỉ tập cười, cán bộ công chức phải nêu gương sáng giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm hẻm công hoặc làm những việc có lợi cho mình mà quên đi lợi ích cộng đồng…
Để tạo dựng hình ảnh con người văn minh, ứng xử có văn hóa ở TP, mỗi cơ quan, đơn vị nhà nước hãy đề ra những việc làm thiết thực nhất, cụ thể nhất để góp phần gầy dựng nếp sống văn minh ở TP chúng ta. Một xã hội văn minh đòi hỏi phải có những con người văn minh. Để có những con người văn minh thì phải biết sống có văn hóa, có trách nhiệm, biết ứng xử thân thiện, nhân ái, coi trọng lợi ích của cộng đồng hơn lợi ích cá nhân…
HOÀNG ANH
- “Điểm nhấn” nhà trường
Trên địa bàn TPHCM hiện có 1,5 triệu học sinh, sinh viên. Đây chính là những chủ thể quan trọng, góp phần làm xoay chuyển việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vì thế TP cần đặc biệt quan tâm đến “điểm nhấn” nhà trường.
Về lực lượng, nếu cộng cả giáo viên và học sinh thì đây là một lực lượng không nhỏ nên có điều kiện để thực hiện yêu cầu văn hóa, văn minh trong và ngoài nhà trường. Về mức độ ảnh hưởng, sự lan tỏa, đa phần giáo viên là người có sự gương mẫu cao nên dễ dàng thuyết phục nhiều người khác; các sinh viên, học sinh cũng có sự ảnh hưởng tích cực nhất định đến gia đình. Về hiệu quả, học sinh khi đã được giáo dục đúng hướng không chỉ thực hiện tốt ngay trong thời điểm hiện tại mà còn có tác dụng lâu dài về sau vì hình thành ý thức từ sự giáo dục đó.
Chính vì vậy, trong công tác tuyên truyền, định hướng và tổ chức thực hiện, các ngành các cấp nên có sự quan tâm đến các trường học nhiều hơn. Cần đưa nội dung văn minh đô thị vào giờ học đạo đức, giáo dục công dân, vào các sinh hoạt ngoại khóa để nâng cao nhận thức cho học sinh. Nên lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường, ý thức văn minh, các cách xử sự văn hóa… vào các môn học như sinh vật, văn học, lịch sử, địa lý…
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường cần tổ chức những hoạt động thực hiện vệ sinh môi trường ngay trong khuôn viên trường như thu dọn rác, vận động không viết vẽ bậy lên tường, lên bàn, tổ chức trồng, chăm sóc cây xanh…. Từ đó mở rộng phong trào này ra khu vực cổng trường, quanh trường và đến tận khu dân cư…
Để giáo dục lớp trẻ - công dân tương lai của TP - có lối sống văn minh, có hành vi ứng xử có văn hóa, ngành giáo dục nên phát động các phong trào thiết thực, thường xuyên để tạo ý thức tốt cho các em như “nói lời hay, làm việc tốt”, “chăm cây xanh”, “bỏ rác vào thùng”, “tôn trọng luật đi đường”…
Để làm gương cho con trẻ thì người lớn phải có ý thức và biết xấu hổ khi làm một điều gì đó không tốt với trẻ hoặc trước mặt trẻ. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà có một số người chưa thực hiện được điều này. Vì vậy, nếu trẻ em - học sinh, được giáo dục tốt về lối sống văn minh, hành vi ứng xử có văn hóa thì sẽ có tác động tích cực đến người lớn và họ sẽ phải chỉnh sửa những việc làm chưa đúng.
Theo tôi, để việc tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả cao thì phải nghiên cứu, tìm ra phương pháp, nội dung phù hợp, có tác động sâu rộng. Một khi đông đảo học sinh, sinh viên có ý thức sống vì cộng đồng, giữ gìn vệ sinh công cộng, tự giác không xả rác, không vi phạm giao thông, ứng xử có văn hóa… thì sẽ góp phần tạo ra bước đột phá trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở TP.
Trúc Giang (quận 3)
- Cần một “cú hích”
Tôi vẫn còn nhớ một bài viết đăng trên Báo SGGP cách đây chưa lâu, nói về chuyện “Paris sạch đẹp nhờ phạt vạ”, khi phát hiện thú nuôi phóng uế trên phố, chủ của nó sẽ bị xử phạt tức khắc. Và chúng ta đều biết, ở Nhật, Đức, Pháp, Ý hoặc Singapore, nếu lúc nào đó không có cảnh sát hoặc camera bị che khuất thì vẫn có người vi phạm về vệ sinh công cộng. Điều đó có nghĩa, dù ở nước văn minh cũng không thể trông chờ sự tự giác tuyệt đối của mọi người. Điều quan trọng nhất là biện pháp chế tài đặc biệt nghiêm khắc, sẽ giúp cho ý thức tự giác đến nhanh hơn bởi “phản xạ” sợ bị phạt vạ. Theo đó, tình trạng ẩu tả thiếu ý thức sẽ lùi dần, nhường chỗ cho quan niệm mới trở nên phổ biến: sạch phố, đẹp nhà, mọi người cùng hưởng!
