Hiểu rõ tác hại vẫn hút
Có nhiều nguyên nhân chính khiến vẫn chưa dứt được nạn hút thuốc lá nơi công cộng: Hút thuốc là một loại nghiện nên người nghiện không dễ gì bỏ được ngay chỉ thông qua vận động suông; việc mua thuốc lá còn quá dễ dàng, ngay cả trẻ con cũng mua được; việc xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng tuy được quy định khá chặt chẽ nhưng không có tính khả thi bởi không có lực lượng để thi hành, hình thức và biện pháp xử lý còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc cán bộ công chức làm gương không hút thuốc tại các công sở chưa được thực hiện tốt.
Trên thực tế, trong gia đình, nếu người chồng, người cha hút thuốc, thì gần như vợ con họ phải chung sống với khói thuốc. Một số người có ý thức bảo vệ vợ con thì chủ động hút thuốc bên ngoài, hạn chế hút trong nhà, nhưng nhìn chung ít nhiều vẫn đem khói thuốc vào trong nhà và vô tình buộc người thân của mình hít phải. Trong cơ quan, kể cả nơi có bảng cấm hút thuốc, một số cán bộ công chức vẫn vô tư “phì phèo”, kể cả khi trong phòng có phụ nữ hoặc đang tiếp khách. Tại các nơi công cộng, nhiều người vẫn thoải mái hút thuốc, xả tàn bừa bãi. Khi đi trên đường, không ít người vẫn tranh thủ vừa chạy xe vừa hút thuốc, nhất là khi dừng chờ đèn đỏ, rồi tiện tay bỏ đầu thuốc hoặc tàn thuốc xuống đường.
Điều đáng nói là việc chủ động đấu tranh, phê phán hành vi hút thuốc, cũng như việc tự bảo vệ mình tránh khỏi khói thuốc, của mọi người xung quanh đối với người hút thuốc gần như không có, hoặc rất yếu ớt. Chẳng hạn, trong một nhóm người vào quán cà phê hoặc vào quán ăn, trong đó có người thản nhiên hút thuốc thì những người khác dù khó chịu nhưng vẫn rất ít khi bộc lộ thái độ hoặc phản đối. Trên xe buýt, trong thang máy hoặc trong bệnh viện, nếu không phải người có chức trách yêu cầu không hút thuốc, thì những người khác hầu như làm ngơ. Ngay cả trong cơ quan, nếu nhân viên hút thuốc, thủ trưởng còn ngại nhắc nhở, thì nói gì đến khi thủ trưởng hút thuốc mà nhân viên góp ý!
Một môi trường sống không khói thuốc lá
Để xây dựng một môi trường sống không khói thuốc lá, trước hết, bản thân người nghiện thuốc cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách giảm số lượng thuốc hút hàng ngày, tiến dần đến bỏ hẳn thuốc lá. Còn những người không hút thuốc tốt hơn hết là không lại gần nơi có người đang hút thuốc, nếu phải sống chung, làm việc chung thì nên mạnh dạn góp ý, nhắc nhở, thậm chí đấu tranh với hành vi hút thuốc. Ở một số nơi công cộng nên có khu vực hút thuốc và khu vực không hút thuốc để khách hàng lựa chọn. Ở các cơ quan, công sở, nội bộ nên có sự tự giám sát và đưa vào tiêu chí thi đua cá nhân hoặc theo từng đơn vị, có thể áp dụng để trừ vào tiền thưởng định kỳ. Trong phong trào xây dựng “Công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn”, cần nghiêm khắc đánh điểm kém với những nơi có người còn hút thuốc.
Về các hình thức chế tài, để các quy định xử phạt được áp dụng trong thực tế, cần phân biệt cho rõ: đối với các cơ sở dịch vụ (nhà hàng, quán ăn, xe buýt, nhà hát, vũ trường…) nên phạt trực tiếp người quản lý hoặc chủ các cơ sở dịch vụ để cho khách hàng hút thuốc. Biện pháp này buộc các điểm cung cấp dịch vụ phải quản lý chặt chẽ khách của mình để có biện pháp nhắc nhở, ngăn chặn hoặc ngưng cung cấp dịch vụ những khách hàng vi phạm. Đối với người hút thuốc ở công viên, ngoài đường…, nên do lực lượng cảnh sát môi trường xử lý. Trước mắt có thể lực lượng này còn ít, số trường hợp bị xử phạt chưa nhiều, nhưng dần dần khi đội ngũ này được mở rộng thì có thể kết hợp để xử phạt những hành vi gây ô nhiễm môi trường khác như phóng uế, xả rác, khạc nhổ… Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các điểm bán thuốc lá nếu bán thuốc cho trẻ em hoặc không có biểu tượng cảnh báo tác hại của thuốc lá đúng mức.
Bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân là trách nhiệm của mọi người. Trong đó, việc phòng chống hành vi hút thuốc ở nơi có đông người cần phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc để bảo đảm sức khỏe người dân.
Với những cơ quan có quy định nghiêm ngặt về cháy nổ, kể cả những nơi có trẻ em, người già, người bệnh, thì nội quy cơ quan cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc hành vi hút thuốc của cán bộ công chức, viên chức, người lao động của mình. Ngoài ra, ở những nơi có tiếp dân, có thể đặt thùng thư góp ý để ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân về việc cán bộ công chức có hành vi hút thuốc.