Có quy định nhưng khó xử lý
Một người dân ngụ gần Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM) phản ánh qua đường dây nóng Báo SGGP: “Quá nửa đêm thường xuất hiện một số người lén lút đi dán tờ rơi quảng cáo trên mấy cột điện. Nhiều lần tôi phải gỡ tờ rơi ở cột điện trước nhà và các tường xung quanh, nhưng hôm sau lại có người dán lên, thậm chí nhiều hơn. Cứ thấy cột điện, bờ tường trống là họ dán”.
Quả thật, dọc theo quốc lộ 13 đoạn qua quận Bình Thạnh, hầu hết cột điện, tủ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh đều bị dán đầy tờ rơi quảng cáo rút hầm cầu, cho vay tiền, bán nhà đất, cầm đồ, khai trương cửa hàng - quán nhậu, tìm người ở ghép…
Hiện nay, hầu hết trên các tuyến đường tại TPHCM cũng đều thấy hình ảnh cột điện, tủ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh, tường hẻm, nhà chờ xe buýt… bị dán, treo, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Nghị định 28/2017 đã có những chế tài đủ mạnh, tạo thuận lợi cho chính quyền các quận - huyện tại TPHCM chấn chỉnh các hành vi quảng cáo trái phép.
Theo đó, hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt tiền 1 - 2 triệu đồng; các cá nhân, đơn vị có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo bị xử phạt 5 - 10 triệu đồng.
(đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3)
Theo Sở VH-TT TPHCM, đối tượng thực hiện các hành vi dán tờ rơi trái phép phần lớn là sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, khi thực hiện việc treo hoặc phát tờ rơi thường không mang theo tài sản, giấy tờ tùy thân.
Do đó, khi phát hiện thì việc xử lý hành chính rất khó khăn. Những người này không có tài sản giá trị để bị tạm giữ và khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì không có khả năng thực hiện.
Việc xác định chủ thể vi phạm là người có sản phẩm được quảng cáo cũng khó, vì người thực hiện dán quảng cáo phần lớn là người được thuê, không biết rõ chủ sản phẩm được quảng cáo là ai.
Ngoài ra, người có sản phẩm cũng không thừa nhận mình là người thực hiện quảng cáo, nên khó truy cứu trách nhiệm tận gốc. Tình trạng phát tờ rơi treo, dán quảng cáo rao vặt thường được thực hiện lén lút vào ban đêm (từ 0 giờ đến 3 giờ) nên rất khó phát hiện, bắt quả tang và xử phạt đúng chủ thể vi phạm.
Cần biện pháp hữu hiệu
Trao đổi về công tác kiểm tra và xử lý quảng cáo, rao vặt trái phép, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết: Trước đây, khi áp dụng Nghị định 75/2010, đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định, hoặc hành vi viết, vẽ, dán, quảng cáo trên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường, TPHCM có áp dụng biện pháp cắt liên lạc điện thoại.
Tiếp đó, UBND TPHCM đã ban hành quy chế phối hợp giữa Sở VH-TT với Sở TT-TT để thực hiện việc dừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại có hành vi vi phạm hành chính.
Nhưng khi Nghị định 158/2013 ban hành thay thế Nghị định 75/2010 không quy định biện pháp khắc phục hậu quả, nên khi phát hiện hành vi vi phạm về quảng cáo có số điện thoại, cơ quan chức năng rất khó xử lý.
Về vấn đề này, Sở VH-TT cho biết UBND TPHCM đã giao Sở TT-TT kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để cắt liên lạc số điện thoại vi phạm, nhưng đến nay vẫn chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Theo Sở VH-TT, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân cùng hưởng ứng không thực hiện hành vi quảng cáo rao vặt trái phép làm mất mỹ quan đô thị.
Việc tuyên truyền phải được thực hiện với hình thức mới lạ, thu hút; chú ý đến các đối tượng có khả năng vi phạm như sinh viên, học sinh, người lao động nghèo…
TPHCM đã triển khai mô hình “15 phút mỗi tuần vì thành phố văn minh - sạch đẹp”, vận động từng hộ gia đình mỗi tuần dành 15 phút dọn vệ sinh nơi công cộng, tháo gỡ tờ rơi. Các quận - huyện cũng triển khai mô hình “Chụp ảnh đăng tin”, “Săn ảnh đen”… phản ánh sự việc chưa đẹp về văn minh đô thị và thông tin đến lực lượng chức năng xử lý.
Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng phát, dán tờ rơi quảng cáo trái phép không phải chỉ trông chờ vào việc tuyên truyền, mà cần phải có những biện pháp xử lý hữu hiệu đối tượng có sản phẩm quảng cáo dựa trên mức chế tài được quy định.
Đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa và thông tin, mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Và nếu chỉ trông chờ vào việc tuyên truyền, vận động mà không mạnh tay xử lý vi phạm thì những cột điện, tủ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh, tường hẻm… sẽ tiếp tục bị bôi bẩn.