Từ kinh nghiệm nêu trên, chúng tôi nhận thấy, rất cần một cuộc xuống đường tổng lực gồm nhiều lực lượng, nhiều thành phần, nếu cần thiết có thể huy động thêm sinh viên, thanh niên xung phong (trong ngày nghỉ cuối tuần)… để tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ cho cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong năm 2009.
Theo tôi, kết quả thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa cao là do sức ỳ của thói quen tùy tiện nơi công cộng còn khá phổ biến và chưa trở thành ý thức “thường trực” trong nếp nghĩ sống vì cộng đồng. Có thể nói sau hơn 1 năm tuyên truyền, hầu hết người dân TP đều biết rõ ý nghĩa tốt đẹp của cuộc vận động này. Cho dù cơ sở hạ tầng chưa tốt, lô cốt còn gây kẹt xe, nhưng không thể vin vào đó để chống chế việc gây mất vệ sinh công cộng và duy trì thói quen xấu như mạnh ai nấy chạy, hành xử kém văn hóa…
Vì thế, cần có sự phối hợp toàn diện của các lực lượng chức năng, chuẩn bị hết khả năng sẵn có, chọn một ngày phù hợp như cuối tuần hoặc ngày giữa tháng 3, tháng 4-2009 (có thể do UBND TPHCM quyết định), đồng loạt ra quân xử lý nghiêm tất cả các vi phạm về văn minh đô thị trên toàn TP. Có thể thực hiện tương tự như ngày 15-12-2007 về việc đội nón bảo hiểm khi đi xe mô tô, gắn máy. Sau đó, tiếp tục thực hiện 1 tháng hoặc 1 quý cao điểm, ráo riết tổ chức các lực lượng thay phiên nhau tuần tra, xử phạt nóng về việc xả rác, phóng uế, chen lấn, gây mất trật tự nơi công cộng. Nếu so sánh với cao điểm tấn công tội phạm, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng cao điểm xử lý vi cảnh gần như chưa có nơi nào ở TPHCM thực hiện. Vì thế, có thể bổ sung thêm nhiều biện pháp khác hiệu quả hơn khi trải qua thực tế hành động.
Thiết nghĩ, dù phải tốn kém trong một thời gian, chúng ta cũng cần quyết tâm “tuyên chiến” với thói hư tật xấu vốn đã ăn sâu vào nếp sống cũ, không còn phù hợp trong đô thị hiện đại.
Chúng tôi cho rằng, cần phải lên án mạnh mẽ tư tưởng bảo thủ lạc hậu, ích kỷ và lười biếng trong một bộ phận dân cư, khi nghĩ đường phố là “cha chung”, và việc giữ sạch là nhiệm vụ riêng của công nhân vệ sinh! Đó chính là thái độ sống thiếu trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng và nó thể hiện rất rõ ở việc lén lút hoặc ngang nhiên xả rác, ứng xử thiếu văn minh, bôi bẩn, xâm hại các nơi tôn nghiêm, quảng cáo tự phát. Nói sâu xa hơn, đó cũng là “tệ nạn” thuộc về ý thức hệ tiểu nông, tiềm thức tự phát từ thời du canh du cư còn sót lại.
Liên Hùng (Q.9 - TPHCM)
Thay đổi khẩu hiệu tuyên truyền
Năm 2008 vừa qua TP đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Nhưng để làm quyết liệt hơn và đạt được mục đích tăng ý thức tự giác của người dân lên, theo tôi, cần phải cải tiến hình thức, phương pháp vận động, tuyên truyền. Việc treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, hô hào về thực hiện nếp sống văn minh đô thị như đã làm chẳng những không có hiệu quả mà còn khiến người đi đường cảm thấy chướng mắt hay “bội thực”. Vì thế cần thay đổi lại khẩu hiệu tuyên truyền, vận động sao cho dễ tiếp thu, dễ tác động vào từng người để họ thay đổi dần thói quen, hành vi xấu, gây ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Chúng ta nên tác động từ 3 chủ thể chính là trẻ em, sinh viên và giới trí thức, văn phòng. Tôi thấy những người trẻ hiện nay thường được học những buổi học ngoại khóa như: an toàn giao thông, ma túy, HIV/AIDS, văn minh đô thị,... Tuy nhiên, chất lượng những buổi ngoại khóa này còn mang nặng tính hình thức và thành tích.
Vì thế, các trường học hãy tổ chức những buổi hành quân dọn dẹp vỉa hè (dĩ nhiên là gần khu vực trường), hay vận động mỗi em mang theo mình một túi đựng rác nhỏ. Tôi thấy ở Trung Quốc, nhà trường giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng cho học sinh rất cụ thể.
Những đứa trẻ được dạy nên có một túi ni lông trong cặp để đựng rác phòng khi không có thùng rác. Học sinh sẽ đựng rác ở túi ni lông và chỉ vứt vào đúng thùng rác. Đây có thể sẽ là biện pháp hữu hiệu trong khi số lượng thùng rác ở thành phố chưa nhiều và phân bố không đồng đều như hiện nay. Tôi đã chứng kiến rất nhiều sinh viên đại học có những hành động không hay như xả rác, tiểu tiện tại nơi công cộng, chửi thề, nói tục một cách không gượng miệng...
Vì thế, để giới trẻ có ý thức vì cộng đồng, phải thẳng tay chế tài, răn đe, ngăn chặn. Để sinh viên đi đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh, những ngày chủ nhật xanh ở trường đại học phải trở thành ngày hội thu hút giới trẻ chứ không thể gắn với quyền lợi như “tham gia sẽ được cộng điểm rèn luyện, được tuyên dương, giấy chứng nhận...”.
Từng chứng kiến bạn bè mình tham gia Ngày chủ nhật xanh không vì trách nhiệm, ý thức mà vì những quy định sáo rỗng, vô cảm như trên, tôi thấy buồn. Vì thế, để tác động vào giới trẻ và mọi đối tượng cùng chung sức giữ gìn TP xanh- sạch- đẹp, TP, các đơn vị nên đưa ra các khẩu hiệu thuyết phục hơn: “Nếu bạn không tham gia quét dọn thì hãy giúp chúng tôi bằng cách đừng xả rác”…
Người Việt Nam ta thường có suy nghĩ và hành động theo đám đông. Để tác động vào suy nghĩ, nếp sống cũ, thói quen xấu, những câu khẩu hiệu tuyên truyền nên hạn chế các từ mang nặng hình thức, kêu gọi trách nhiệm, nghĩa vụ kiểu chung chung. Như thế để kêu gọi, thức tỉnh mọi người dân cùng chung sức xây dựng TP văn minh, UBND TPHCM có thể thuê một số công ty PR chuyên nghiệp nghiên cứu và đưa ra những khẩu hiệu, lời kêu gọi lay động lòng dân hơn.
NGUYỄN HỒNG VIỆT (ĐHQG TPHCM)
Mai Thắng (Vũng Tàu) - Văn hóa ứng xử khó thực hiện vậy sao?:
Trong một lần ngồi trò chuyện, ông tôi tâm sự: “Thời của ông, ra đường gặp đám tang là mọi người đều dừng, ngả nón cúi đầu, còn bây giờ?…”.
Bây giờ không ít lần tôi chứng kiến những bạn trẻ gặp đám tang vẫn bấm còi inh ỏi, rú ga vượt qua, thậm chí rú thật to làm cho mọi người chú ý, hoặc bắt mọi người nhường đường. Được chứng kiến những thanh niên xông vào đánh, cãi nhau chỉ vì vô tình cọ quẹt trên đường phố mới thấy thiếu ý thức văn hóa đến mức nào. Họ văng ra đủ các loại lời lẽ bẩn thỉu nhất có thể. Không hiểu tại sao, cái miệng đẹp đẽ ấy lại thốt lên những lời vô văn hóa đến vậy?
Nhiều lần tôi đã phải cảm ơn cái khẩu trang, vì nhờ nó mà tôi không bị hứng trọn cái mất vệ sinh vô ý thức của một cô gái ngồi trên xe máy cứ nhổ toèn toẹt xuống đường phố, giữa chỗ đông người. Ở nơi công cộng, người ta cũng dễ dàng buông ra những lời lẽ không chút văn hóa.
Đặc biệt những nơi như sân khấu ca nhạc trẻ, nếu bạn đã một lần ngồi gần nhóm fan của ca sĩ, bạn không chỉ than trời vì ngôn ngữ của cô bé cậu bé còn ở lứa tuổi cắp sách tới trường. Tôi tự hỏi: “Phải chăng văn hóa ứng xử của thanh niên đang xuống cấp, hay ấu trĩ về nhận thức văn hóa ứng xử?”. Phải chăng những con người ấy đi xem văn hóa mà lại “thấp” về văn hóa đến vậy ư ?
Bạn có thể không thích xem những bộ phim Hàn Quốc vì sự lê thê, thậm chí tình cảm sướt mướt, song bạn cũng không thể phủ nhận văn hóa ứng xử của gia đình họ thể hiện qua phim. Nó khiến bạn chạnh lòng nghĩ đến sự thiếu hụt điều đó ở không ít gia đình Việt Nam hiện nay. Nó không chỉ là những hành động mang tính nghi thức, như khi đi xa về cúi lạy ông bà, cha mẹ…
Nhiều khi đó chỉ là hành động thể hiện sự yêu thương, quan tâm, lo lắng cho những người thân xung quanh, song đó lại thể hiện cốt cách văn hóa của con người trong gia đình. Và đó là “tế bào văn hóa” của xã hội. Văn hóa cộng đồng xã hội cũng bắt nguồn, hun đúc từ cái “nôi” ấy.
Cái mà các bậc làm cha làm mẹ giáo dục con cái trong bộ phim Hàn Quốc cũng không mang tính giáo điều. Họ truyền cho con cái về tình yêu và những bài học về văn hóa ứng xử thông qua cách họ ứng xử với nhau và với những người xung quanh.
