Cùng lúc, ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cũng cho biết, Bộ Nội vụ đã cấp phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đại diện, bảo vệ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở các vùng miền trên cả nước với các thương hiệu nước mắm truyền thống nổi tiếng như Nha Trang, Khải Hoàn, Phú Quốc, Phan Thiết... Riêng Hiệp hội Nước mắm Việt Nam có ban vận động gồm một số công ty chuyên sản xuất nước mắm công nghiệp.
Thời gian qua, dư luận lên tiếng khá nhiều về việc người tiêu dùng không thể phân biệt được thế nào là nước mắm đúng nghĩa (sản xuất theo quy trình truyền thống) và nước chấm (nước mắm được làm từ nguyên liệu pha chế, được gọi tạm là “nước mắm công nghiệp”). Trong khi cơ quan quản lý nhà nước lại gom chung cả hai để quản lý với cùng tiêu chuẩn. Vì thế, các doanh nghiệp nước mắm truyền thống phản ứng, đòi trả lại đúng tên, đúng nghĩa để ngành nước mắm truyền thống không bị dồn vào bờ vực phá sản trước sự lấn lướt, cố tình mượn tên của các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp.
Tuy nhiên, sau quyết định này, bên đại diện cho Hiệp hội Nước mắm Việt Nam dường như vui mừng hơn so với bên đại diện cho Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Vì sao? Bởi cuối cùng, hai cái tên này nghe vẫn cứ na ná như nhau vì hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp vẫn được công nhận với cái tên rất kêu là “nước mắm Việt Nam”. Từ nay, cả nước sẽ có hai hiệp hội cùng song song hoạt động chung tên nước mắm. Trong khi người dân, người tiêu dùng chắc chắn không thể phân biệt nổi hiệp hội nào là của nước mắm truyền thống ngàn đời còn hiệp hội nào là đại diện của thứ nước “nước mắm công nghiệp” (thực chất chỉ là nước chấm chứ không phải là nước mắm đúng nghĩa). Ngay đến cái tên hiệp hội cũng cố tình mập mờ, chung chạ và khó phân biệt như thế thì làm sao minh bạch, rạch ròi được giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp?