Giảm thiểu nhồi nhét
PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nam, đồng Chủ biên sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 9 Bộ Chân trời sáng tạo nhấn mạnh, văn viết hay văn nói quan trọng là sự chính xác, đầy đủ trước tiên chứ không phải dài. Trong thực tế, đã từng có những bài văn viết dài, được điểm cao, nhưng sau khi được xác minh lại hóa ra là do… học tủ từ sách văn mẫu. Giáo viên khi giảng dạy cần hướng dẫn rất rõ cho học sinh các bài viết phải đầy đủ ý tứ, có cảm xúc thì sẽ có điểm tốt. Những kiểu “định lượng” như viết bao nhiêu trang giấy cần được loại bỏ.
Dưới góc độ khoa học sư phạm, việc dạy môn Ngữ văn hay bất cứ môn học nào theo kiểu “nhồi nhét” cũng đều thiếu hợp lý, vì điều này gây ra phản ứng ngược, ngay cả học sinh có năng lực tiếp thu cũng có thể cảm thấy chán môn học. Học sinh phải được học môn Tiếng Việt hay Ngữ văn với sự thích thú, mà muốn như vậy, giáo viên phải chỉ ra được cái hay, cái đẹp của môn học hoặc tính thực tế của môn học, từ đó hướng học sinh đến tìm hiểu kiến thức, yêu văn chương, yêu nghệ thuật.
Trang 32, SGK Ngữ văn lớp 9 tập một Bộ Chân trời sáng tạo đã đưa ra một kiến thức quan trọng, đó là “Cách tham khảo, trích dẫn tài liệu để tránh đạo văn”. Theo đó, đạo văn được định nghĩa “là hành vi sao chép lời nói, ý tưởng, quan điểm… của người khác và coi nó như là của riêng mình. Đây là hành vi vi phạm đạo đức trong học tập, nghiên cứu”. Và để tránh lỗi đạo văn, sách hướng dẫn cụ thể “cần trích dẫn chính xác và đúng quy định khi sử dụng lời nói, quan điểm… của người khác… Phần trích dẫn có thể bao gồm các nội dung sau: ý trích dẫn, tác giả, tên tác phẩm/công trình, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản…”.
Chú trọng thực tế
Nếu giáo viên có thể đưa ra các thí dụ minh họa về đạo văn và nói thêm về những hệ lụy, học sinh rõ ràng đã học được một kiến thức, thậm chí là một bài học đạo đức quan trọng trong sự phát triển nhân cách và cả kiến thức của mình và tất nhiên, sẽ cảm thấy đây là kiến thức hữu ích và thú vị. Bởi lẽ, đây là kiến thức không chỉ quan trọng với học sinh có thiên hướng về các môn xã hội, mà ngay cả học sinh giỏi các môn tự nhiên cũng phải biết. Xã hội hiện đang nói nhiều về liêm chính khoa học, các vấn nạn về ăn cắp bản quyền, chất xám… mà muốn hạn chế, học sinh cần được giáo dục triệt để nhằm tránh xa hành động, thậm chí là ý tưởng đạo văn.
PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nam, nêu giải pháp: Người giáo viên sau thời gian đầu nhận lớp cần xác định được mức độ tiếp thu của học sinh và phân loại ra từng nhóm để có cách truyền đạt hợp lý. Chẳng hạn, nhóm học sinh trung bình yếu sẽ truyền đạt kiến thức nào phù hợp, học sinh khá giỏi sẽ tiếp thu kiến thức nào để nâng cao khả năng cảm thụ văn học hay kỹ năng viết… Quan trọng nhất, quy trình ra đề và chấm thi cần được quán triệt việc viết đầy đủ ý tứ, có cảm xúc là có điểm và phải được nhấn mạnh liên tục, tránh việc ra những đề thi tối nghĩa, mang tính phô trương bản thân.
Cô Nguyễn Thị Thanh là một giáo viên dạy môn Ngữ văn THPT nổi tiếng tại TP Nha Trang được rất nhiều thế hệ học sinh yêu mến, ngay cả đó là những học sinh có học lực trung bình và “ghét” môn Ngữ văn. Bí quyết của cô Thanh chính là thường xuyên cộng điểm cho học sinh nào thuộc các bài thơ, hoặc các trích đoạn thơ khó. Đó là lý do trong giờ học của cô Thanh, học sinh thường giơ tay, xếp hàng lên đọc các bài thơ, trích đoạn văn… Hiệu quả rất rõ ràng, khi nắm rõ tác phẩm, giáo viên có thể phân tích, truyền đạt các ý tưởng rất nhanh. Còn với học sinh yếu, việc có thể thuộc một bài thơ hay một trích đoạn ngắn từ các tác phẩm nổi tiếng có lẽ cũng là một thành công.
Môn Ngữ văn đã là một môn học giáo dục cảm xúc, thẩm mỹ chứ không phải chỉ có kiến thức hay điểm số. Vì vậy, cần có cách tiếp cận đúng đắn, và đặt ra nhiều mục tiêu cho từng học sinh chứ không chỉ là chuyện viết dài hay áp lực thi cử.