Bạn, tôi hay bất cứ ai cũng mong được sự đối xử lịch sự từ người khác. Tại sao mình lại không làm điều đó trước? Tại sao lại nói những lời lẽ cục cằn, thô tục khó nghe, trong khi đó nếu ở cương vị người nghe mình cũng khó có thể chấp nhận được.
Để ứng xử tốt với nhau sao cho có văn hóa, trước hết mình phải là người có văn hóa, mà văn hóa ấy không phải “từ trên trời rơi xuống” mà có ngay ở xung quanh cuộc sống đời thường, từ sự tiếp cận học hỏi lẫn nhau đến giáo dục căn bản từ gia đình nhà trường và xã hội.
Song điều ấy chẳng có ý nghĩa gì nếu mỗi thành viên không nêu cao, không tự rèn luyện ý thức văn hóa ứng xử cộng đồng. Thật tuyệt vời biết bao nếu bắt đầu một ngày mới, bạn bắt gặp một nụ cười, một lời chào, hoặc một sự nhiệt tình chia sẻ giúp đỡ của ai đó.
TS Nguyễn Quốc Bình (Việt kiều Canada) - Gầy dựng văn hóa giao thông:
Ở các nước phát triển, từ nhỏ, người dân đã được giáo dục đầy đủ về ý thức sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Khi có ý thức thì người dân sẽ hành xử, ứng xử có trách nhiệm và có văn hóa mà không cần phải nhắc nhở.
Vì có ý thức cao nên không bao giờ đến những nơi công cộng, lễ hội, họ lại có thể bẻ cành, vặt hoa, vô ý làm hư hỏng các công trình văn hóa, nghệ thuật như đã từng xảy ra ở nước ta. Chính vì thế, theo tôi để mọi người dân đều có trách nhiệm đối với xã hội thì nên bắt đầu từ việc giáo dục, khơi gợi ý thức sống có trách nhiệm, sống vì cộng đồng.
Sự đầu tư này được xem là nhanh nhất, rẻ nhất và hiệu quả nhất. Cụ thể như chuyện bức xúc nhất hiện nay ở TP là cảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông. Ai cũng bực mình vì cảnh chen lấn, mạnh ai nấy chạy khiến cho cảnh kẹt xe càng nghiêm trọng hơn. Như thế nếu không giáo dục và xử lý nghiêm những vi phạm về giao thông, văn hóa ứng xử khi đi đường thì dù có mở rộng diện tích mặt đường, làm thêm bao nhiêu tuyến đường nữa, căn bệnh kẹt xe vẫn không trị được tận gốc.
Trong khi đó, việc hình thành được nếp sống văn minh, văn hóa giao thông, chạy xe có trật tự thì sẽ góp phần giải quyết được bài toán nan giải này. Thay vì chỉ mất vài chục giây hoặc vài phút ở điểm ùn tắc giao thông, giao lộ đèn xanh đèn đỏ vào giờ cao điểm, đông người thì mỗi người phải tốn thêm cả chục phút đến hàng giờ. Cộng lại số thời gian phải mất cho vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông mỗi ngày thì cả TP và xã hội tốn kém đến mức nào? Vô cùng lớn.
Chính vì thế đã đến lúc chúng ta phải có chiến dịch tuyên truyền, đả kích và bài trừ ngay thói quen xấu “mạnh ai nấy chạy”, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác khi lưu thông trên đường. Theo tôi, chỉ cần hình thành được ý thức và văn hóa giao thông-biết nhường nhịn, biết chia sẻ mỗi khi kẹt xe, ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như TPHCM thì chắc chắn tình cảnh kẹt xe sẽ giảm bớt căng thẳng.
Chứng kiến cảnh kẹt xe thường xuyên ở TPHCM, tôi liên tưởng đến câu chuyện về hai con dê (đen và trắng) tranh nhau đi qua một cây cầu, không con nào chịu nhường nhịn con nào nên cả hai đều rơi xuống nước. Câu chuyện này có ý nghĩa sâu xa, nhắc nhở mỗi chúng ta biết nhường nhịn, chia sẻ thì mọi chuyện đều tốt lành.
Quay trở lại câu chuyện bức xúc hàng ngày của chúng ta sẽ thấy nhiều điều phải suy ngẫm, bởi lẽ khi lọt vào vòng vây kẹt xe nếu không biết nhường nhịn nhau thì tất cả đều biến thành “dê đen” hết . Như thế muốn giải quyết nạn ùn tắc, kẹt xe, giải tỏa stress cho người dân mỗi khi ra đường, TP cần phải phát động sâu rộng phong trào “văn hóa giao thông” để mọi người đều có ý thức và trách nhiệm sống vì mọi người mỗi khi lưu thông trên đường.
Công việc này xem ra ít tốn kém và hiệu quả mang lại cao hơn cả đầu tư mở đường. Chúng ta đã làm tốt việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm thì cũng có thể làm tốt việc giáo dục người dân hình thành văn hóa đi đường để họ luôn có ý thức chậm một chút nhưng có lợi cho nhiều người khác. Có như thế, TP sẽ bớt đi những điểm ùn tắc, kẹt xe mà không cần sự có mặt của cảnh sát giao thông và các lực lượng khác.
Trần An Thiên - Đừng để các em nhìn thấy người lớn chưa gương mẫu:
Theo dõi chương trình đối thoại của lãnh đạo TPHCM ngày 31-1 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói về thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, chúng ta, những người lớn, phải suy ngẫm nhiều điều.
Tuy còn trẻ người non dạ nhưng các em có nhận xét, đánh giá và đưa ra những kiến nghị rất tâm huyết, rất có trách nhiệm đối với xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà các em có nhận xét chuẩn xác là kết quả thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong năm qua chưa cao là do “nói lấn áp làm”.
Theo suy nghĩ của các em, không phải TP thiếu năng lực mà chính là thiếu tâm huyết và trách nhiệm! Điều đó thể hiện qua lăng kính quan sát khá tinh tế từ cuộc sống mà các em bắt gặp.
Đó chính là những bức xúc khi các em chứng kiến những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, nơi công quyền và trong xã hội như chuyện cô y tá, ông bác sĩ không tỏ ra ân cần với người bệnh cao tuổi; cán bộ công chức có khuôn mặt lạnh nhạt, thiếu nụ cười niềm nở khi tiếp dân hay bác tài xế, nhân viên xe buýt văng tục, chửi thề; cha mẹ nói với con cái những từ khó nghe… Hoặc hình ảnh nhếch nhác, thiếu thẩm mỹ ở các chung cư khi quần áo được giăng mắc một cách vô tư của người lớn. Cũng theo nhận xét của các em, vì thiếu thùng rác, vì thiếu nhà vệ sinh nên những hình ảnh không đẹp mắt như xả rác bừa bãi, tiểu tiện ở lùm cây vẫn còn nhan nhản…
Như thế, muốn gây dựng nếp sống văn minh đô thị ở TP, việc đầu tiên cần làm là phát động phong trào “người lớn gương mẫu trong ứng xử, có lối sống đẹp” từ trong nhà ra đến ngoài đường và nơi công cộng. Nếu mỗi người lớn chúng ta biết chỉnh sửa, uốn nắn từng hành vi, cử chỉ để ứng xử có văn hóa, nói năng đàng hoàng, niềm nở, ân cần trong công việc, giao tiếp xã hội, giữ gìn vệ sinh chung, không gây ô nhiễm môi trường, chấp hành luật lệ giao thông… thì chắc chắn con trẻ của chúng ta sẽ noi gương, học tập theo.
Để tạo dựng nền tảng ứng xử có văn hóa, thể hiện con người văn minh thì chúng ta phải giáo dục, uốn nắn các em sống có trách nhiệm và bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất là biết sống vì mọi người, biết giữ gìn cái đẹp chung. Thiết nghĩ, để biến mơ ước về một thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh - xanh - sạch đẹp, ngoài giáo dục về trách nhiệm đối với công dân trẻ - mầm non tương lai của TP, ngành giáo dục TP hãy phát động phong trào học sinh tham gia thực hiện nếp sống văn minh đô thị bằng những hành động cụ thể như tổ chức ra quân làm xanh - sạch - đẹp từng khu phố, từng con hẻm, từng tuyến đường.
Khi tự tay nhặt từng cọng rác, dọn từng ụ rác tồn và trồng thêm những cây xanh ở khu phố, từng con đường, các em sẽ trân trọng cái đẹp, cái sạch và không có hành vi xả rác, vứt rác ra đường. Bên cạnh đó, các trường học nên phát động phong trào sống đẹp, hành xử có văn hóa bằng cách đưa những bài học thiết thực, những tấm gương tốt biết sống vì mọi người vì cộng đồng vào những giờ học môn công dân, đạo đức. Hy vọng từ những viên gạch nhỏ được gây dựng từ môi trường học đường và từ hành động gương mẫu của người lớn, lớp trẻ sẽ có ý thức, hành động đúng vì một TP văn minh, hiện đại, có môi trường sống an toàn, sạch đẹp.
Phạm Kim Sơn (Trường THCS Ngô Sỹ Liên TPHCM) - Uốn nắn học sinh từ lứa tuổi mẫu giáo:
Có một dạo Trường THCS Ngô Sỹ Liên quận Tân Bình TPHCM, ở lớp nào cũng có rác. Rác trong học bàn, dưới ghế ngồi, trên bục giảng. Lớp sáng ăn xong bỏ hộp cơm trong ngăn bàn. Lớp chiều thấy vậy lấy bút xóa vẽ lên mặt bàn, rồi còn bỏ thêm bịch nước khiêu khích.
Lớp tối phản ứng bằng cách trét kẹo chewing gum xuống ghế. Nhà trường quy định giáo viên vào lớp thấy mất vệ sinh sẽ không lên lớp, vì thế trong tiết học các em phải làm vệ sinh, mất giờ học.
