Không thể tin tưởng
Quan điểm này được đưa ra trong bức thư nhằm ủng hộ một đề xuất của Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) Mỹ về việc cấm các nhà cung cấp mạng không dây tại các vùng nông thôn của Mỹ sử dụng ngân sách liên bang khoảng 8 tỷ USD để mua sắm trang thiết bị cũng như dịch vụ từ Huawei và ZTE. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho rằng quá trình hoạt động của các công ty này cũng như chính sách thực tiễn của Chính phủ Trung Quốc cho thấy Huawei và ZTE là không thể tin tưởng. Ông William Barr cũng khẳng định hoạt động của 2 công ty trên đã phần nào chứng tỏ sẽ gây ra nguy cơ với an ninh tổng thể của nước Mỹ.
Theo dự kiến, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ (FCC) sẽ tiến hành bỏ phiếu trong tuần sau về kế hoạch trên và đang đề nghị yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ và thay thế các thiết bị từ 2 doanh nghiệp Trung Quốc này. FCC cho rằng đây là một phần trong sáng kiến nhằm đảm bảo an toàn cho các mạng lưới viễn thông quốc gia. FCC cũng sẽ yêu cầu các nhà mạng trong nước thông báo mức chi phí cần thiết là bao nhiêu để có thể loại bỏ và thay thế thiết bị của Huawei và ZTE khỏi hệ thống mạng hiện có. Hai công ty Trung Quốc sẽ có 30 ngày để phản đối lại việc bị FCC định danh là nguy cơ an ninh quốc gia với Mỹ. Theo đó, một phán quyết cuối cùng bắt buộc phải loại bỏ các thiết bị của Huawei và ZTE, nếu có, sớm nhất cũng mới có hiệu lực trong năm tới.
Huawei và ZTE hiện chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Barr. Tuy nhiên, phía Huawei luôn khẳng định rằng Washington đã không đưa ra được bằng chứng nào cho các nguy cơ an ninh của Mỹ. Theo Huawei, trong suốt 30 năm hoạt động, công ty chưa từng có sự cố an ninh lớn nào tại 170 nước đang hoạt động. ZTE từng bác bỏ ý kiến rằng thiết bị của hãng là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.
Công cụ mặc cả
Trước đó, vào cuối tháng 10, giới chức Mỹ đã đề xuất các quy định mới nhằm ngăn các công ty viễn thông nước này mua sắm thiết bị của Huawei và ZTE, cũng như gỡ bỏ bất kỳ thiết bị nào của 2 công ty này đã được cài đặt. Đây là cú đòn của chính quyền Tổng thống Donald Trump giáng vào Huawei và ZTE. Theo luật pháp Mỹ, 2 công ty công nghệ Trung Quốc sẽ có 30 ngày để khiếu nại về quyết định này. Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt Huawei vào “danh sách đen”, theo đó ngăn chặn tập đoàn mua linh kiện và công nghệ của các nhà sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, sau đó lệnh cấm này đã được nới lỏng để tạo thuận lợi cho vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra sau đó.
Lầu Năm Góc của Mỹ cũng đã cấm sử dụng hãng Huawei và ZTE tại các căn cứ quân sự của Mỹ, vì phía Bộ Quốc phòng cho rằng 2 công ty công nghệ trên có thể gây ra mối đe dọa về an ninh như ảnh hưởng đến nhân sự, thông tin và nhiệm vụ. Theo Lầu Năm Góc, điện thoại đến từ Huawei và ZTE có thể sẽ bị hack và sử dụng để theo dõi người dùng Mỹ nhằm có lợi cho Chính phủ Trung Quốc.
Theo giới quan sát, hàng loạt động thái từ Chính phủ Mỹ đã cho thấy công nghệ đang là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Ngoài lý do an ninh, Huawei nhiều khả năng vẫn bị sử dụng làm một công cụ mặc cả trên bàn đàm phán của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vốn chưa có điểm dừng.