
Nhìn chung, FED mô tả tình trạng nền kinh tế Mỹ khá ổn định và dự báo với chính sách tiền tệ phù hợp, lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống mục tiêu 2%. FED nhấn mạnh rằng tình hình việc làm hiện đang gần đạt mức tối đa, tức là tỷ lệ thất nghiệp thấp và tổng số lao động đã được huy động đầy đủ.
Tuy nhiên, dù lãi suất đã được cắt giảm nhiều lần trước đó, lạm phát vẫn chưa đạt được mức mà FED mong muốn. Do đó, FED quyết định tạm dừng việc cắt giảm lãi suất, chờ đợi những tiến triển rõ ràng hơn về mức lạm phát trước khi tiếp tục hành động.
Theo các nhà hoạch định chính sách của FED, những rủi ro gia tăng có thể làm tăng lạm phát gồm tác động do thay đổi trong chính sách thương mại và nhập cư, khả năng diễn biến địa chính trị làm gián đoạn chuỗi cung ứng và cả chi tiêu hộ gia đình có thể mạnh hơn dự kiến. Các chính sách bảo hộ mạnh mẽ như áp thuế quan cao, giới hạn nhập khẩu, kiểm soát di dân có thể dẫn đến việc tăng giá hàng hóa, gây áp lực lên chi phí sản xuất và sinh hoạt.
Ngoài ra, các quan chức FED cũng lo ngại về tác động tiêu cực từ việc đàm phán nâng trần nợ của chính phủ Mỹ. Hiện tại, chính phủ đã đạt giới hạn nợ công và Bộ Tài chính đang phải dùng các biện pháp đặc biệt để duy trì khả năng thanh toán. Tổng thống Donald Trump cũng đã đề xuất kế hoạch tăng trần nợ công lên 4.000 tỷ USD nhưng quá trình đàm phán có thể kéo dài hàng tháng.
Trong khi đó, duy trì lãi suất cao cũng làm ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính, đặc biệt là chi phí vay vốn và các kế hoạch đầu tư trong tương lai sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, lãi suất sẽ tiếp tục là bài toán khó của FED để làm sao vừa kích thích phát triển, vừa đưa lạm phát về mục tiêu.