Sau đó, để giữ vệ sinh chung, nhà trường hợp đồng với nhân viên dọn vệ sinh tổng quát vào mỗi buổi chiều và bắt đầu chiến dịch giáo dục các em giữ vệ sinh lớp học, trang bị sọt đựng rác tại lớp học, thiết kế ống máng hình khối chữ nhật suốt từ tầng ba trở xuống để đưa rác thải xuống xe đẩy đặt ở dưới đất.
Nhờ tuyên truyền giáo dục thường xuyên, liên tục, học sinh không còn xả rác bừa bãi và đến nay hiện tượng này giảm rất nhiều.
Trường học gần giống như xã hội thu nhỏ, ngoài chuyện học tập, học sinh còn thể hiện sinh động những hành vi khác như nếp sống, thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói... Do vậy, những hành vi cư xử, ứng xử nếu được giáo dục, uốn nắn ngay từ năm 3 tuổi vào mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp THPT, chắc chắn các em sẽ hình thành một thói quen giữ gìn nếp sống văn minh đô thị, hành xử, ứng xử có văn hóa.
Muốn học sinh gắn bó, yêu thương ngôi trường của mình thì môi trường học đường phải sạch sẽ thoáng mát, sân trường phải có không gian rộng nhiều cây xanh bóng mát để học sinh nô đùa vui chơi một cách lành mạnh.
Có như thế, khi đến trường, các em mới cảm nhận, hưởng thụ được bầu không khí trong lành, thân thiện; bước vào phòng vệ sinh lúc nào cũng thấy thơm tho, điện nước đầy đủ… tạo được môi trường học đường văn minh, xanh sạch đẹp, các em sẽ hành động tự giác, bỏ rác đúng chỗ, nói năng lịch sự, vui chơi chừng mực và có hành vi cư xử văn hóa đúng mực.
Đó là nền tảng hình thành nhân cách cho học sinh, tạo thói quen tốt, dị ứng và biết phản vệ khi chứng kiến người lớn chưa gương mẫu vứt rác ra đường, thậm chí mạnh dạn lên án những ai nói năng thô lỗ, ồn ào nơi công cộng.
Theo tôi chính những học sinh có văn minh, biết ứng xử có văn hóa sẽ là lực cản cho những biểu hiện thiếu văn hóa lạc hậu còn tồn tại từ gia đình đến xã hội. Rồi đến lúc phụ huynh các em cũng phải biết thẹn trước con cái mình khi vô tình bỏ rác bừa bãi, chạy xe vượt đèn đỏ hay ngượng mồm khi văng tục chửi thề…
Để hình thành lớp người có văn minh ở TP thì hãy coi trọng việc giáo dục học sinh ngay từ tuổi mẫu giáo, các cấp học, gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
SỸ CÔNG (quận Gò Vấp): Làm từng bước nhỏ, có trọng tâm

Đã tới lúc người dân TPHCM nói riêng và người dân Việt Nam nói chung phải nhìn lại, bước ra khỏi cái bóng lạc hậu của chính mình bằng sự thay đổi các thói quen, nề nếp cũ, mang tính chất lịch sử, văn hóa nhưng không còn phù hợp với xu hướng xây dựng xã hội văn minh, hiện đại ngày nay.
Nhìn lại việc triển khai cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở TPHCM năm qua cho thấy cách làm của TP còn dàn trải, hiệu quả chưa rõ nét ở bất kỳ mảng nào, quận huyện nào. Sự dàn trải này khiến cho các nguồn lực (con người, tài chính, truyền thông…) bị pha loãng, chưa thể tạo ra sức ép đủ mạnh để thay đổi một cách căn bản thói quen xấu, nếp sống cũ và hành vi ứng xử có văn hóa.
Vì thế, để tạo ra cú hích, xoay chuyển tồn tại nêu trên, TP cần phải tập trung nguồn lực và chia mục tiêu thành từng mảng nhỏ, tổ chức thực hiện theo một lộ trình ngắn và dài hạn. Sự chia nhỏ này có thể tiến hành theo không gian, theo mảng vấn đề tồn tại cần giải quyết hoặc theo biện pháp triển khai hợp lý.
Cụ thể như chia nhỏ theo không gian quản lý, chúng ta không nhất thiết phải triển khai trong phạm vi toàn TPHCM mà nên thực hiện theo kiểu vết dầu loang hoặc cuốn chiếu. Theo đó mỗi năm sẽ tổ chức triển khai cho khoảng 4 quận theo hướng từ trung tâm ra ngoại thành chẳng hạn. Với 24 quận huyện thì TPHCM sẽ cần khoảng 6 – 7 năm để hoàn tất. Trong mỗi năm, chúng ta nên dồn tất cả nhân lực, vật lực cho những địa phương này như lắp đặt thùng rác, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, dẹp nạn lấn chiếm lòng lề đường…
Thứ hai là tập trung xử lý từng vấn đề tồn tại, làm cản trở đến chiến dịch thực hiện nếp sống văn minh đô thị như thói quen xả rác bừa bãi nơi công cộng, hè phố; thói quen thiếu văn hóa giao thông; thói quen ứng xử chưa văn minh... Lãnh đạo TP và từng quận, huyện phải đặt ra lộ trình cụ thể và mỗi năm phấn đấu làm được cái gì có dấu ấn về thực hiện văn minh đô thị trên địa bàn.
