Chương trình có sự tham gia của các diễn giả: PGS-TS Lê Quang Trường, Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM); TS Phan Thu Vân, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TPHCM và ThS Nguyễn Hồng Anh, giảng viên Văn học nước ngoài, Trường ĐH Sư phạm TPHCM. GS-TS Huỳnh Như Phương, nhà thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên cùng đông đảo sinh viên đến từ hai trường đã cùng tham dự.
Văn học Đài Loan (Trung Quốc) đương đại là một dòng chảy đặc biệt trên văn đàn châu Á, phản ánh rõ nét các chuyển động văn hóa, chính trị và xã hội của hòn đảo này. Xuất hiện khá muộn màng, tuy nhiên văn học Đài Loan ngay từ lúc bắt đầu đã nổi lên với nhiều chủ đề đa dạng, từ cuộc đấu tranh bản sắc đến những tác động của hiện đại hóa và môi trường tự nhiên, tạo nên tiếng nói độc lập và đầy bản sắc.
Trong nhiều năm qua, rất nhiều tác giả của Đài Loan (Trung Quốc) đã được giới thiệu tại Việt Nam: trước là Quỳnh Dao, Cổ Long; gần đây có Diệp Thạch Đào, Trần Trường Khánh, Cửu Bả Đao, Bạch Tiên Dũng, Kevin Chen… và mới nhất là Ngô Minh Ích với tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Trước tác phẩm này, Ngô Minh Ích cũng được yêu mến tại Việt Nam với hai tiểu thuyết Người mắt kép và Chiếc xe đạp mất cắp.
Với phong cách văn chương độc đáo kết hợp giữa hiện thực và kỳ ảo, Ngô Minh Ích được xem là nhà văn xuất sắc nhất của thế hệ mình, được xem là biểu tượng văn chương của xứ Đài trong thời kỳ mới. Anh hiện đang là giáo sư khoa Văn học Hoa ngữ tại ĐH Quốc lập Đông Hoa, đồng thời cũng là một nghệ sĩ đa tài với vai trò nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, nhà sưu tập bướm, nhà hoạt động môi trường.
Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành được xuất bản năm 2011 và là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Minh Ích. Tuyển tập gồm 10 truyện ngắn lấy bối cảnh khu chợ Trung Hoa ở Đài Bắc vào thập niên 1970 - thời kỳ đất nước đang chuyển mình, cuộc sống nơi khu chợ vẫn còn phảng phất sự nghèo khó nhưng đầy tình người. Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành trở thành hình ảnh trung tâm, gắn kết những câu chuyện của các nhân vật với nhau bằng sự bí ẩn và phép màu.