Mới đây, tại cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh một trường THCS đã thông tin đến các lớp rằng “thầy hiệu trưởng nhắc không được thu quỹ lớp quá 300.000 đồng/học sinh”. Tuy nhiên, lời nhắc nhở này gần như không có tác dụng vì thực tế hội phụ huynh các lớp đều đề xuất mức thu từ 500.000 - 700.000 đồng/học sinh.
Trao đổi về việc này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định vị hiệu trưởng phổ biến nội dung như vậy là sai, đã gọi là khoản thu tự nguyện thì không nên quy định mức trần hoặc mức thu tối thiểu. Quy định mức thu trần tuy xuất phát từ mục đích tốt đẹp là hạn chế lạm thu nhưng vô tình lại kiềm hãm nguồn lực xã hội hóa của đơn vị.
Trường hợp khác, một phụ huynh có con học tiểu học lại cười như mếu khi giáo viên chủ nhiệm đề xuất con chị “ứng cử” vào 1 trong 2 chỉ tiêu học sinh có hoàn cảnh khó khăn của lớp để được miễn đóng quỹ lớp và nhận quà trung thu. Trước đó, phụ huynh này đã từ chối đóng quỹ lớp.
Thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, một số phụ huynh “có điều kiện” còn xung phong đóng quỹ lớp dùm cho các trường hợp phụ huynh từ chối đóng. Nhiều người thắc mắc, đã gọi là thu tự nguyện, vậy vì sao phải đóng bù cho đủ số học sinh trong lớp?
Cũng theo phản ảnh từ phụ huynh, hiện nay đang có sự nhập nhèm giữa hoạt động của chi hội khuyến học trong nhà trường và hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Nhiều trường hợp phụ huynh bị ép đóng quỹ tài trợ học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn không trên tinh thần tự nguyện.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định: “Phụ huynh có quyền từ chối đóng những khoản thu không phục vụ trực tiếp hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các khoản thu với tinh thần tài trợ cho giáo dục”.
Cụ thể, việc chi cấp học bổng là một trong những hoạt động thường xuyên của chi hội khuyến học, các cá nhân, tập thể có quyền tham gia đóng góp với tư cách mạnh thường quân chứ không nên chia đều kinh phí, tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT (có hiệu lực thực hiện từ ngày 18-9-2018) quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhằm thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT (ban hành ngày 10-9-2012) về tài trợ trong lĩnh vực giáo dục.
Trong thông tư nêu rõ: “Việc tiếp nhận tài trợ phải thông qua tổ tiếp nhận tài trợ, gồm một số đại diện của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nhà trường tuyệt đối không tự ý thu tiền của phụ huynh. Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không được trực tiếp đứng ra tiếp nhận”.
Quy định là vậy nhưng ranh giới giữa tài trợ hoặc xã hội hóa và lạm thu rất mong manh.
Theo đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động thu, chi tại đơn vị. Khi phát hiện trường hợp vi phạm, hiệu trưởng ngoài việc bị xử lý kỷ luật theo các khung hình phạt sẵn có còn bị kiểm điểm trách nhiệm về mặt tổ chức. Mong rằng, khi cả xã hội quan tâm và giám sát hoạt động thu chi đầu năm, tình trạng lạm thu ở trường học không còn tái diễn.