Chia nhỏ từng mục tiêu đặt ra để chọn lọc những vấn đề nóng nhất, bức xúc nhất cần giải quyết, xử lý gấp như nêu trên thì chúng ta mới có thể nhìn thấy một cách rõ nét hiệu quả cũng như những hạn chế cần phải điều chỉnh ở những năm tiếp theo.
Ví dụ như lấy năm 2009 là năm tuyên truyền thật sâu rộng, tạo được ý thức văn minh, hành vi ứng xử có văn hóa từ mỗi người dân, từng gia đình, tổ dân phố, khu phố; tập trung biên soạn tài liệu giáo dục văn minh đô thị và tổ chức đưa vào giảng dạy tại tất cả khối giáo dục phổ thông, đào tạo trên địa bàn TPHCM; sau đó là tổ chức tổ chức giám sát, xử phạt sát sao…
Còn nếu như chúng ta vẫn tiếp tục duy trì cách thực hiện dàn trải như hiện nay thì tôi e rằng sẽ rất khó tạo ra sự chuyển biến rõ rệt như mục tiêu TP đề ra.
Tuấn Vũ: Dẹp bỏ những bảng tuyên truyền phản cảm

Dọc theo các tuyến đường ở TPHCM hiện nay, trên cây xanh, cột điện, bến xe buýt… treo hàng ngàn tấm bảng tuyên truyền, khuyến cáo… với nhiều nội dung tuyên truyền khác nhau.
Thế nhưng, có rất nhiều bảng tuyên truyền bị gãy đổ, nghiêng ngả, thậm chí treo ngược trông rất phản cảm, mất mỹ quan đô thị. Cụ thể như ở một đoạn ngắn trên đường Lũy Bán Bích (đi qua 2 phường Tân Thới Hòa - Phú Thọ Hòa (Q. Tân Phú), có hàng chục bảng tuyên truyền về đội nón bảo hiểm, phòng chống ma túy, mại dâm, không lấn chiếm vỉa hè, cấm tụ tập buôn bán… nhưng chúng được treo với nhiều tư thế phản cảm, mất tác dụng.
Đặc biệt, có tấm bảng ghi nội dung “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người” nhưng bị bẻ quắp và treo lơ lửng dưới một “rừng” dây điện. Không những thế, nhiều bảng tuyên truyền treo thiếu an toàn và trông cũ kỹ, rách nát, chữ mờ nhạt vì mưa gió nhưng không thấy các đơn vị chức năng gỡ xuống, thay mới.
Không chỉ có thế, trên thân các cột điện dọc theo nhiều tuyến đường, con hẻm, chân cầu,… người đi đường cũng bắt gặp vô số những tấm “áo giấy” luộm thuộm, rách nát, mới có, cũ có (ảnh). Những mẩu tin rao vặt như tuyển nhân viên, khoan cắt bê tông, rút hầm cầu, nhận làm giếng đóng, dạy kèm… được dán khắp thân cột điện, chồng chéo lên nhau.
Sau một thời gian chịu nắng, chịu mưa những tấm “áo giấy” này bị bong tróc, phất phơ và tiện tay nhiều người đi qua bóc đi, xả rác xuống đường trông nhếch nhác. Hưởng ứng chủ trương thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong năm 2009, ngay từ bây giờ, mỗi cá nhân, hộ dân, từng khu phố và các đơn vị chức năng ở quận, huyện hãy bắt tay từ những việc nhỏ như dẹp bỏ ngay những hình ảnh xấu, phản cảm như nêu trên; xử phạt thật nặng những kẻ dán tờ rơi, quảng cáo trên tường, cột điện, nơi công cộng gây mất mỹ quan TP.
Một vấn đề cần phải đề cập là TP và các quận, huyện nên cân nhắc và chọn lọc vị trí treo những tấm bảng tuyên truyền, giáo dục. Bởi, lẽ khi treo quá nhiều khẩu hiệu mang tính mệnh lệnh hành chính mà không tính đến yếu tố thẩm mỹ và nội dung kêu gọi có lay động lòng dân hay không sẽ có tác dụng ngược.
TRẦN THANH: Đừng để những con kênh bị bức tử vì rác

Mặc dù những tấm băng-rôn “Hãy cứu lấy kênh rạch của thành phố chúng ta” được treo ở nhiều nơi – ngay cạnh những con rạch, con kênh nhưng dạo qua các con kênh ở trên địa bàn TPHCM, ai cũng thấy rác vẫn nổi lềnh bềnh, đầy ứ trên mặt và lấn cả dòng chảy của kênh rạch gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Cụ thể như kênh Thúi ở đường Hòa Bình P.Phú Trung Q.Tân Phú TPHCM, lòng kênh có chiều rộng 3m nhưng bị rác phủ kín. Đi qua khu vực giao lộ đường Đồng Đen-Hồng Lạc P10 Q.Tân Bình cũng gặp con kênh ngập ngụa rác thải, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Bà con khu vực này cho biết, mỗi tháng đều có công nhân vệ sinh đến vớt rác, chất thải nhưng chỉ được vài ngày, mặt kênh lại nổi đầy rác. Tương tự, khu vực rạch thoát nước Phan Văn Hân ở P17 Q.Bình Thạnh cũng cùng chung số phận. Nhìn mặt kênh bị rác phủ kín, gây mùi hôi thối, ruồi muỗi phát sinh, ai đi qua cũng phải bịt mũi, lắc đầu.
Để cứu con rạch này, một số người dân tốt bụng, có ý thức đã không ngần ngại lội xuống vớt rác. Thế nhưng, hành vi tốt này ít hơn những hành vi vô tư vứt rác, xả rác ra kênh nên chỉ ít ngày sau, con kênh lại trở về tình trạng cũ với rác nổi lềnh bềnh và mùi hôi lan tỏa đến nghẹt thở.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, thủ phạm chính vô tư xả rác ra sông rạch chính là những người sống trong các căn nhà sàn xây dựng lấn chiếm bờ sông, rạch. Có chủ nhà sàn còn làm cả cầu “tõm” và tuồn thẳng rác sinh hoạt xuống kênh để đỡ tốn tiền đổ rác. Có không ít hộ dân sống ven kênh ở khu vực Miếu Nổi (Gò Vấp); Thanh Đa (Bình Thạnh), một số tuyến sông ở quận 7 sống bằng nghề gọt vỏ dừa tươi cũng vô tư đổ thẳng rác xuống kênh rạch.
Hàng năm ngân sách TPHCM tiêu tốn hàng tỷ đồng cho việc vớt rác, khai thông dòng chảy của kênh, rạch. Nhiều cây cầu ở quận Bình Thạnh, quận 5, Gò Vấp, các cơ quan chức năng phải cho làm hàng rào bằng lưới B40 2 bên thành cầu để ngăn không cho những người vô ý thức vứt rác xuống kênh.
Thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, những hành vi vô ý thức vẫn tiếp tục diễn ra. Để cứu những dòng kênh, con rạch đang giãy chết, ngoài tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi, cần có lực lượng chuyên trách thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc người có hành vi xả rác bừa bãi ra kênh, rạch, làm xấu cảnh quan của TP, gây ô nhiễm môi trường.
Không xả rác bừa bãi, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng
Trong năm 2008, TPHCM đã tiêu tốn hơn 678 tỷ đồng cho việc xử lý, thu gom vận chuyển, quét rác, vớt rác. Trong đó, riêng việc quét rác tiêu tốn 184,3 tỷ đồng và chi phí cho việc vớt rác từ sông rạch gần 10 tỷ đồng. Trong 3 năm qua (2006, 2007, 2008) TP mất tổng cộng hơn 503 tỷ đồng để chi cho việc quét rác, vớt rác do hành vi vô ý thức xả rác bừa bãi, vứt rác xuống kênh rạch gây ra. Con số này lớn hơn nhiều lần tổng thu ngân sách của một số tỉnh nghèo khu vực miền núi.
Một cán bộ Sở Tài chính TP bức xúc, nếu như mọi người có ý thức, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác ra kênh, rạch thì thành phố đã tiết kiệm được một con số đáng kể để chi tiêu vào những công việc khác có ích cho cộng đồng hơn. Ở Singapore, một nước xanh sạch, có GDP cao gấp hàng chục lần nước ta nhưng hầu như họ không phải tiêu tốn cho những việc quét, vớt rác nhiều vì người dân có ý thức cao trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp.
Hơn nữa, chính phủ nước này xử phạt rất nặng đối với những người có hành vi làm bẩn môi trường sống. Trong khi đó, nước ta còn nghèo, GDP trên đầu người còn quá thấp, vậy mà mỗi năm, TP phải mất hàng trăm tỷ đồng vì hành vi xả rác bừa bãi.
Hiện nay, việc xử phạt hành chính về hành vi xả rác bừa bãi rất ít địa phương thực hiện nghiêm khắc, thường xuyên. Chỉ khi có chiến dịch thì chính quyền địa phương ra quân rầm rộ và mang nặng hình thức hơn thực chất nên cuối cùng đâu lại vào đó, rác lại hoàn rác.
Theo tôi, ngoài việc tuyên truyền vận động, giáo dục ý thức cũng cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những người xả rác bừa bãi. Cần có hình phạt bổ sung đối với những người xả rác bừa bãi là cho đeo bảng “Tôi xả rác bừa bãi” và cho lao động công ích ngoài trời, làm sạch đường phố liên tục trong 3 ngày. Tôi nghĩ rằng, biện pháp nghiêm khắc này sẽ được dư luận, người dân đồng tình và hoan nghênh. Đường phố và sông, rạch sẽ xanh, sạch một cách nhanh chóng và ngân sách thành phố cũng sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Song Pha